Cởi mở hơn với viện dưỡng lão tư

Vấn đề già hóa dân số được dự báo là một kịch bản sẽ xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Để ứng phó thực tế này, sự phát triển của các viện dưỡng lão (VDL) tư nhân những năm gần đây đang là giải pháp khả thi, góp phần “san sẻ” cùng các cơ sở nhà nước.

Điều dưỡng hướng dẫn chăm sóc NCT tại Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức. Ảnh: Cơ sở cung cấp
Điều dưỡng hướng dẫn chăm sóc NCT tại Trung tâm dưỡng lão Thiên Đức. Ảnh: Cơ sở cung cấp

Vẫn còn yếu và thiếu

Tại Việt Nam, VDL chia thành ba loại, bao gồm trung tâm điều dưỡng người có công và viện bảo trợ xã hội do Nhà nước thành lập, các cơ sở chăm sóc của các tổ chức tôn giáo và cơ sở chăm sóc người cao tuổi (NCT) cung cấp dịch vụ trả phí do tư nhân thành lập. Theo thực tế khảo sát và thống kê tháng 12-2020 của Công ty bảo hiểm Bảo Việt (BVI), nước ta hiện có khoảng 80 cơ sở chăm sóc NCT ngoài công lập. 

Hiện nay, các tỉnh, thành phố trên cả nước đều có trung tâm công lập để điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho người có công với cách mạng, gia đình chính sách. Với chức năng trọng tâm là điều dưỡng, các trung tâm công lập thường tập trung vào chăm sóc sức khỏe mà ít có hoạt động hỗ trợ tinh thần, cơ sở hạ tầng cũng có sự xuống cấp, thiếu thốn trang thiết bị y tế... Trong khi đó, các cơ sở chăm sóc do tổ chức tôn giáo thành lập hướng tới đối tượng người già neo đơn, khuyết tật, hoặc người có thu nhập thấp, có hoàn cảnh đặc biệt… Bởi vậy, các cơ sở này chỉ bảo đảm mức sống cơ bản, hầu như không có hoạt động chăm sóc y tế và tinh thần rõ ràng. Với thực tế dân số già tăng, công suất lấp đầy ở các cơ sở công lập và của tổ chức tôn giáo thường ở mức cao, thậm chí có nơi quá tải.

Mặc dù doanh nghiệp hoạt động đầu tư trong lĩnh vực chăm sóc NCT được hưởng những ưu đãi về thuế, được thuê hoặc mượn đất, cơ sở vật chất. Nhưng kinh doanh dịch vụ chăm sóc NCT tại Việt Nam chưa được coi là một ngành nghề chính thức theo luật định. “Nhiều doanh nghiệp gặp khó khi Luật Người cao tuổi năm 2009 đưa ra phân loại về cơ sở chăm sóc NCT nhưng chưa có quy định nào định nghĩa cụ thể mỗi cơ sở này. Nước ta cũng chưa có hệ thống các quy định, hướng dẫn cụ thể cho các tổ chức, cá nhân đầu tư, xây dựng VDL”, anh Phạm Quân, chuyên viên phòng đầu tư của BVI phân tích. 

Không chỉ thiếu, mà những quy định hiện hành đối với hoạt động đặc thù này còn rất khắt khe và yêu cầu tính minh bạch cao. Các cơ quan quản lý có cơ sở lo ngại về khả năng tư nhân đứng ra thành lập VDL nhưng không tuân thủ đúng chức năng, nhiệm vụ. Nhưng khi các cơ sở công lập dần quá tải, việc thiếu hành lang pháp lý và “bó buộc” đối với VDL tư không phải phương án lâu dài.

Chăm sóc nâng cao cho NCT

Hiện nay, càng có nhiều NCT do hoàn cảnh con cái định cư nước ngoài, làm ăn xa… Hoặc NCT sống cùng gia đình nhưng vẫn lựa chọn tham gia VDL để giao lưu với người cùng thế hệ. “Tôi có đứa con trai lập nghiệp ở nước ngoài hơn năm nay chưa về được do dịch Covid-19. Con gái lớn đã đi lấy chồng nhưng ở gần nên hay về thăm hơn. Tuy nhiên, bản thân tôi hiểu và thông cảm, quyết định vào trung tâm cho các cháu an tâm công tác, lo toan gia đình riêng. Chưa kể điều kiện sinh hoạt, điều dưỡng và chăm sóc y tế tại đây rất tốt, có bầu bạn cùng tuổi nên cũng khuây khỏa. Con gái đến thăm thấy tôi khỏe và được chăm sóc tốt nên an tâm hẳn”, cụ ông Thái Văn Bách (82 tuổi) hiện đang an dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão Diên Hồng 1 (KĐT Đô Nghĩa, Hà Đông) cho biết. 

Nhìn chung, các VDL được xây dựng trong khu vực nội thành Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có mật độ xây dựng cao, quy mô công trình cao 5 - 6 tầng, hạn chế về không gian cảnh quan sân vườn do điều kiện quỹ đất. Đơn cử như Trung tâm chăm sóc NCT Orihome tại số 19 ngõ 139 Bằng Liệt - Hoàng Liệt, Hoàng Mai (Hà Nội) do nằm trong khu dân cư nên không có công trình phụ trợ riêng. Nhưng đổi lại, cơ sở hạ tầng trang bị tốt, vị trí gần các trung tâm y tế T.Ư và tiện lợi cho việc thăm hỏi của người thân… Các VDL nằm ở khu vực ngoại thành lại có lợi thế về khuôn viên và không gian sinh hoạt ngoài trời thoáng đãng.

Điểm chung của đa số NCT đến với VDL tư là những người có điều kiện, độc lập về kinh tế hoặc do gia đình chi trả, bị suy giảm sức khỏe cần sự hỗ trợ trong cuộc sống hằng ngày hoặc không còn khả năng chăm sóc bản thân, chuyển đến lưu trú dài hạn. Bởi vậy, hầu hết các VDL hiện nay có công suất lấp đầy cho các phòng bốn và tám giường là 95 - 98%, với các phòng đơn và phòng đôi là 100%. Chi phí bình quân tại các VDL hiện nay dao động khoảng từ 8 - 16 triệu đồng/người tùy thuộc vào loại phòng và tình trạng sức khỏe của NCT. Đó là chi phí không hề rẻ, nhưng tại khu vực Hà Nội, nhu cầu của NCT đối với các phòng đơn và phòng đôi vẫn còn nhiều, tuy nhiên các cơ sở hầu như còn phòng trống để tiếp nhận. 

“Tùy vào đối tượng NCT, quy mô dịch vụ cung cấp thường bao gồm dịch vụ điều dưỡng, chăm sóc y tế và chăm sóc đời sống xã hội, tinh thần theo các mức độ khác nhau. Các VDL tư nhân cũng có sự liên kết chặt chẽ hơn với cơ sở y tế như phòng khám, bệnh viện tư nhân. Với những cụ có tiền sử bệnh nền, có bác sĩ và điều dưỡng túc trực vẫn tốt hơn. Thay vì coi việc đưa ông bà, cha mẹ vào VDL là “bất hiếu”, có lẽ đã đến lúc nên hiểu VDL một cách tích cực hơn là nơi chăm sóc sức khỏe lẫn tinh thần nâng cao cho NCT”. Đó là gợi mở của bác sĩ lão khoa Ngọc Thanh, Bệnh viện Medlatec - đối tác của VDL Thiên Đức (Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm).