Đi chợ thời đắt đỏ

Theo thói quen, cầm 20 nghìn đồng đi chợ mua thịt nấu cháo cho cháu, bà Hợp (phường Phú Thượng, Tây Hồ, Hà Nội) ngạc nhiên khi thấy cô bán thịt ngúng nguẩy: Từng này tiền chả bõ cắt, xay cho bà. Cháu bán nốt cho bà hôm nay thôi đấy. Giá thịt tại lò mổ tăng chóng mặt từng ngày, bán thế này cháu chả đủ lãi…

Giá thịt lợn tăng cao khiến người tiêu dùng đắn đo lựa chọn khi đi chợ. Ảnh: NG.ANH
Giá thịt lợn tăng cao khiến người tiêu dùng đắn đo lựa chọn khi đi chợ. Ảnh: NG.ANH

Đi chợ mà thấy “chóng mặt”

Dạo quanh chợ, bà Hợp có cảm giác “chóng mặt” vì chỉ trong ít ngày mà giá thịt lợn đã tăng lên tới cả vài chục nghìn đồng/kg. Trong đó, thịt ba chỉ bán ở mức 120 nghìn - 140 nghìn đồng/kg, thịt nạc vai có 130 nghìn đồng/kg; thịt nạc thăn: 130 nghìn đồng/kg; thịt nạc mông: 140 nghìn đồng/kg; sườn: 135 nghìn - 150 nghìn đồng/kg. Bà Hợp lo lắng: “Thịt lợn vẫn là thực phẩm ăn được hằng ngày. Các gia đình có thể đổi thành cá, thịt bò, thịt gà nhưng chỉ đến bữa thứ hai là chán. Chưa kể, giá các loại thực phẩm này cũng không phải thấp. Giá thịt tăng cao khiến chúng tôi rất lo!”.

Tuy nhiên, đây chỉ là giá bán theo ngày. Nhiều tiểu thương cho biết, những ngày này giá thịt lợn lấy tại lò mổ đang tăng mạnh và chưa có dấu hiệu dừng lại, nên giá cả sẽ điều chỉnh theo từng hôm. Thí dụ như hôm qua ngày 10-11, giá thịt lợn hơi tại nhiều nơi đã tăng lên hơn 70 nghìn đồng/kg. Tại Hà Nội, giá lợn hơi: 73 nghìn đồng/kg; tại Hưng Yên, Thái Nguyên, Tuyên Quang: 71 nghìn đồng/kg, nên các quầy sạp tại chợ truyền thống cũng điều chỉnh mức bán dao động từ 12 nghìn - 15 nghìn đồng/kg.

Với mức giá này, bà Lan, tiểu thương tại chợ dân sinh trên phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội so sánh: Mức giá thịt lợn đã ngang bằng, thậm chí đắt hơn một số loại thịt bò nhập khẩu từ Australia, Mỹ, hiện đang được bán từ 135 nghìn - 189 nghìn đồng/kg thịt bò ba chỉ cắt lát. Nhích theo giá thịt lợn tăng, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt gà, thịt bò cũng tăng nhẹ: thịt gà ta đang bán ở mức 120 nghìn đồng/kg; thịt gà công nghiệp: 90 nghìn đồng/kg; thịt bò dao động từ 250 nghìn - 280 nghìn đồng/kg.

Không chỉ tại các chợ truyền thống, mà tại các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị, thịt lợn đã được điều chỉnh lên mức 180 nghìn - 200 nghìn đồng/kg, tùy theo từng loại. Cụ thể, sáng 10-11, Công ty CP Chăn nuôi CP chi nhánh miền bắc tiếp tục điều chỉnh tăng giá bán lợn hơi lên mức 66 nghìn đồng/kg tại một số tỉnh như Hòa Bình, Bắc Giang. Trong khi, nếu thương lái bắt lợn qua đơn vị thu mua khác thì giá lên tới 69 nghìn - 70 nghìn đồng/kg. Tương tự, Tập đoàn Dabaco Việt hiện cũng tăng giá lợn hơi xuất chuồng lên mức 66 nghìn - 67 nghìn đồng/kg tùy khu vực. Đáng chú ý, dù giá lợn tăng cao, song tập đoàn này vẫn phải bán cầm chừng, ưu tiên khách cũ. Bởi, lượng lợn hơi xuất chuồng chỉ có giới hạn.

Tại các chợ truyền thống như: Nghĩa Tân (Cầu Giấy), Thành Công (Đống Đa), chợ Hôm (Hai Bà Trưng)…, theo khảo sát của phóng viên, giá thịt lợn đều tăng. Cụ thể, thịt lợn ba chỉ tăng 10 nghìn - 11 nghìn đồng/kg, các loại thịt khác ở mức 8 nghìn - 9 nghìn đồng/kg. Hiện giá các loại thịt như mông, vai, ba chỉ… ở mức 120 nghìn - 150 nghìn đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Ba, tiểu thương buôn bán thịt lợn tại chợ Thành Công (Đống Đa) cho biết, sở dĩ thịt lợn đến tay người tiêu dùng tăng bởi giá lợn hơi nhập vào tăng liên tục mấy ngày gần đây. “Chúng tôi nhập buôn báo mỗi ngày một giá khiến tiểu thương giật mình. Cụ thể, giá lợn hơi ngày 10-11 tăng 15 nghìn đồng/kg, vươn lên mức 73 nghìn đồng/kg”, anh Ba nói.

