Điểm dân cư gắn kết chốt dân quân biên giới

Xây dựng điểm dân cư liền kề các chốt dân quân trên tuyến biên giới đã góp phần tăng thêm sức mạnh cho các lực lượng thực hiện nhiệm vụ nơi biên giới tuyến đầu, đồng thời giúp nhân dân biên giới thêm an tâm vượt khó vươn lên phát triển đời sống.

Vườn chuối xanh tốt của anh Huỳnh Văn Hưởng.
Vườn chuối xanh tốt của anh Huỳnh Văn Hưởng.

An cư để lạc nghiệp

Mới qua một mùa mưa, vườn chuối xanh tốt của anh Huỳnh Văn Hưởng (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh) đã cho bói hàng chục buồng. Trong khu vườn này, vợ chồng Hưởng còn trồng thêm rau xanh, chăn nuôi gà vịt để cải thiện cuộc sống. Ngoài được cấp ngôi nhà diện tích 66 m², được bảo đảm điện, nước sinh hoạt, vợ chồng Hưởng còn có thêm 500 m² đất vườn và sắp nhận 10 nghìn m² đất nông nghiệp để cày ải, sản xuất. Hưởng nói: “Em làm chiến sĩ dân quân thường trực nên được ưu tiên xét chọn vào ở tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới Bến Cừ”. Vợ chồng em quyết tâm bám biên giới để sống, tuy còn không ít vất vả nhưng vẫn đầy đủ và hạnh phúc”. 

Để người dân an tâm sản xuất và để bảo đảm an ninh, an toàn trên tuyến biên giới, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Tây Ninh đã kiến nghị Bộ Tư lệnh Quân khu 7 xin chủ trương xây dựng các chốt dân quân trên tuyến biên giới. Từ năm 1991 - 1995, các chốt dân quân biên giới đầu tiên được hình thành như chốt Đập Đá (huyện Tân Biên), chốt Bàu Năng, chốt Cây Me (huyện Bến Cầu). Từ thực tiễn hoạt động hiệu quả của các chốt, tỉnh chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, xây dựng, nhân rộng mô hình chốt dân quân biên giới và toàn tỉnh đã xây dựng được 28 chốt. Để lực lượng này gắn bó lâu dài, hoạt động có hiệu quả, cấp ủy, chính quyền địa phương từ tỉnh đến xã đã từng bước đầu tư kinh phí xây dựng cơ bản, mua sắm trang bị vật chất, phương tiện, quan tâm bảo đảm tốt đời sống cho lực lượng dân quân.

Biên cương lòng dân

Theo đồng chí Thân Văn Nhân, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Châu Thành, với quan điểm nhân dân vùng biên giới là phên dậu của Tổ quốc, cùng mục đích hình thành lực lượng tại chỗ, trở thành chỗ dựa cho các lực lượng chức năng trên biên giới làm nhiệm vụ, tiếp tục thực hiện chính sách “an dân giữ đất biên cương”, “mỗi người dân là một cột mốc sống giữ biên cương”, tỉnh Tây Ninh được Quân khu 7 chọn là địa phương làm điểm xây dựng “điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”. Và gia đình anh Huỳnh Văn Hưởng là một trong số các hộ dân đã định cư tại “điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”. 

Đến tháng 9, toàn tỉnh đã thi công, khánh thành, bàn giao bốn điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới gồm: chốt dân quân Bến Cừ (xã Ninh Điền, huyện Châu Thành), chốt Mít Mọi (xã Tân Đông, huyện Tân Châu), chốt Bàu Năng (xã Long Phước, huyện Bến Cầu), chốt Bàu Sen (xã Tân Hà, huyện Tân Châu) với tổng kinh phí xây dựng gần 45 tỷ đồng và đang xây dựng thêm ở hai địa bàn khác. Theo đó, mỗi điểm dân cư xây dựng năm căn nhà cấp bốn và 500 m2 đất vườn, 10 nghìn m² đất sản xuất.

Xuống thăm và chia sẻ với các hộ dân mới ở Ninh Điền, Trung tá Nguyễn Phong Trần, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự huyện Châu Thành vui vẻ: Khi các chốt dân quân thành lập sát biên giới mà không có người dân, các lực lượng bảo vệ biên cương rất khó khăn trong sinh hoạt, cô đơn về tinh thần. Từ khi có dân về các điểm dân cư liền kề các chốt, anh em cán bộ chiến sĩ an tâm hẳn, thường xuyên hỗ trợ qua lại các nhu cầu trong cuộc sống. Thêm nữa bà con ta còn giúp nhân dân bạn khi đau ốm, trái gió trở trời, thiếu lương thực…, từ đó góp phần tuyên truyền giữ vững đường biên, cột mốc.

Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh khẳng định: Nhận thức tư tưởng về nhiệm vụ chiến lược chủ động bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” và chủ trương đúng đắn đã mang đến sự đổi thay của một vùng nông thôn biên giới rộng lớn. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên biên giới luôn được bảo đảm, trong đó có sự đóng góp quan trọng của lực lượng dân quân trên các chốt và nhân dân ở các điểm dân cư liền kề chốt.