Đa dạng các dịch vụ phát sinh

Đã có một số hình thức dịch vụ nảy nở sau khi Nghị định 100/2019/NĐ - CP được áp dụng. Tuy nhiên, có hình thức phù hợp thực tế, góp phần bảo đảm an toàn cho người đã uống rượu, bia. Nhưng cũng có những biến tướng cần cảnh giác, xử lý.

Khách nhậu được nhân viên nhà hàng ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chở về bằng xe của quán. Ảnh: NGÔ BÌNH
Khách nhậu được nhân viên nhà hàng ở quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh chở về bằng xe của quán. Ảnh: NGÔ BÌNH

Phát triển dịch vụ đưa đón

Trên mạng xã hội Facebook, nhóm “Say gọi xế - Xế nhận say” mặc dù mới được thành lập đầu tháng 1, nhưng ngay lập tức đã có hơn… 2.000 thành viên tham gia, chủ yếu đăng ký đưa người say, người đã uống rượu, bia về. Theo đó, người cần đưa về cung cấp thông tin về khu vực, còn tài xế phải cung cấp số điện thoại và phải có bằng lái xe. Chỉ trong vài ngày, dịch vụ đưa người đã uống rượu bia về nhà đã nhanh chóng thu hút được sự chú ý của hàng nghìn người.

Anh Nguyễn Minh Đức, một quản trị viên của nhóm cho biết, group sẽ hoạt động trên ba kênh là Facebook, Telegram, Zalo và hiện ban quản trị cung cấp dịch vụ tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nha Trang, Cần Thơ và Đà Nẵng. Tài xế tham gia vào nhóm sẽ phải cung cấp các giấy tờ đủ điều kiện điều khiển phương tiện. Người dùng chỉ cần click và truy cập vào ứng dụng sau khi vừa sử dụng đồ uống có cồn. Dịch vụ này sẽ đưa người về nhà và đưa phương tiện về bãi đỗ và bảo đảm an toàn cho phương tiện, tài sản của khách hàng. Được biết, mức phí cho việc đưa người và xe về nhà đối với xe máy là 300 nghìn đồng/lượt, còn đối với xe ô-tô là 500 nghìn đồng/lượt, hoặc hai bên cũng có thể tự thỏa thuận mức giá với nhau.

Tại Việt Nam, các dịch vụ đưa người say về nhà đã xuất hiện từ một vài năm trước đây. Tuy nhiên, những dịch vụ này thường có quy mô nhỏ, ít được biết đến và sử dụng. Chỉ đến khi nhiều người bị xử phạt rất nặng theo quy định của Nghị định 100, dịch vụ đưa đón người say mới có điều kiện phát triển bởi nhiều người lo sợ số tiền bị phạt sẽ ảnh hưởng nặng đến kinh tế gia đình. Chính vì thế, trong thời gian tới những dịch vụ đưa đón người say cùng phương tiện về nhà hứa hẹn sẽ rất đông khách.

Có thể thấy, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia ra đời tuy còn nhiều ý kiến khác nhau về hình thức áp dụng, quy định mức phạt (nhiều người cho rằng, việc áp dụng đo nồng độ cồn khá bất cập, cùng mức phạt quá nặng so thu nhập bình quân đầu người/năm ở Việt Nam). Tuy nhiên, đây vẫn được xem là biện pháp mạnh nhằm góp phần hạn chế tác hại của rượu, bia gây ra đối với cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đặc biệt giảm thiểu số vụ TNGT đường bộ do người đã sử dụng rượu, bia nhưng vẫn điều khiển phương tiện giao thông gây ra.

“Tát nước theo mưa” tẩy sạch nồng độ cồn

Những ngày gần đây, cụm từ “thuốc giải rượu” được nhắc đến nhiều, lại bị gắn thêm mác “thuốc tẩy nồng độ cồn”, “đưa nồng độ cồn về 0” để tránh bị phạt khi tham gia giao thông. Sự nhiễu loạn này không chỉ khiến người tiêu dùng băn khoăn, mà còn khiến chủ các cơ sở bán thuốc rất dè dặt, thậm chí cảnh giác khi được hỏi về các loại dược phẩm có tác dụng giải rượu. Chủ một cơ sở bán thuốc ở đường Láng (Hà Nội) thậm chí còn gạt phăng đi khi được phóng viên đề cập đến “thuốc giải rượu”. Chị khẳng định “không có cái gọi là thuốc giải rượu. Người ta hạn chế uống rượu, bia, ai mua thuốc giải rượu mà bán!”. Một chủ cơ sở khác khi được hỏi về thuốc giải rượu, có giới thiệu rằng có bán loại nước uống của Nhật Bản, với giá 50 nghìn đồng/chai. Nhưng sau phút ngần ngừ thì bảo hết hàng rồi và kiên quyết từ chối đưa ra sản phẩm!

Không xuất hiện tại hiệu thuốc, nhiều sản phẩm được giới thiệu có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ với các tên gọi như “kẹo giải rượu Hàn Quốc”, “bột nghệ giải rượu Nhật Bản”, “men giảm nồng độ cồn Mỹ”… được quảng cáo rầm rộ trên các kênh bán hàng online, được gắn mác xách tay, và được rao bán với nhiều mức giá khác nhau, từ 300 nghìn đồng đến cả triệu đồng. Chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, công dụng, chỉ đơn giản được bảo đảm… bởi người bán. Tìm hiểu kỹ thông tin, các loại dược phẩm này chỉ có công dụng làm giảm triệu chứng khó chịu, chứ hoàn toàn không phải biệt dược “đánh bay nồng độ cồn” như một số quảng cáo. Hỏi một chủ tài khoản bán hàng online, chị khẳng định gần đây có nhiều người hỏi hơn về các loại dược phẩm này, hoàn toàn vì tò mò chứ số lượng bán cũng không tăng nhiều.

Theo chuyên gia Nguyễn Thị Hương Liên, đại diện của Công ty CP Sao Thái Dương, về cơ bản, một số enzyme trong một số thực phẩm chức năng gặp rượu sẽ giúp đẩy nhanh phản ứng rượu chuyển hóa thành CO2 và nước vô hại. Tuy nhiên, mức độ tác dụng có thể chỉ tác động với rượu còn nằm trong đường tiêu hóa hay cả đường tiêu hóa và máu thì còn phụ thuộc vào dạng bào chế và sự hấp thu hoạt chất. Ủng hộ luật cấm rượu bia khi tham gia giao thông, cá nhân chị cho rằng “Việc uống rượu sau đó uống thuốc để phá hủy nó không khác nào biến cơ thể mình thành một cái lò phản ứng, thật lãng phí sức khỏe!”.