Đã đến lúc cần xóa độc quyền sách giáo khoa

Ngày khai giảng năm học mới đã đến gần, cũng là lúc nhiều phụ huynh tất tả đi mua sách giáo khoa (SGK) cho con. Dường như, chưa năm nào việc mua đủ SGK cho học sinh đầu cấp lại vất vả như vậy.

Việc thiếu SGK đang diễn ra tại hầu hết các nhà sách trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: HẢI ANH
Việc thiếu SGK đang diễn ra tại hầu hết các nhà sách trên địa bàn TP Hà Nội. Ảnh: HẢI ANH

Sách đầu cấp khan hiếm

Ngay sau chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), NXB Giáo dục Việt Nam đã thiết lập các đường dây nóng trên toàn quốc tiếp nhận thông tin, kịp thời cung ứng SGK. Tuy nhiên, ghi nhận thực tế cho thấy vấn đề thiếu cục bộ vẫn chưa được giải quyết. Trong những ngày cuối tuần, phụ huynh vẫn xếp hàng ở các nhà sách mòn mỏi chờ đợi.

Dù đã tới năm cửa hàng sách lớn nhỏ khác nhau, nhưng chị Nguyễn Thanh Huyền (Đống Đa, Hà Nội) vẫn chưa mua đủ bộ SGK cho con năm nay bước vào lớp 10. “Đi gom sách cho con ba ngày rồi, nhưng vẫn thiếu quyển Tiếng Anh, Toán hình và Toán đại số. Mỗi ngày tôi mua được vài quyển, chỗ có quyển này thì thiếu quyển kia, không cửa hàng nào còn trọn vẹn cả bộ”, chị Huyền nói.

Có mặt tại nhà sách của NXB Giáo dục Việt Nam (Lý Thường Kiệt, Hà Nội), anh Nguyễn Hữu Toản (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, nhiều ngày nay anh phải bỏ công, bỏ việc đi khắp các cửa hàng sách tìm mua SGK lớp 10 và lớp 6 để gửi về cho các cháu ở Hưng Yên. “Các cháu ở quê gọi điện lên báo không mua được SGK, nên nhờ mua hộ trên này. Dù đã đi nhiều cửa hàng, tôi cũng mới mua được bốn quyển sách lớp 10 trên tổng số 12 quyển. Các nhà sách đều hết hàng”, anh Toản cho biết.

Việc thiếu SGK đang xảy ra tại hầu hết các nhà sách trên địa bàn TP Hà Nội. Đặc biệt, các bộ sách đầu cấp như lớp 1, lớp 6, lớp 10 đang thiếu trầm trọng. Tại nhà sách Giáo dục Việt Nam (Giảng Võ, Đống Đa), khi một phụ huynh hỏi SGK Tiếng Anh lớp 10, nhân viên nhà sách cho hay, sách này vừa nhập về ngày 20-8, nhưng đã hết ngay. Không chỉ riêng cuốn này, nhiều SGK khác cũng đang thiếu trầm trọng. Một số đầu sách chỉ còn lại một đến hai cuốn, phụ huynh nào nhanh chân thì mua được. Cũng theo nhân viên thu ngân tại đây, những ngày này, lượng phụ huynh đi mua SGK tăng đột biến so ngày thường và tăng nhiều hơn so những năm trước, sách nhập về tới đâu hết tới đó.

Tương tự, tại nhà sách Trí Tuệ nằm kế bên, nhân viên bán hàng cho biết, cửa hàng đã hết bộ SGK lớp 10, lớp 6 cách đây gần hai tuần, nhưng cũng chưa biết đến khi nào mới có sách về thêm. Nhân viên tại đây khuyên phụ huynh nên chủ động đến các cửa hàng sách nhỏ lẻ mua gom vì chắc chắn không nơi đâu còn đủ bộ.

Đã chuẩn bị các phương án in gấp

Theo ông Phạm Hùng Anh, Cục trưởng Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), năm nay do có sự đột biến về số lượng học sinh các lớp đầu cấp ở một số thành phố lớn, nên dẫn đến hiện tượng thiếu sách tạm thời ở một vài điểm nhỏ nhưng phần lớn là thiếu một vài đầu sách trong bộ SGK. Những cửa hàng có hiện tượng thiếu SGK chủ yếu là những cửa hàng nhỏ lẻ, không thuộc hệ thống cửa hàng, siêu thị sách của NXB Giáo dục Việt Nam. Bên cạnh đó, còn có thông tin sắp thay SGK mới, nên một vài công ty sách - thiết bị trường học địa phương năm nay đặt kế hoạch thấp để tránh tồn kho. Điều này đã ảnh hưởng đến kế hoạch in ấn, phát hành của NXB Giáo dục.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Tổng Biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, cho biết: “Cũng không loại trừ những nhà sách nằm ngoài hệ thống cửa hàng của NXB Giáo dục Việt Nam những ngày qua đã nhắm vào tâm lý của phụ huynh học sinh gấp gáp chuẩn bị sách cho con. Trong thời gian cao điểm nhiều người đổ dồn đi mua sách, một số cửa hàng đã “găm” hàng, “thổi” giá, gây bất ổn tình hình cung ứng SGK. Tình trạng này tuy chỉ xảy ra ở một số nơi nhưng đã có tác động xấu, ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý phụ huynh có con bước vào các lớp học đầu cấp”.

“Bộ đã chỉ đạo NXB Giáo dục Việt Nam phải khẩn trương cung ứng đủ SGK theo nhu cầu của học sinh, dù ở địa bàn nào, trước năm học mới. Chấm dứt ngay tình trạng phụ huynh phải đi khắp nơi mà không mua đủ sách học cho con”, ông Phạm Hùng Anh nói.

Hiện NXB Giáo dục Việt Nam đã chuẩn bị các phương án triển khai in gấp, vận chuyển nhanh SGK đến các đại lý, nhà sách khi cần thiết. Bên cạnh đó, NXB Giáo dục Việt Nam còn lập nguồn SGK dự phòng để kịp thời phục vụ học sinh ở một số địa phương trong trường hợp xảy ra thiên tai, lũ lụt. “NXB Giáo dục Việt Nam bảo đảm phục vụ đầy đủ, đồng bộ, kịp thời nhu cầu về SGK của các em học sinh cả nước trước năm học mới”, ông Phạm Hùng Anh nhấn mạnh.

Dù đã được các cơ quan liên quan giải thích nguyên nhân, tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, dù thế nào thì việc để phụ huynh “bấn loạn” vì không mua đủ sách cho con cũng là điều đáng lo ngại. Không thể đổ lỗi việc thiếu sách là do năm nay số lượng học sinh tăng đột biến. Công tác dự báo, thống kê, quản lý của ngành giáo dục, đặc biệt là phía NXB Giáo dục hoặc là có vấn đề, hoặc không quan tâm người học mà chỉ chú ý đến mục đích kinh doanh, chạy theo lợi nhuận. Thậm chí, có chuyên gia còn cho rằng, việc giải thích do sắp thay sách nên sợ tồn kho thể hiện việc tính toán thiệt hơn, trong khi nhiệm vụ chính là cần bảo đảm đủ sách cho người học.

Việc thiếu SGK thêm một lần nữa khiến dư luận mong muốn sớm xóa bỏ thế độc quyền biên soạn và phát hành SGK. Đây có lẽ là kế hoạch dài hơi mà ngành chức năng cần sớm nghiên cứu áp dụng để thị trường thiết bị giáo dục có sự cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển của nền giáo dục nước nhà.