“Chợ cơ động” ở biên giới

Xã biên giới Đăk Plô, huyện Đăk Glei, Kon Tum nằm ở độ cao 1.600 m so mặt nước biển, không có chợ giao thương hàng hóa. Mọi nhu yếu phẩm hằng ngày phụ thuộc vào anh “hai sọt” trên chiếc xe gắn máy, được mệnh danh “chợ cơ động” biên giới. 

Xe gắn máy ông Võ Thành Phương chở thực phẩm cho Đồn Biên phòng Đăk Blô, tỉnh Kon Tum.
Xe gắn máy ông Võ Thành Phương chở thực phẩm cho Đồn Biên phòng Đăk Blô, tỉnh Kon Tum.

Nguy hiểm “treo” trước mặt

“Đường đi vào Đồn Biên phòng Sông Thanh ở xa nhất, sát tỉnh Quảng Nam. Mùa mưa lũ năm 2020 đã phá nát tuyến đường độc đạo lên biên giới, đường sá giống như suối nước, khổ mấy cũng phải đi, nếu ở nhà, người dân và bộ đội sẽ thiếu cái ăn hằng ngày”, ông Võ Thành Phương (44 tuổi) thị trấn Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum mở đầu câu chuyện “tiếp phẩm” nơi biên cương xa xôi.

Đã có tình trạng xảy ra, mưa nhiều sạt núi bị tắc đường một tháng liên tục, bộ đội phải ăn đồ hộp dự trữ ngán lên tận cổ, nhiều anh xuống bếp ngửi mùi đồ hộp là muốn “dội” ngược trở về phòng nghỉ, chẳng có gì ăn nữa, phải chấp nhận ăn và cố nuốt cho có chất dinh dưỡng. “Mùa mưa bão năm 2020, trên đường chở thực phẩm vào xã biên giới Đăk Plô tui xém chết mấy lần, do sạt lở núi. Mình đã cam kết làm, dù có mưa to kiểu nào, tui phải thức dậy từ 2 giờ sáng ra chợ tìm mua cá sống, thịt tươi... vượt hơn 130 km lên biên giới”, ông Phương quả quyết.  

Bão lũ nối tiếp nhau ập đến vùng đất miền trung và bắc Tây Nguyên, huyện Đăk Glei từng chịu trận giống như bên đất Quảng Nam. Sự khắc nghiệt đã ập đến với ông Phương: “Đất núi sạt xuống đường một ít, vẫn cố đẩy xe máy chở 100 kg hàng hóa vượt qua “cửa ải”. Tui nghe ầm ầm trên đỉnh, bỏ xe chạy thoát thân kịp thời. Chiếc xe bị phủ bùn đất, nhờ người đi đường xúm vào phụ kéo xe và hàng hóa ra khỏi đống bùn. Tay kéo xe, đầu ngẩng lên núi nhìn xem đất có sạt tiếp không để lo mà chạy. Vì bảo đảm bữa ăn cho người dân và bộ đội ở biên giới, mình chấp nhận nguy hiểm đang “treo” trước mặt. Qua được chỗ này, chạy đến đoạn khác lại gặp sạt lở, mở hàng xuống vác qua từng món, nhờ đồng bào khiêng xe qua, cột vào chạy tiếp”.

Có lần xe đã chạy tới gần xã Đăk Plô, nước lũ phá tan cầu, đợi nước rút xuống, ông Phương gọi điện thoại cho đồn trưởng Đồn Biên phòng (ĐBP) Đăk Blô, nhờ lực lượng ra giúp đỡ. Ông Phương tường thuật: “Gần 20 chiến sĩ ra vác đồ và khiêng xe máy qua suối, để tui đi tiếp vào ĐBP Sông Thanh, trong đó anh em đã bị cô lập hơn tuần nay không có đồ tươi ăn. Cơn bão số 9 năm 2020, nước lũ lớn không vào đồn được, đồn trưởng Đăk Blô bảo chở hàng về nhà để trong tủ lạnh, nước lớn không qua suối được. Cả xe hàng hơn 100 kg dầm mưa khổ cực đưa lên khu vực biên giới, nhưng vẫn không đến được xã và ĐBP, đành phải quay xe chở về nhà. Dọc đường đi lại gặp sạt lở, tắc đường, mò mẫm nửa đêm mới về đến nhà. Các loại thực phẩm bị hư hết, năm ngày sau mua đồ chở lên lại”.

Mùa mưa, nước trên núi đổ xuống, nhiều đoạn đường thành suối nước chảy, gian khổ nhất là đoạn đường từ ĐBP Đăk Blô vào ĐBP Sông Thanh. Núi cao, cua gấp, vách ta-luy dựng đứng, phía trên đó có nhiều cây rừng to, đổ xuống đè người bất cứ lúc nào. “Tui phải nhờ thằng em ruột chở phụ, chia ra mỗi xe 60 - 80 kg, trên đường đi lỡ xảy ra chuyện gì ở giữa rừng, có anh, có em giúp đỡ lẫn nhau. Trên xe lúc nào cũng có dao to, cây rừng đổ xuống làm tắc đường, mình phải chặt cây và kéo ra mở đường đi”, ông Phương chia sẻ. Ông luôn có sẵn bộ đồ nghề sửa xe, săm xe (ruột) dự phòng. Trung bình một tháng phải thay cặp lốp mới, bộ nhông xích. Vậy mà đôi khi xe bị hỏng nặng ở giữa đường, phải thuê xe khác chở thực phẩm vào giao nhanh cho khách hàng.

