Còn khó khăn khi đưa bệnh viện đến gần dân

Mô hình y học gia đình hay bác sĩ gia đình là một trong những giải pháp nhằm góp phần “điều trị căn bệnh” quá tải bệnh viện (BV) và chăm sóc hiệu quả các bệnh mạn tính, không lây nhiễm. Tuy nhiên, kể từ khi được công nhận tại Việt Nam năm 2000, mô hình này vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.

Dịch vụ khám, chữa bệnh tại gia đình rất thuận tiện cho người bệnh cũng như góp phần giảm tải tại các bệnh viện. Ảnh: HẢI ANH
Dịch vụ khám, chữa bệnh tại gia đình rất thuận tiện cho người bệnh cũng như góp phần giảm tải tại các bệnh viện. Ảnh: HẢI ANH

Hà Nội quyết đổi mới

Dù trời se lạnh, ông Lê Nam Hưng (42 tuổi, ở xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội) vẫn có mặt tại Trạm Y tế xã Long Xuyên từ sớm. Ông cho biết, hàng nghìn người dân trên địa bàn xã đã được tiếp cận với dịch vụ y tế hoàn toàn mới ngay tại trạm. Đó là dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo nguyên lý y học gia đình. Với dịch vụ này, mọi thành viên trong gia đình đều được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe. Ông Hưng nói: “Trước đây, mỗi khi ốm đau, gia đình tôi ngại vào trạm y tế, vì không yên tâm. Thế nhưng, từ khi trạm được nâng cấp, dịch vụ khám, chữa bệnh như một bệnh viện thu nhỏ, có sự hỗ trợ của các bác sĩ tuyến trên, thì người dân đã tin tưởng”.

Tháng 6-2019, Trạm Y tế xã Long Xuyên và Trạm Y tế thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ) chính thức hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Theo Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ Trịnh Thế Hưng, không chỉ được nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường trang thiết bị, máy móc, thuốc, hóa chất, 100% cán bộ, nhân viên các trạm đều được nâng cao trình độ qua các buổi thực hành ở BV tuyến trên. Hằng tuần, sáu bác sĩ của BV Tim Hà Nội, BV Đa khoa Sanit Paul, BV Mắt Hà Đông, BV Phụ sản Hà Nội, BV Đa khoa Y học cổ truyền Hà Nội và BV Ung bướu Hà Nội được tăng cường về hai trạm trên để khám bệnh cho người dân.

Tương tự, Trạm Y tế xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) hoạt động theo nguyên lý y học gia đình từ tháng 11-2018 và tính đến tháng 6 năm nay, tại đây đã khám, chữa bệnh cho khoảng 14.000 lượt người. Trung bình, trạm của xã Tân Hội tiếp nhận từ 50 - 60 lượt người/ngày, tăng hơn hai lần so trước. Trạm trưởng Trần Thị Mai Hương cho biết, người dân bắt đầu có thói quen đến trạm y tế để kiểm tra sức khỏe, hỏi về cách phòng bệnh, việc ăn uống, sinh hoạt có lợi cho bệnh cao huyết áp, đái tháo đường… Bà Nguyễn Thị Lụa (76 tuổi, ở xã Tân Hội) bị viêm loét dạ dày chia sẻ: “Mỗi lần đến BV là một trở ngại, vì đường xa, di chuyển khó khăn, tốn kém… Việc mở ra nhiều trạm y tế như thế này rất cần thiết cho người dân, nhất là ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa…”.

Còn tại Trạm Y tế phường Yên Nghĩa (quận Hà Đông, Hà Nội), trong sáu tháng đầu năm 2019 hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, số lượng bệnh nhân tăng 16,7% so cùng kỳ năm 2018. Không chỉ lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho 628 bệnh nhân tăng huyết áp, 152 bệnh nhân đái tháo đường, Trạm Y tế phường còn phối hợp BV Tim Hà Nội khám sàng lọc bệnh tim cho 2.300 trẻ em…

Mới đây, trong tháng 9 và tháng 10-2019, Trung tâm Y tế huyện Mỹ Đức (Hà Nội) đã khai trương và đưa vào hoạt động năm trạm y tế xã theo mô hình nguyên lý y học gia đình. Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, các trạm đã được bổ sung danh mục thuốc, bảo đảm phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), nhất là các bệnh lý đường hô hấp, bệnh lý không lây nhiễm và mạn tính. Về quản lý hồ sơ sức khỏe, tại các trạm y tế này, 40.117/41.926 người đã được lập phiếu quản lý sức khỏe (đạt 95,7%).

