Cha mẹ cần học kỹ năng dạy con

Mới đây, T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đề xuất triển khai Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ. Theo đó, tất cả cha mẹ đều có cơ hội học tập để làm một người cha mẹ tốt.

Trang bị cho các bậc cha mẹ kiến thức và kỹ năng dạy con là điều cần thiết nhưng phải phù hợp với từng địa bàn, hoàn cảnh khác nhau.
Trang bị cho các bậc cha mẹ kiến thức và kỹ năng dạy con là điều cần thiết nhưng phải phù hợp với từng địa bàn, hoàn cảnh khác nhau.

Cha mẹ có nhu cầu được giáo dục

Thay vì dạy con theo kinh nghiệm, tới đây tất cả cha mẹ sẽ được giáo dục để có những kỹ năng chăm sóc cả về thể chất và tinh thần và trí tuệ cho trẻ. Đây là một trong những nội dung chính trong Dự thảo Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ đang được T.Ư Hội lấy ý kiến để hoàn thiện.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Trưởng ban Gia đình (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam), đơn vị xây dựng chương trình cho biết, xã hội hiện đại đang đối mặt nhiều vấn đề, trong đó có những thách thức làm biến dạng nền văn hóa, xói mòn hệ giá trị cốt lõi gia đình truyền thống. Nhiều bậc cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc, dạy bảo con khiến trẻ em bị bạo lực, xâm hại, đối diện sự phát triển không toàn diện.

Một nghiên cứu đầu năm 2019 của tổ chức Plan khảo sát nhu cầu giáo dục cách làm cha mẹ tại Việt Nam cũng cho thấy tính cần thiết của việc phải giáo dục cha mẹ. Cụ thể có 56,1% người mẹ và 68,6% người cha mong muốn được tham gia các lớp học về giáo dục kỹ năng làm cha mẹ. Đặc biệt, tỷ lệ này cao hơn hẳn ở những tỉnh có điều kiện khó khăn, khu vực dân cư còn nghèo như nông thôn, vùng núi. Một số tỉnh có nhu cầu tham gia chương trình hỗ trợ làm cha mẹ với tỷ lệ rất cao như Bình Dương (100%), Quảng Nam (75%).

Kết quả khảo sát của Plan cũng cho thấy chỉ có hơn 20% người mẹ đã được tiếp cận, tham gia lớp hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ, đặc biệt tỷ lệ này thấp dưới 10% ở người cha. Đặc biệt một số khu vực đô thị như Hà Nội, Hải Phòng, hầu như cả cha và mẹ đều không tham gia lớp hướng dẫn kỹ năng làm cha mẹ. Thực tế, tỷ lệ trẻ em bị xâm hại, bạo lực cả thể chất tinh thần đang ngày càng gia tăng, nhưng cha mẹ không có phương pháp giáo dục, bảo vệ phù hợp.

Trước sự cấp thiết đó, từ đầu năm 2019 tới nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã xây dựng Chương trình quốc gia về giáo dục làm cha mẹ. Trải qua ba lần lấy ý kiến tiếp thu của các bộ, ngành và các đơn vị có liên quan, ban soạn thảo đã tổng kết và ban hành dự thảo cụ thể.

Một trong những mục tiêu quan trọng nhất mà dự thảo đưa ra là phấn đấu sẽ giáo dục 50% cha mẹ và người chăm sóc trẻ về kỹ năng chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục và bảo vệ trẻ theo từng giai đoạn phát triển. Ngoài ra, chương trình còn đặt mục tiêu phải có ít nhất 40% cha mẹ có kiến thức kỹ năng phù hợp để hỗ trợ trẻ định hướng và lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai. Thêm vào đó, chương trình cũng đặt mục tiêu có 50% nam, nữ trong độ tuổi kết hôn được tập huấn kiến thức và kỹ năng về giáo dục tiền hôn nhân, làm cha mẹ...

Chương trình cũng đưa ra mục tiêu, mỗi xã ít nhất có một tình nguyện viên hỗ trợ cha mẹ, người chăm sóc trẻ tại cộng đồng. Thực hiện mỗi xã, phường rà soát, xây dựng ít nhất một mô hình/dịch vụ hiệu quả về giáo dục làm cha mẹ (nhóm cha mẹ, CLB mẹ nuôi dạy con tốt, điểm tư vấn về giáo dục làm cha mẹ...). Đồng thời hằng năm, các địa phương tổ chức đánh giá, chia sẻ kết quả, bài học kinh nghiệm, củng cố chất lượng, quy mô các mô hình tại cơ sở… 100% các tỉnh, thành phố đưa hoạt động của chương trình vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và phân bổ ngân sách cụ thể cho chương trình.

Sẽ vướng nhiều rào cản

TS Vương Thị Hanh, Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực phụ nữ Việt Nam cho rằng, chương trình là rất cần thiết, nhưng cần phải đánh giá toàn diện, xem cha mẹ thiếu gì, cần gì. “Trong bối cảnh cách mạng 4.0, công nghệ thông tin phát triển, chúng ta cũng phải đặt câu hỏi, chương trình có nên đặt mục tiêu phải tập huấn, kỹ năng làm cha mẹ cho bao nhiêu người hay không. Hay, thay vì tập huấn chúng ta có thể cung cấp những thông tin trên mạng để cha mẹ tự học tập”, bà Hanh nói.

