Điều chưa kể về thầy

Nghe ai đó nói mình nghị lực, người thầy tóc hoa râm ấy đều cười hiền, giọng rổn rảng: “Có gì đâu, chỉ tại tôi muốn sống ngày nào đáng ngày đó”. Ngay cả khi phải điều trị căn bệnh ung thư, ông giáo ngoài 50 tuổi vẫn lạc quan, không muốn làm phiền ai. Xong đợt điều trị, ông lại đứng lớp, nhìn học trò vui chơi, tham gia phong trào tập thể như trước nay vẫn vậy. Nhà giáo Phạm Đông Phương (giáo viên Vật lý Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 11, TP Hồ Chí Minh) đã vẽ nên nhiều câu chuyện đẹp từ chính cuộc đời mình như vậy.

Thầy Phạm Đông Phương cùng các học sinh của mình.
Thầy Phạm Đông Phương cùng các học sinh của mình.

Người thầy “lạ kỳ” 

Năm 2017, tham gia đợt khám sức khỏe định kỳ do Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa tổ chức, thầy Phạm Đông Phương phát hiện khối u ác tính trong gan, phải tiến hành phẫu thuật gấp. Một phần tư lá gan cùng túi mật phải bỏ đi sau đợt can thiệp đó, tiếp theo là những đợt vào thuốc, bắn tia diệt khối u phát sinh đến rã rời cơ thể. Nằm viện mấy ngày, về nhà còn sốt cao gần 40 độ, vậy mà nhớ trường, thương trò quá, thầy Phương lật đật xin đứng lớp vì sợ học sinh mất bài, ảnh hưởng chuyện thi cử. Thấy đồng nghiệp chưa khỏe, Hiệu trưởng Nguyễn Chính Tâm khuyên nghỉ ngơi thêm nhưng ông thầy kỳ lạ đâu chịu, chỉ nói “Hứa với học trò đi dạy rồi nên tôi phải vô không tụi nhỏ trông”. Nói là làm, không ai cản được.

Mỗi lần leo cầu thang là thở dốc, mỗi đợt vào thuốc là sốt hầm hập cả tuần trời, trường xót, muốn chuyển lớp Vật lý xuống tầng trệt để thầy Phương đỡ di chuyển nhưng… đâu được đồng ý. “Thiệt tình, lúc đó chúng tôi vừa lo, vừa bực nhưng nói mấy thầy cũng chẳng nghe. Thầy nói không muốn vì mình mà ảnh hưởng tập thể, xáo trộn việc dạy và học của giáo viên, học sinh. Lúc nào cũng chỉ nghĩ cho học trò. Trước giờ thầy Phương là vậy, lạ lắm, chưa bao giờ làm gì có lợi cho mình, chỉ vì tập thể, vì trường lớp, chẳng nề hà chi. Nhiều lúc bực quá tôi nhắn tin trách, nhưng càng nghĩ, càng thương và trân trọng vì may mắn có được một đồng nghiệp nhiệt tâm như vậy”, ông Tâm chia sẻ. 

Chẳng phải đến khi bị bệnh ông giáo Phạm Đông Phương mới lạ kỳ mà từ trước đến nay thầy luôn làm những điều khiến nhiều người khó hiểu. Như chuyện chủ động nhờ đồng nghiệp trẻ góp ý để sửa sai, xung phong mở lớp phụ đạo “0 đồng”, mở lớp dạy thêm nhưng thường xuyên miễn phí cho học trò khó khăn hay như nhiều lần tới nhà phụ huynh động viên học sinh quay lại trường. Mấy tình huống như vậy nhiều vô kể dù điều kiện thầy chẳng khá giả gì. Có lần ông giáo còn phải phá lệ, vào nhà nhậu cùng phụ huynh để rủ rê gia đình cho cô trò lớp 10 quay lại lớp. Thầy Phương rà rà tay lên chiếc cặp đen bạc mầu, miệng nói, mắt cười: “Nhưng học sinh nào nghĩ bỏ tiền ra đi học thêm để được ưu tiên này nọ là tôi mời ra khỏi lớp, trả tiền học phí lại ngay. Khi dạy tôi luôn muốn lấy mức học phí thấp nhất có thể. Tôi muốn công bằng với tất cả học trò để các em biết muốn thành công phải nỗ lực. Trên lớp, học trò có lúc sợ, có lúc ghét vì tôi rất nghiêm, hay la, hay bắt tụi nhỏ học nhưng rồi khi ra trường mấy em thường xuyên quay lại cảm ơn. Tôi như có hai con người bên trong mình, vui vẻ, cởi mở khi giao tiếp và quy tắc, khuôn khổ khi đứng lớp”.