Hiện tại, Hà Nội đang thực hiện nhiều giải pháp đột phá nhằm đổi mới mạnh mẽ cả cơ chế và phương thức hoạt động để y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, góp phần giảm tải y tế tuyến trên. Từ bốn trạm y tế thí điểm trong năm 2018, năm 2019, Hà Nội phấn đấu đạt tối thiểu 45% số trạm y tế trên địa bàn thành phố triển khai mô hình này. Đến năm 2020 đạt 80% và năm 2021 đạt 100% số trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Văn Dung cho biết, trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, với sáu nguyên tắc: Liên tục - toàn diện - phối hợp - dự phòng - gia đình - cộng đồng. Trước đây, do điều kiện khó khăn, người dân khi có bệnh mới đến BV; còn hiện nay, khi chưa có bệnh, người dân đã được quản lý, chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương…

Còn khó khăn khi đưa bệnh viện đến gần dân ảnh 1

Hoạt động trạm y tế cơ sở là nền tảng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân. Ảnh: NG.NAM

Cần đãi ngộ hợp lý

Tại Việt Nam, năm 2000, Bộ Y tế mới chính thức công nhận chuyên ngành y học gia đình. Đến năm 2002, các trường đại học y khoa mới bắt đầu tuyển sinh, đào tạo bác sĩ gia đình. Hiện, cả nước có tám trường đại học có bộ môn y học gia đình và một số trường đã có trung tâm y học gia đình. Hoạt động theo mô hình bác sĩ gia đình bước đầu đã được tổ chức tại một số tỉnh, thành phố lớn như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế… với các mô hình khác nhau: Trung tâm bác sĩ gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình, trạm y tế có hoạt động bác sĩ gia đình…

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê, việc phát triển mô hình bác sĩ gia đình đang gặp không ít khó khăn. Cụ thể, nguồn nhân lực có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu. Hiện tại, cả nước có hàng nghìn bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề bác sĩ gia đình, song có đến hơn 50% bác sĩ gia đình chưa thực hiện khám, chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình. Bởi theo yêu cầu, ngoài việc được bác sĩ khám, chữa bệnh, người dân còn phải được hướng dẫn cách phòng bệnh và được quản lý hồ sơ khám sức khỏe, được theo dõi sức khỏe liên tục trong suốt cuộc đời.

Hơn nữa, một số nơi triển khai phòng khám bác sĩ gia đình, nhưng bác sĩ lại chưa được đào tạo, tập huấn về chuyên ngành y học gia đình. Thậm chí, với các chức danh khác như điều dưỡng, kỹ thuật viên làm việc tại các phòng khám bác sĩ gia đình, chủ yếu vẫn là kiêm nhiệm và chưa được đào tạo về chuyên ngành y học gia đình...

Đơn cử tại Hà Nội, dù được chú trọng đầu tư, song các mô hình bác sĩ gia đình được triển khai thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Có những trung tâm hơn 70 cán bộ nhưng chỉ có khoảng năm đến sáu bác sĩ thật sự đáp ứng được nhiệm vụ bác sĩ gia đình. Bà Nguyễn Thị Thúy, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết, do chế độ đãi ngộ cho cán bộ y tế, bác sĩ gia đình, nhất là những người làm việc tại các trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình còn thấp, nên khó giữ chân và thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao. Thậm chí, nhiều người vẫn chưa hiểu đúng về đội ngũ bác sĩ gia đình. Do đó, không ít người dân chưa mặn mà với mô hình này, nên chưa tham gia đăng ký quản lý hồ sơ theo dõi sức khỏe định kỳ, mà chỉ tìm đến bác sĩ khi có bệnh.

Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 21/2019/TT-BYT ngày 21-8-2019 (thay thế cho Thông tư số 16/2014/TT-BYT ngày 22-5-2014) về việc hướng dẫn thí điểm hoạt động y học gia đình. Có hiệu lực từ ngày 15-10-2019, Thông tư số 21/2019/TT-BYT hướng dẫn cụ thể văn bằng chuyên môn, giấy chứng nhận đào tạo về y học gia đình. Trong đó nêu rõ, bác sĩ đa khoa, bác sĩ chuyên khoa hệ lâm sàng đã được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh sẽ được khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình, sau khi đáp ứng một trong các điều kiện: Có một trong các văn bằng bác sĩ nội trú, chuyên khoa I, chuyên khoa II, thạc sĩ, tiến sĩ về chuyên ngành y học gia đình; có giấy chứng nhận đã được đào tạo, bồi dưỡng về y học gia đình tối thiểu 3 tháng...

PGS, TS Phạm Lê Tuấn, nguyên Thứ trưởng Y tế, giảng viên Bộ môn Y học gia đình (Trường đại học Y Hà Nội) cho rằng, Thông tư số 21/2019/TT-BYT sẽ khuyến khích các cán bộ, nhân viên y tế có điều kiện hành nghề tham gia vào mạng lưới bác sĩ gia đình, để bổ sung nguồn nhân lực có chất lượng. Mặt khác, đây là những quy định điều kiện hành nghề bắt buộc, đòi hỏi các bác sĩ khi tham gia vào mô hình bác sĩ gia đình phải được cập nhật, đào tạo kiến thức, kỹ năng cũng như đổi mới phong cách phục vụ người bệnh. Ngoài ra, để thu hút các bác sĩ giỏi làm bác sĩ gia đình, cần phải có chính sách đãi ngộ hợp lý.

Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện có đến 35,4% số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến T.Ư có thể điều trị được ở tuyến tỉnh và 20% có thể điều trị được ở tuyến huyện; 41,5% số bệnh nhân đến khám, chữa bệnh ở tuyến tỉnh có thể điều trị được ở tuyến huyện và 11% có thể điều trị được ở trạm y tế xã.