Cũng theo bà Hanh, đối tượng của chương trình là cha mẹ và người giáo dục trẻ, nhưng người thụ hưởng lại là trẻ em. Trong khi đó, trách nhiệm giáo dục trẻ em là trách nhiệm chung của không chỉ gia đình mà còn là trách nhiệm của cả nhà trường và cộng đồng. Bởi vậy cần có cơ chế phối hợp trong giáo dục nhà trường, gia đình và cộng đồng.

Bà Hạnh cũng phân tích thêm: “70 phần trăm dân số Việt Nam làm nông nghiệp, sống ở nông thôn, vùng núi, điều kiện kinh tế khó khăn, vì thế không có điều kiện tiếp cận với kiến thức nuôi dạy con hiện đại. Chính bởi vậy, theo tôi cần ưu tiên đầu tư nguồn lực để hỗ trợ dạy cha mẹ vùng khó khăn này. Để làm được điều này cũng cần xây dựng mạng lưới cộng tác viên tình nguyện tham gia tư vấn, giáo dục, kết nối cha mẹ với nhau”.

Còn theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, chuyên gia trẻ em thì cần phải có sự kết nối nguồn lực và các chương trình để tránh sự chồng chéo. “Phải giáo dục cho cha mẹ các kỹ năng giáo dục toàn diện về cả về thể chất và tinh thần. Một đứa trẻ muốn phát triển toàn diện không chỉ cần được tiêm vacxin, được cho ăn, cho mặc mà còn cần được giáo dục trí tuệ, tâm sinh lý để các em phát triển toàn diện”, ông An nói.

Đề cập tới vấn đề tiếp thu những kinh nghiệm quý trong việc dạy con, ông An cũng cho rằng, thực tế không phải cách dạy con theo truyền thống của ông bà ta có vấn đề, cái chính là chúng ta chưa đưa những kinh nghiệm đó thành kỹ năng. Cần tổng kết, đúc rút kinh nghiệm quý trong việc dạy con để nâng tầm lên thành kỹ năng.

Dưới góc độ người nghiên cứu, bảo vệ quyền trẻ em, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, cần phải tăng cường kiến thức bảo vệ trẻ em. Hiện nay, nói đến trẻ em là nói đến ba nội dung: Chăm sóc, Giáo dục và Bảo vệ. Trong ba nội dung này thì bảo vệ trẻ em hiện nay đang làm yếu nhất.

Vừa qua, bà Hòa cũng tham gia đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về xâm hại trẻ em tại sáu tỉnh. Nhận định chung ở cả sáu tỉnh này là tình trạng xâm hại trẻ em hiện nay có xu hướng tăng, diễn biến phức tạp. Nguyên nhân đều bắt nguồn từ việc cha mẹ chủ quan, lơ là, thiếu quan tâm, mải mê làm ăn, xao nhãng việc chăm sóc trẻ, thiếu kiến thức, kỹ năng về bảo vệ con. “Chính bởi vậy, nếu triển khai chương trình nên dành một thời lượng lớn trong việc giúp các phụ huynh có đầy đủ kiến thức, kỹ năng trong việc làm cha mẹ tốt. Ưu tiên trong việc giáo dục, giúp trẻ em có đời sống tinh thần phong phú và tìm cách bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ xâm hại, tai nạn thương tích, chứ không chỉ tập trung vào dạy học hành, ăn uống đầy đủ…”, bà Hòa nói.

Dự kiến, nếu được phê duyệt, chương trình sẽ được triển khai từ năm 2020 đến 2025. Trong đó, ba năm đầu xây dựng và triển khai thí điểm tại ba đến năm tỉnh/thành phố; đánh giá kết quả thí điểm và nhân rộng ra toàn quốc. Hai năm sau, triển khai rộng trên toàn quốc; đề xuất chính sách từ kết quả triển khai chương trình.

Nhiều cha mẹ khá đồng tình với chương trình quốc gia dạy làm cha mẹ, tuy nhiên cũng có không ít những người thắc mắc về tính khả thi. Chị Nguyễn Thị Nhung (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, vợ chồng chị khá bận rộn, vì thế có ít thời gian dành cho con. Ngoài việc đưa đón con đi học, cơm nước ở nhà chị Nhung gần như không có thời gian cho bản thân. Mặc dù rất muốn có thêm kiến thức và kỹ năng dạy con nhưng chị không thể sắp xếp được thời gian. “Thay vì tổ chức lớp tập huấn, tôi mong muốn được cung cấp các bộ tài liệu chuyên nghiệp lên mạng để có thể tự học. Nên dành nguồn lực và các lớp tập huấn, hoặc lớp dạy làm cha mẹ cho những khu vực đặc thù, còn nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thông tin”, chị Nhung đề xuất.