Năm lên 11, nghe tin thầy Phương dạy Vật lý lớp mình, cô trò Thiệu Gia Mẫn (HS lớp 12A13 Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) buồn đến mếu. Mẫn ác cảm với người thầy khó tính ngay từ ngày đầu gặp mặt vì cứ vào lớp là thầy la bạn này, phạt bạn kia. Nhưng chỉ vài tuần sau, mọi chuyện khác hẳn. “Hóa ra thầy nhìn vậy nhưng đâu phải vậy. Thầy thương học trò lắm. Ban đầu bị la thì ức, rồi tiến bộ rõ từng học kỳ, tụi em mới biết cách dạy đó của thầy hiệu quả đến mức nào. Từ ghét thành thương mến, năm nay nghe được thầy chủ nhiệm, tụi em mừng muốn khóc. Tụi em thi bắn tên lửa nước, thầy đứng trên nóc trường lượm chai rồi ném xuống để học sinh an toàn. Rồi như lần lớp em thắng trận đá banh, thầy rút 200 nghìn trong túi mời cả nhóm uống nước. Vui vô cùng. Thầy hay kể chuyện cho tụi em nghe lắm, toàn chuyện vui, chuyện hay. Rồi nghe những câu chuyện về cuộc đời thầy, tụi em thêm kính trọng nghị lực của thầy”, Mẫn trải lòng. 

Không chỉ chuyên đào tạo học sinh giỏi để săn giải trong các cuộc thi lớn, người thầy ấy còn yêu thích việc rèn học sinh yếu mỗi ngày. Ngoài giờ lên lớp, thầy Phương thiết kế rất nhiều hoạt động, sân chơi giúp học sinh nắm rõ để biết cách vận dụng kiến thức. Thầy còn làm rất nhiều chuyện “bao đồng” khác với tâm thế thoải mái. Công tác chung với thầy Phương gần chục năm nay, nhắc đến người đồng nghiệp cao tuổi, cô Đỗ Thị Đan Thùy (giáo viên Địa lý, Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa) nói vui “Thầy ngộ lắm! Chẳng giống ai đâu”. 

Nghe kể thì đúng là ngộ thật, người đâu mà toàn nghĩ đến chuyện lo cho người khác chứ chưa khi nào muốn ai đó phải bận tâm về mình. “Như học sinh thi THPT Quốc gia xong thầy ngồi tra hết điểm cả trường, nhập thành bảng điểm chung, chia ra tỷ lệ theo khối, theo lớp rồi định hướng nếu các em xét khối này, khối kia thì điểm sẽ như thế nào, ưu thế nghiêng về khối nào, tư vấn nên đi hướng nào. Đâu ai yêu cầu mà thầy thấy cần nên tự nguyện làm rồi hướng dẫn tụi nhỏ, thương lắm! Hay như hôm rồi, tụi tui rơi nước mắt vì từ bệnh viện điều trị xong, đáng lẽ phải nghỉ ngơi một tuần, thầy chạy vô trường, đứng trước căn phòng mọi người đang chuẩn bị đồ đạc mai thi nấu ăn, cười tươi, nói “Tui đây, tui về rồi đây. Mai tui có mặt sớm nha”. Thầy bướng nhưng cái bướng này quý lắm! Bướng vì ngại làm phiền người khác chứ hễ ai cần là xắn tay giúp liền”, cô Thùy nói về người đồng nghiệp đáng quý. 

Chỉ muốn được sống bình thường

Khi được hỏi, sao cứ khước từ lòng tốt của mọi người, không sợ người ta buồn hay vì tự ái, thầy Phương vội phân trần: “Tôi thích mọi người cư xử với mình giống như người bình thường chứ đừng ưu ái gì hết. Khi người ta xếp thời khóa biểu hay sắp lớp, tôi chỉ muốn như bao giáo viên khác. Nếu không làm được tôi xin nghỉ chứ không muốn gây khó cho người khác. Như khi tôi đi mổ hay mới vô hóa chất về, trường nói xếp cho lớp xuống đất, tôi không chịu. Đến tiết, tôi vẫn lên lớp cũ ngồi, học sinh cứ ngồi dưới đợi thầy, tôi kệ. Vài lần như vậy mọi người hiểu mong muốn của tôi”.

Nhìn vào những đơn thuốc xếp ngay ngắn trong cặp, thầy Phương nói, cuộc đời trải qua nhiều khó khăn, ngã rẽ nhưng có lẽ lần rẽ này thầy hơi bị động nên đôi lúc cũng lo. Lo là lo cho con cái còn nhỏ, sợ khi cha không còn bên sẽ buồn mà ảnh hưởng tương lai. Nhưng rồi, biết lo mãi cũng không làm được gì, thầy chuyển sang chuẩn bị tâm lý và hành trang cho con, cho chính mình. Tiếc tiền không nỡ mua đôi giày mới vì sợ “Mua rồi chết không mang lại uổng” nhưng khi biết con gái đầu thích Hàn Quốc, người cha ấy gom góp tiền nhờ người đưa con sang đó một lần. Giờ đây, con gái thầy đã là sinh viên năm hai ngành tiếng Hàn Quốc của Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh với thành tích khá cao.

Nói cả đời đi lo cho người khác chẳng sai với thầy Dương. Những năm tuổi trẻ đôi tay ấy chai sần, ngược xuôi khắp nơi để lo cho năm người em ăn học, giờ thì lo cho con cái và giúp đỡ học trò trong khả năng của mình. Nhớ lại hồi mới tốt nghiệp cấp 3, khi chân ướt, chân ráo vào Sài Gòn để thực hiện mong muốn của mẹ “Làm sao cho mấy em đỡ khổ”, thầy nói khó khăn bây giờ đã là gì với giai đoạn cơ cực đó. Năm 19 tuổi, một mình vào thành phố đi bán quần áo thuê, rồi đạp xích-lô, chạy xe ôm nuôi năm người em học đại học, mua trả góp được căn nhà nhỏ xíu ngay nghĩa địa rồi biến thành “Nhà trọ sinh viên”, không ai tin mình thầy làm được chừng đó việc. Mấy anh em ở với nhau, rồi thêm bạn bè khó khăn của em gõ cửa nhờ giúp, “anh Hai” Phương nai lưng ra lo hết không một lời kể công. Có lần thầy còn đi mượn tiền cho bạn bè em đóng học phí vì sợ đàn em nản chí đứt gánh tương lai. Rồi quả ngọt cũng tới, mấy người em lần lượt tốt nghiệp, đi làm, vai thầy nhẹ bớt. 

Rồi nhờ chịu thương, chịu khó chở hàng thuê, làm thêm đủ thứ, một bạn hàng tin tưởng mai mối cho thầy gặp “một nửa yêu thương”. Về bên ngoại, thấy nhà vợ toàn mấy anh chị học hành đàng hoàng, nhiều lần đạp xích-lô chở khách qua quận 5, chăm chăm nhìn vào cổng trường đại học đông đúc, thầy vừa lau mồ hôi vừa hạ quyết tâm “Kiểu gì mình phải vào đại học để làm giáo viên”. Hai năm sau, khi trở thành sinh viên lớn tuổi nhất trong lớp, phải ngồi học, thậm chí hỏi bài những người bạn chỉ phân nửa tuổi mình, thay vì tự ti, người đàn ông đã lập gia đình ấy chỉ mỉm cười, nghĩ về tương lai.

Gần 40 năm từ miền trung vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp, cưu mang đàn em, sống trọn vẹn với nghề, thầy Phương nói mình đã nếm đủ yêu thương, giữ được lời hứa với cha mẹ nên chẳng có gì hối tiếc. Hồi đó, khi ở tận xã vùng sâu, ba dặn phải “Vượt qua được dốc Bà Đã mới được vì nếu cứ ở quê tương lai mù mịt lắm”, thầy đã làm theo và đưa các em vào Sài Gòn, khó khăn mấy cũng cố vượt qua, vươn lên mỗi ngày. 

Thầy ít kể về những gì đã làm được, nhưng học trò, đồng nghiệp thầy đều nhớ. Giờ là lúc người thầy, người cha ấy thực hiện lời hứa với chính mình, sống trọn vẹn những tháng năm còn lại với niềm đam mê bụi phấn vì thầy biết nếu xa trường lớp sẽ nhớ nhung nhiều lắm.