Lòng tốt trên mâm cơm

Đồng ý bỏ công đi làm phải có “đồng lời”, nhưng trời mưa bão, nguy hiểm đến tính mạng luôn thường trực ở hai bánh xe gắn máy, ông Phương đủ lý do chính đáng để từ chối vận chuyển thực phẩm vào bán cho người dân, ĐBP, trường học, UBND xã... vùng biên giới. “Nếu mình không đi chở hàng, cả mấy trăm người không có gì ăn, họ ngóng chờ mình. Lúc mưa bão, trên mâm cơm người dân và ĐBP có cá tươi, thịt ngon... là thể hiện lòng tốt, tính cam kết trách nhiệm cao của ông “hai sọt” với công việc đang làm. Nghĩ đơn giản như vậy đó, dù mưa như trút nước cũng phải chạy xe đi”, ông Phương nói đầy “lý luận” cuộc sống. 

Ông Phương không mua hàng hóa ở thị trấn Đăk Glei chở vào biên giới xã Đăk Plô chỉ gần 40 km, “hai sọt” Phương phải mua ngoài thị trấn Ngọc Hồi, vì lượng hàng hóa nhiều, phong phú, chọn được đồ ăn ngon. Chẳng hạn, các loại thủy sản nước ngọt, gà, vịt... đặt mua sống, cá biển phải thật tươi, giá bán cạnh tranh. 7 giờ tối, người phụ trách bếp ăn các ĐBP, trường học... gọi điện cho ông Phương đặt thực đơn ăn ngày hôm sau. Ngoài thực phẩm ra, “hai sọt” còn chở thêm bình ga to và những thứ người dân cần mua chở giúp vào.

“Lẽ ra tiếp phẩm “hai sọt” ngày nào cũng phải chở hàng lên cho ĐBP Đăk Blô, do đường đi hiểm trở, xa xôi nên đồn hợp đồng với anh Phương hai ngày chở hàng vào một lần, một tháng thanh toán tiền một lần. Nếu mưa bão sạt lở núi, nước suối đổ xuống làm tắc đường nhiều ngày, đồn phải sử dụng thực phẩm dự trữ, vào trong dân mua thêm thực phẩm tươi. Còn ĐBP Sông Thanh ở xa dân, bị sạt lở núi tắc đường coi như “cô lập” với dân, bảo đảm thực phẩm tươi ăn hằng ngày cho bộ đội như đồn Sông Thanh vào mùa mưa bão là vấn đề nan giải. Trước đây, đồn có hợp đồng với anh “hai sọt” khác làm, do họ làm thực phẩm không được tốt, đồn đã cắt hợp đồng. Anh Phương làm có trách nhiệm, thực phẩm, các loại rau, củ quả luôn tươi ngon, anh gắn bó với đồn và bà con biên giới hơn 10 năm rồi”, Trung tá Xiêng Lăng Sự, đồn trưởng biên phòng Đăk Blô tâm sự. 

“Xã Đăk Plô cũng có mấy người “hai sọt” chở đồ ở dưới huyện lên đây đi bán dạo dọc đường. Riêng “hai sọt” Phương nhà tôi hay đặt mua hàng, thịt, cá lúc nào cũng tươi, cân không bao giờ thiếu lạng nào, thời gian này gia đình tôi không cần cân lại khi mua hàng. Anh Phương là người làm ăn có trách nhiệm cao, dù mưa gió lớn cỡ nào cũng bảo đảm nguồn thực phẩm cho bạn hàng của mình ở biên giới”, ông A Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Plô bổ sung thêm thông tin.   

Theo đồn trưởng Sự, nếu tổ chức xe ô-tô chạy ra ngoài thị trấn Đăk Glei hoặc qua Ngọc Hồi tiếp phẩm cho đơn vị sẽ đội giá thành cao hơn, “ăn” vào tiền ăn của bộ đội, dẫn đến chất lượng bữa ăn bị giảm sút. Hợp tác với “hai sọt” là phương án khả thi, mang tính thực tiễn nhất.

“Xe tui chở hàng đến nhà bếp, trực ban đồn và anh nuôi đến kiểm tra thực phẩm, đưa lên cân từng loại, cái nào cũng đủ số lượng, có những thứ thừa cân so ghi trong hóa đơn. Nhiều hôm trời mưa đường khó đi, vào đến đồn 11 - 12 giờ trưa, mấy anh mời vào ăn cơm, khỏi cân kéo làm gì. Cân cũng vậy, không cân cũng vậy. Đầy đủ cả”, ông Phương tự tin công việc của mình.