Chung tay trao Tết ấm cho người nghèo

Các chương trình chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng đặc biệt khó khăn đang được gấp rút triển khai. Dự kiến, Tết này có khoảng 1,3 triệu hộ nghèo và hàng triệu hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt sẽ được nhận những món quà giá trị, ý nghĩa.

Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà cho người nghèo ở huyện Văn Yên (Yên Bái).
Bà Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà cho người nghèo ở huyện Văn Yên (Yên Bái).

Nâng giá trị quà tặng

Thay vì mở rộng về suất quà, năm nay Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tập trung bảo đảm chất lượng quà tặng cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, người chịu thiệt hại bởi thiên tai. Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội cho biết, hiện nay các cấp hội đã hoàn thành xong chỉ tiêu vận động quà tặng, và đang tổ chức trao quà tới các đối tượng.

Theo ông Hải Anh, năm nay có 1,5 triệu suất quà (giảm tới 1,2 triệu suất quà so Tết năm 2019) gửi tặng 1,3 triệu hộ nghèo và các đối tượng là nạn nhân chất độc da cam, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt... Hội phấn đấu số suất quà có giá trị từ 400 nghìn - 500 nghìn đồng/suất đạt hơn 80% tổng số suất quà. Hiện T.Ư Hội đã tháp tùng 27 lượt đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thường trực T.Ư Hội thăm và tặng quà Tết tại 57 các tỉnh, thành trên cả nước. Ngoài các phần quà là tiền mặt, bánh kẹo, Hội còn gửi tặng các phần quà qua các hình thức hỗ trợ khác như: vận động giúp sửa chữa nhà ở, xây nhà Chữ thập đỏ, tặng thẻ bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh nhân đạo, tặng học bổng, tặng bò và hỗ trợ sinh kế... “Để chương trình tặng quà hiệu quả, T.Ư Hội đã đề nghị các địa phương triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm đồng bộ, đúng đối tượng, không để sót, tránh chồng chéo, trùng lắp. Đặc biệt phải thực hiện công khai, minh bạch trong vận động các nguồn lực. Đồng thời phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, đơn vị, cá nhân, địa phương trục lợi”, ông Hải Anh cho biết.

Ông Nguyễn Văn Nam, thuộc đối tượng hộ nghèo ở huyện Ý Yên, Nam Định, một trong số 100 hộ gia đình được nhận quà Tết trong chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” xuân Canh Tý năm 2020 vào cuối tháng 12 vừa qua. Ông cảm kích: “Là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, từ ngày vợ ốm, con ốm, gia đình rơi vào cảnh nghèo khó, việc một thân một mình lo cho bốn miệng ăn trong nhà là quá sức với bản thân tôi. Ngỡ như năm nay mất Tết, nhưng nhờ được sự quan tâm của chính quyền, địa phương, Đảng, Nhà nước nên tôi được nhận chút quà. Tôi sẽ dùng số tiền này sắm Tết cho gia đình, để vợ con có được cái Tết ấm áp”.

Ngoài ông Nam, còn 99 suất quà khác được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Hội Chữ thập đỏ trao tận tay các cá nhân. Bên cạnh phần quà 200 nghìn đồng, các cá nhân còn được nhận thêm tiền mặt trị giá 1 triệu đồng.

Ưu tiên người có công, hộ nghèo

Dịp cuối năm âm lịch này, Tổng Liên đoàn Lao động, Mặt trận Tổ quốc, và các bộ, ngành khác cũng đã dành nguồn lực để chăm sóc Tết cho đối tượng người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn. Đầu tháng 12-2019, Thủ tướng Chính phủ đồng ý ủy quyền Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) trình Chủ tịch nước xem xét tặng quà cho đối tượng người có công với cách mạng nhân dịp Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020. Theo đó, quà được chia thành hai mức: 400 nghìn đồng và 200 nghìn đồng. Hai mức quà trên sẽ được gửi tới hơn 1,7 triệu người có công với cách mạng với tổng kinh phí gần 358 tỷ đồng.

Tại Hà Nội, đầu tháng 12-2019, thành phố đã ban hành kế hoạch chăm lo Tết cho người nghèo và các đối tượng người có công. Theo đó, Hà Nội dành hơn 378 tỷ đồng tặng quà cho hơn 859 nghìn người. Ngoài ra, thành phố còn hỗ trợ bồi dưỡng cho cán bộ, công nhân viên phục vụ trực tiếp trong các ngày Tết với mức 200 nghìn đồng/người và bổ sung thêm tiền ăn cho các đối tượng đang được chữa trị, nuôi dưỡng tập trung với mức 100 nghìn đồng/người tại các đơn vị trực thuộc Sở LĐ-TB&XH, Bệnh viện, Sở Y tế.

Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành, có ba mức quà, mức thấp nhất là 300 nghìn đồng, tiếp đến là 500 nghìn đồng và 1 triệu đồng. Thành phố hiện đang xúc tiến công tác tặng quà. Dự kiến sẽ kết thúc kế hoạch trước ngày 14-1 tới. Được biết, đến thời điểm này, sở LĐ-TB&XH và thành phố đã hoàn tất tặng quà cho 70% đối tượng. Đại diện Sở cũng cho biết, ngoài phần quà của thành phố, của trung ương, các đối tượng người có công, hộ nghèo... còn có thể được nhận những hộ trợ từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm...

Ngoài các bộ, ngành, các doanh nghiệp cũng tổ chức nhiều hoạt động từ thiện. Ông Tuấn Anh - Bưu điện Việt Nam cho biết, năm nay để tặng quà cho người nghèo, đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt, ngành đã mở hơn 700 thùng quỹ tại các điểm bưu điện. Còn theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thì năm nay, Mặt trận dành 3.500 suất quà cho hộ nghèo (tổng trị giá hơn 4 tỷ đồng) để tặng quà Tết, thăm, tặng quà cho người nghèo trong cả nước nhân dịp Tết Nguyên đán. Chương trình đã được triển khai, dự kiến kết thúc vào ngày 20-1 này.

Nhờ sự chung tay của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, đơn vị mà hàng triệu hộ nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn đã, đang được nhận phần quà ý nghĩa, bớt đi những nỗi niềm để có thể đón một cái Tết ấm áp.

Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Trần Thanh Hải: “Năm nay Tổng liên đoàn không tổ chức Tết sum vầy chung theo kiểu quốc gia mà giao về các địa phương để công đoàn các cấp tự tổ chức. Hiện nay theo ghi nhận đã có hơn chục tỉnh, thành phố tổ chức Tết sum vầy, tặng hàng triệu suất quà, vé tàu xe, mái ấm công đoàn... cho những công nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, với những công nhân bị nợ lương, không có thưởng Tết, làm việc trong doanh nghiệp có chủ bỏ trốn hoặc phá sản, công đoàn các cấp cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên, tặng quà giúp họ đón Tết no đủ, ấm áp. Dự kiến suất quà tặng sẽ từ 1 triệu đồng trở lên”.