Định hướng nghề lao động nông thôn

10 năm qua, việc triển khai Chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn (Đề án 1956) đã góp phần thay đổi ngành nghề, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo cơ hội tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, đón bắt xu hướng lao động mới, cần thay đổi tư duy nghề nghiệp với lao động nông thôn.

Nhiều hộ nông dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt cho thu nhập ổn định. Ảnh: NGUYỆT ANH
Nhiều hộ nông dân phát triển chăn nuôi và trồng trọt cho thu nhập ổn định. Ảnh: NGUYỆT ANH

Có việc làm, tăng thu nhập

Hằng ngày, chị Nguyễn Thị Mai (sinh năm 1989), xã Cổ Loa (huyện Đông Anh, Hà Nội) đến cơ sở may gần nhà để làm việc. Chị cho biết, gần đây, đất nông nghiệp tại địa phương bị chuyển đổi mục đích nhiều, nơi thì làm khu công nghiệp, nơi thì làm đường, phục vụ các công trình dân sinh. Nông dân không còn ruộng nên rất cần có một nghề trong tay. “Tôi không thạo buôn bán nên chọn nghề may gần nhà để còn phụng dưỡng bố mẹ già. Quyết định học nghề may vào cuối năm 2018 đã thay đổi cuộc sống của tôi. Chỉ sau ba tháng học nghề, tôi đã có việc làm ổn định với mức thu nhập trung bình 5 - 6 triệu đồng/tháng”, chị Mai phấn khởi.

Cùng học nghề với chị Mai có hàng chục lao động (LĐ) khác ở xã Cổ Loa. Thấu hiểu nhu cầu, nguyện vọng được làm việc tại quê nhà của người LĐ, chủ cơ sở may luôn nỗ lực tìm kiếm đối tác, khai thác thị trường để mở rộng sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, cơ sở may đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 50 LĐ, chủ yếu là đối tượng hoàn thành các khóa học nghề kỹ thuật may công nghiệp dành cho LĐ nông thôn (LĐNT).

Ông Nguyễn Đình Thanh, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Đông Anh cho biết, may công nghiệp là nghề phát huy hiệu quả tích cực nhất trong danh mục các nghề phi nông nghiệp đang triển khai đào tạo cho LĐNT trên địa bàn huyện. Một số nghề phi nông nghiệp khác như điện dân dụng, pha chế đồ uống… cũng góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho hàng trăm người LĐ.

Theo báo cáo của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH, hết tháng 9-2019 đã có hơn 9,2 triệu LĐNT được học nghề các trình độ. Trong đó có 5,3 triệu người được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng theo chính sách của Đề án 1956. Ước tính đến hết năm 2019, có khoảng 9,6 triệu LĐNT được học nghề các cấp trình độ, đạt 87% mục tiêu của Đề án (11,03 triệu người). Trong đó, số LĐNT được hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng là 5,59 triệu người.

Sau khi học nghề, LĐ có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. LĐ nữ nông thôn được hỗ trợ học nghề chiếm 59,4%, vượt mục tiêu đề ra. Gần 65% LĐNT học nghề phi nông nghiệp để chuyển nghề. Hơn 35% LĐNT được học nghề nông nghiệp để tiếp tục làm nghề nông nghiệp có năng suất, thu nhập cao hơn.

Chọn ngành phải phù hợp

Tuy nhiên, bên cạnh thuận lợi vẫn còn nhiều khó khăn. Trong đó, việc xác định danh mục nghề đào tạo cho LĐNT, nhất là danh mục nghề nông nghiệp ở một số địa phương dù đã được hướng dẫn rà soát hằng năm, nhưng vẫn còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và yêu cầu làm nông nghiệp tiên tiến hiện đại gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Theo phân tích của ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp, điều này dẫn đến hiệu quả sau học nghề không cao. LĐ học một số nghề phi nông nghiệp chưa tìm được việc làm, do thị trường tại chỗ không có nhu cầu hoặc do tay nghề chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số LĐ học nghề nông nghiệp, sản phẩm làm ra không tiêu thụ được hoặc tiêu thụ rất khó khăn.

Theo đánh giá, hệ thống đào tạo nghề nông nghiệp nước ta đang được nâng cấp và mở rộng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại hạn chế khi đào tạo ít gắn với sản xuất và sử dụng LĐ, dẫn tới việc không đủ đội ngũ LĐ có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu kinh tế thị trường.

Doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ đầu tư dạy nghề, giúp nâng cao hiệu quả hệ thống đào tạo. DN đủ khả năng cung cấp hệ thống trang thiết bị hiện đại, đội ngũ tham gia hỗ trợ kèm học viên, cũng như tạo cơ hội để học viên thực hành. DN cũng là nơi tiếp nhận LĐ sau đào tạo. Vì vậy, thiết lập mối quan hệ với DN, cơ sở dạy nghề sẽ tận dụng được tối đa những lợi thế để đào tạo nhân lực phù hợp với nhu cầu DN, tránh lãng phí cho Nhà nước, xã hội và người học.

Định hướng nghề nghiệp và dạy nghề nông nghiệp tại các cơ sở, TS Vũ Ngọc Huyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, hằng năm cơ sở đào tạo cần xác định nhu cầu của DN để có hướng đào tạo phù hợp. Trước tuyển sinh, có thể tổ chức các lớp chia sẻ định hướng LĐNT đăng ký học nghề phù hợp trình độ, năng lực bản thân, định hướng phát triển của địa phương. Đặc biệt, tập trung định hướng dạy nghề về các sản phẩm lợi thế của địa phương theo chuỗi giá trị, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đào tạo theo hợp đồng, đặt hàng của DN, hợp tác xã…

Nông nghiệp 4.0, Việt Nam đang tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, ưu tiên đào tạo nghề trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi theo quy chuẩn nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ…Việt Nam cũng đang phấn đấu vào top 10 thế giới trong lĩnh vực chế biến nông sản. Vì vậy, đào tạo nghề về chế biến, bảo quản nông sản, thực phẩm là nhóm nghề cần được chú trọng trong giai đoạn tới.