Cùng người nghèo gói bánh chưng

Hướng đến một cái Tết ấm hơn cho các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, gia đình chính sách, nạn nhân nhiễm chất độc da cam dioxin và đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Nam Định và Điện Biên, hoạt động “Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết” sẽ được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội) từ ngày 15 đến 17-1.

Cùng người nghèo gói bánh chưng

Kinh phí cho hoạt động được huy động từ nguồn xã hội hóa, là đóng góp của các cá nhân, doanh nghiệp hảo tâm. Ban tổ chức dự kiến chuẩn bị khoảng 1.000 túi quà, trị giá khoảng 500 nghìn đồng/túi. Mỗi túi gồm hai chiếc bánh chưng, một hộp mứt Tết, 10 kg gạo tẻ, một chai dầu ăn, một áo ấm hoặc chăn ấm mới... Tham gia hoạt động còn có các nghệ nhân làng nghề truyền thống giò chả Ước Lễ (xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội), cán bộ, công nhân viên chức ngành văn hóa, bộ đội cùng các phật tử chùa Pháp Vân (Hà Nội)…

Đây là dịp để các thành phần quần chúng nhân dân, tổ chức, cơ quan, đơn vị… tham gia thể hiện sự đoàn kết, tương thân, tương ái, chung tay góp phần tiếp nối và phát huy truyền thống lá lành đùm lá rách, chia sẻ niềm vui đón Tết cổ truyền Canh Tý 2020 ấm áp nghĩa tình, hướng tới một năm mới bình an, tốt đẹp.

Số hóa thông tin người khuyết tật, nạn nhân bom mìn

Gần 75 nghìn người khuyết tật (NKT) đã đăng ký trên phần mềm quản lý thông tin NKT và nạn nhân bom mìn tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Trong số đó hơn 12% là nạn nhân bom mìn. Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo Công bố số liệu nạn nhân bom mìn vừa diễn ra tại Hà Nội. Hội thảo là hoạt động thuộc hợp phần hỗ trợ nạn nhân của dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, được thực hiện bởi Trung tâm hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) Việt Nam.

Tính đến hết tháng 9-2019, phần mềm đăng ký và quản lý thông tin NKT và nạn nhân bom mìn đã được triển khai trên toàn bộ 318 xã thuộc hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định từ tháng 5 tới tháng 9-2019. Theo số liệu công bố, 46% NKT trên tổng số 75 nghìn người đăng ký trên phần mềm là phụ nữ, 7% là trẻ em dưới 15 tuổi, 40% là NKT có độ tuổi từ 15 - 59. Trung bình, cứ 10 NKT có tám người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Trong số 9.100 nạn nhân bom mìn, đa số đăng ký là nạn nhân do chiến tranh với độ tuổi từ 60 - 79 tuổi. Số lượng nạn nhân nam gấp đôi số lượng nạn nhân nữ.

Việc số hóa thông tin được kỳ vọng sẽ đơn giản hóa quy trình hỗ trợ, giúp NKT và nạn nhân bom mìn có cuộc sống tốt hơn, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ như: phẫu thuật chỉnh hình và phục hồi chức năng, tư vấn và hỗ trợ tâm lý, vật lý trị liệu, kết nối tạo công ăn việc làm, đào tạo nghề và tiếp cận trợ cấp xã hội và các chế độ chính sách khác.