Ông Trần Văn Hào, chủ trang trại lợn 2.000 con ở Khoái Châu (Hưng Yên) cho hay, nhà ông vừa xuất bán một lứa lợn 200 con giá 72 nghìn - 73 nghìn đồng/kg. Với mức giá này, mỗi kg lợn hơi, ông lãi khoảng 27 nghìn đồng. Thật ra, giá tăng cao nhưng chi phí sản xuất cũng tăng cao. Như hiện nay, thuốc sát trùng phải sử dụng nhiều hơn, lượng vôi bột rắc chuồng trại cũng vậy. Do đó, giá thành sản xuất lợn hơi giờ lên tới 50 nghìn đồng/kg.

Theo ông Hào, với giá lợn hơi xuất chuồng cao như vậy, mỗi con lợn ông có thể lãi vài triệu đồng. Song, số tiền lãi thu về chưa thể bù lỗ do giá lợn chạm đáy khi dịch bệnh bùng phát. Thời đỉnh điểm dịch tả lợn châu Phi, lợn xuất chuồng không ai mua, ông đành phải nuôi đến lúc lợn nặng tới 2,5 tạ/con. Sau đó, có người mua nhưng giá lại thấp. Ông xuất bán 500 con mà mỗi con lỗ tới ba triệu đồng. Thời gian sau, giá thịt lợn có tăng lên nhưng cũng chỉ hòa gốc. Dịp này bắt đầu có lãi nhưng tính ra vẫn chưa thể bù được khoản lỗ trước đó, ông Hào chia sẻ.

Cố giữ mức giá hài hòa

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho biết, giá lợn hơi xuất chuồng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang tăng mạnh, lên mức 68 nghìn - 70 nghìn đồng/kg. Theo ông, đây là mức giá lợn cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Tại miền trung, giá lợn hơi xuất chuồng dịp này cũng chung xu hướng tăng mạnh lên mức 65 nghìn - 70 nghìn đồng/kg. Trong khi ở miền nam, giá lợn đã tăng vọt lên mức 62 nghìn - 63 nghìn đồng/kg.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, nguyên nhân giá lợn hơi tăng mạnh trong thời gian qua là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung mặt hàng thịt lợn giảm mạnh. Trong khi, nhu cầu đối với các mặt hàng thực phẩm, nguyên vật liệu cuối năm tăng nên thị trường khá sôi động. Dự báo, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng lên mức cao, nhất là những tháng cuối năm.

Bộ trưởng NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường trong buổi trả lời chất vấn trên diễn đàn Quốc hội mới đây về vấn đề giá thịt lợn tăng “chóng mặt” đã mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao, cần chia sẻ với những khó khăn người chăn nuôi gánh chịu. Bộ NN-PTNT đã đề ra các biện pháp bình ổn. Theo đó, sẽ tiếp tục cân nhắc phương án nhập khẩu thịt lợn, đẩy mạnh tái đàn ở những khu vực an toàn dịch bệnh, bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt bằng các loại thịt gà, trâu, bò, thủy sản...

Báo cáo mới nhất của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) dự báo, giá thịt lợn thời gian tới sẽ tăng do nhu cầu lớn dịp cuối năm. Đặc biệt, do nguồn cung hạn chế, cơ quan này khuyên người dân sử dụng các nguồn thịt khác thay thế, tránh gây sức ép lên nguồn cung thịt lợn khiến giá cả tăng cao hơn. Đối với việc tái đàn, Bộ NN-PTNT yêu cầu các cơ quan chức năng và người dân theo dõi chặt chẽ, bảo đảm vệ sinh chuồng trại, tránh dịch bùng phát trở lại. “Quan điểm của Bộ là làm sao giữ mức giá để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được. Đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô lối, vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, Viện Dinh dưỡng quốc gia nhận xét, thịt lợn là món ăn truyền thống, thông dụng nhất trong mỗi gia đình, nhất là ở vùng nông thôn, được sử dụng nhiều và thường xuyên trong các bữa ăn. Thịt lợn rất dễ ăn và dễ chế biến, phù hợp với mọi lứa tuổi từ trẻ em đến người già. Tuy nhiên đứng trước tình hình dịch lợn cũng như giá cả thịt lợn tăng cao như hiện nay, nhiều người có ý định tẩy chay thịt lợn.

“Chúng ta nên quan tâm đến chất lượng của mỗi bữa ăn gia đình, mà chất lượng bữa ăn thì xuất phát từ nguồn thực phẩm phải tươi, ngon và bảo đảm an toàn. Chúng ta hãy quan tâm đến cách ăn, cách chế biến để bảo đảm an toàn thực phẩm. Tùy thuộc vào “túi tiền”, nên dùng các thực phẩm khác cũng giàu protein như cá, tôm, cua, trứng, đậu, lạc, vừng... để thay thế cho thịt gia súc trong bữa ăn của gia đình”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.