Đổi mới tư duy trong lâm nghiệp

Trong khi tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng đang bị lãng phí, người dân sống gần rừng hằng năm vẫn phải “khăn gói” lên đường tìm việc làm nơi đất khách... Thực trạng này cần chính sách đột phá phù hợp để rừng tự nhiên được quản lý, sử dụng, điều chế một cách khoa học.

Cán bộ Kiểm lâm huyện Tương Dương kiểm tra rừng.
Cán bộ Kiểm lâm huyện Tương Dương kiểm tra rừng.

Những chính sách đột phá và cần sửa, đổi

Gần đây trên địa bàn Nghệ An, các huyện Tân Kỳ, Yên Thành, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn... có không ít hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng từ bán cây rừng trồng. Người dân đã chủ động trồng lại rừng ngay sau khi rừng trồng vừa được khai thác mà chưa cần đến sự đôn đốc của cơ quan chức năng.

Cuối năm 2019 đầu năm 2020 ở Nghệ An có một số bài báo phản ánh về sai phạm tại 10/11 Ban quản lý rừng phòng hộ (Ban QLRPH). Tại huyện Anh Sơn có một số cán bộ bảo vệ rừng ký nhận khoán bảo vệ hàng trăm ha rừng với trị giá hàng trăm triệu đồng tiền nhân công nhưng không được nhận tiền. Theo  người trong cuộc, đây là thực trạng phổ biến diễn ra tại các Ban QLRPH trên địa bàn Nghệ An, mỗi đơn vị đều có “sai phạm” ở mức độ khác nhau nhưng cơ bản là cùng chung tình trạng. Xét ở khía cạnh trách nhiệm bảo vệ rừng thì cá nhân nhận khoán bảo vệ rừng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật trên diện tích hàng trăm ha rừng đã ký nhận khoán. Xét ở khía cạnh tài chính thì số tiền nhân công bảo vệ phải thuộc về cá nhân người nhận khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi rừng. Nhưng thực tế số tiền nhân công bảo vệ, khoanh nuôi rừng ấy lại là nguồn thu nhập chung của Ban QLRPH và được đơn vị sử dụng để chi phí vào nhiều khoản mục, trong đó có chi trả lương cho cán bộ bảo vệ rừng. Nếu có sự bất hợp tác thì sẽ dẫn đến hệ lụy tới nhiều con người gồm: nhà quản lý, tham mưu tài chính, tham mưu kỹ thuật và kể cả bản thân cá nhân người nhận khoán bảo vệ rừng, vậy nguyên nhân ở đâu?

Một số văn bản có tính chất pháp quy chưa hoàn hảo như: Hướng dẫn số 1712 ngày 25-7-2013 của Sở NN&PTNT Nghệ An về việc “hướng dẫn lập hồ sơ giao khoán, thiết kế kỹ thuật và dự toán bảo vệ, khoanh nuôi rừng giai đoạn 2013 - 2015 thuộc nguồn vốn sự nghiệp và các nguồn vốn khác do Nhà nước quản lý thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng”. Hướng dẫn số 2610, ngày 17-10-2016 về việc “hướng dẫn một số nội dung về lập hồ sơ giao, khoán và thiết kế kỹ thuật, dự toán bảo vệ rừng giai đoạn 2016 - 2020” là cơ sở để hình thành hàng chục bộ hồ sơ thiết kế kỹ thuật giao khoán bảo vệ rừng tại Nghệ An trong các năm từ 2013 đến 2020. 

Dù hai văn bản ấy đã khắc phục được nhiều bế tắc từng mắc phải trước đó, như về mặt hồ sơ giao khoán đã có bên giao, bên nhận bảo vệ, khoanh nuôi rừng. Tuy nhiên, người đứng tên nhận khoán bảo vệ, khoanh nuôi rừng trong hồ sơ hầu hết là những lao động hợp đồng không có chức danh lại mang tính đại diện cho một tập thể trong khi bản thân họ chưa đủ cơ sở về tính pháp nhân để làm người đại diện cho một tập thể, một đơn vị. Những bất cập nêu trên đã kéo dài và trở thành phổ biến nhiều  năm nay tại Nghệ An cần phải được sửa đổi. 

Lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn 

Trên địa bàn Nghệ An lâu nay cho thấy, nguồn tài nguyên thiên nhiên rất lớn bị lãng phí, lẽ ra nó góp phần làm tăng GDP cho đất nước. Hàng chục nghìn ha đất lâm nghiệp ở trạng thái chưa có rừng (DT1, DT2) đang chờ “diễn thế tự nhiên” mất khoảng 50 năm sau để thành rừng giá trị, thí dụ ở huyện Tương Dương, Kỳ Sơn có hàng chục nghìn ha đất có rừng, gọi là rừng tự nhiên nhưng thực chất chỉ là những đám cây bụi, cây khẳng khiu còn sót lại sau khai thác kiệt, cây tự nhiên ưa sáng mọc nhanh làm tiên phong phủ xanh đất trống sau nương rẫy, cây gỗ ít có giá trị kinh tế, giá trị phòng hộ, giá trị nguồn gien và giá trị văn hóa, nhưng hằng năm Nhà nước vẫn phải tốn tiền đầu tư bảo vệ, thí dụ như ở Tân Kỳ, Yên Thành và nhiều nơi khác. 

Bên cạnh đó, hàng chục nghìn ha rừng nứa chứa đầy cây nứa già cỗi, cây chết khô, mục nát. Hàng chục nghìn ha rừng tự nhiên giàu với những cây cổ thụ quý giá đã già cỗi đến mục rỗng ruột và chết dần theo năm tháng. Điển hình như ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương và nhiều nơi khác những rừng cây gỗ quý pơ mu, sa mu, săng lẻ... cổ thụ lâu năm bị rỗng ruột mục chết. Trong khi nhu cầu về lâm sản gỗ, lâm sản ngoài gỗ ngày một tăng cao do sự phát triển của các ngành nghề kinh tế, nhu cầu đời sống của nhân dân. Một nghịch lý là trong khi tài nguyên đất đai, tài nguyên rừng bị lãng phí như thế nhưng người nông dân sống gần rừng hằng năm vẫn phải “khăn gói” lên đường tìm việc làm nơi đất khách.

Thiết nghĩ, nếu có chính sách đột phá phù hợp để rừng tự nhiên của chúng ta được quản lý, sử dụng, điều chế một cách khoa học thì không những giá trị môi trường của rừng được tăng cao, giá trị nguồn gien và giá trị văn hóa được bảo tồn mà còn đóng góp về kinh tế, giải quyết việc làm cho nhân dân của rừng là vô cùng to lớn. Do vậy cần tiếp tục có những bước đột phá trong tư duy về chính sách giao đất, khoán rừng, xác lập quyền sở hữu rừng, đất rừng và cho thực hiện một số hoạt động kinh doanh nông nghiệp trên đất lâm nghiệp chưa có rừng và đất có rừng giá trị thấp!...

Nhờ đổi mới cơ chế giao đất khoán rừng mà độ che phủ của rừng được tăng lên đáng kể, nếu như vào năm 2000 độ che phủ của Việt Nam là 33%, năm 2009, 39,1% và năm 2020 độ che phủ đạt 42%, đem lại giá trị môi trường hết sức to lớn.