Cấp bách quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm

Năm học 2019 - 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) có nhiệm vụ quan trọng là trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và sư phạm giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nhưng đến nay, nhiệm vụ cần giải quyết này vẫn đang đứng trước nhiều thách thức.

Sinh viên Trường đại học Thái Nguyên, một trong nhiều trường đào tạo ngành sư phạm. Ảnh: HẢI NAM
Sinh viên Trường đại học Thái Nguyên, một trong nhiều trường đào tạo ngành sư phạm. Ảnh: HẢI NAM

Thiếu kiểm soát sẽ tạo ra dư thừa nhân lực

Hiện nay, cả nước có 58 trường đại học (ĐH) , 57 trường cao đẳng (CĐ) và 40 trường trung cấp có ngành đào tạo giáo viên. Trong đó, có 14 trường ĐH sư phạm, 40 trường CĐ sư phạm và hai trường trung cấp sư phạm.

GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết: Năm 2017, Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đã có những thống kê cơ bản về nhu cầu đội ngũ nhà giáo đến năm 2020 và các năm tiếp theo. Theo đó, áp lực về số lượng không còn cao như cách đây hai thập kỷ. Điều này là do tác động của chính sách dân số và đội ngũ giáo viên cơ bản đủ về số lượng trong giai đoạn hiện tại. Số lượng cần nhiều nhất là giáo viên mầm non vì nhu cầu chăm sóc trẻ ngày càng cao của cả hệ thống công lập và tư thục.

Phân tích thực trạng ngành sư phạm, GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: Với số lượng các cơ sở đào tạo như hiện nay, các trường sẽ xác định một số lượng chỉ tiêu tuyển sinh khá lớn và nếu thiếu kiểm soát sẽ tạo ra sự dư thừa nhân lực, hệ quả của nó không chỉ gây lãng phí về tài chính mà đáng lo ngại hơn là các vấn đề xã hội. Bên cạnh đó, việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới trong thời gian tới, với các môn học mang tính tích hợp như Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý ở bậc THCS, dự báo trong tương lai, đội ngũ giáo viên dạy các môn học này không đòi hỏi nhiều về số lượng. Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo và chất lượng đào tạo của các trường cũng không đồng nhất, trong khi muốn đổi mới thành công phải bắt đầu từ người thầy và không thể phát triển giáo dục nếu không có thầy giỏi.

GS Nguyễn Văn Minh cũng chỉ rõ thêm: Số lượng cơ sở đào tạo sư phạm của Việt Nam chủ yếu thuộc hệ thống công lập. Điều kiện nền kinh tế - xã hội Việt Nam và ngay cả những nước phát triển cũng khó đủ tiềm lực trang trải, đầu tư đồng bộ cho một hệ thống cồng kềnh như vậy. Do đó, việc đầu tư kiểu dàn trải đã không tạo ra được sự bứt phá nào trong phát triển các cơ sở đào tạo sư phạm.

Trên thực tế, trước tình hình khó khăn trong tuyển sinh đầu vào, vài năm gần đây, một số địa phương đã tự tìm giải pháp bằng cách sáp nhập trường CĐ sư phạm vào khoa sư phạm của một trường ĐH trên địa bàn. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ít ỏi và cũng chỉ là cách làm mang tính tình thế.

Sắp xếp theo hướng phân hóa

Trước thềm năm học mới, Bộ GD&ĐT đang phối hợp các trường sư phạm trong cả nước xây dựng bản quy hoạch chi tiết mạng lưới các trường sư phạm trình Chính phủ. Nhiều ý kiến cho rằng, việc quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm cần đi theo hướng có sự phân hóa, tái cơ cấu để xây dựng các trường ĐH có chất lượng cao, có uy tín thành trường trọng điểm.

GS Nguyễn Văn Minh đề xuất xây dựng hệ thống trường sư phạm gồm khu vực phía bắc ba cơ sở, miền trung hai cơ sở, miền nam hai cơ sở và Tây Nguyên một cơ sở. Các cơ sở này có thể đào tạo từ 15.000 - 20.000 nhân lực giáo dục mỗi năm. Các trường CĐ sư phạm có thể chuyển đổi thành các phân hiệu, cơ sở thực hành, bồi dưỡng... phát triển giáo dục địa phương.

Còn đối với các trường sư phạm địa phương, bà Vũ Thị Huyền, Trường CĐ Sư phạm Thái Bình cho rằng: Khi quy hoạch các trường sư phạm địa phương, Bộ GD&ĐT cần lưu ý tính kết nối giữa các trường với cơ sở sư phạm trọng điểm về địa lý, kinh tế - xã hội từng vùng miền, nhằm tránh phân bổ không đồng đều hoặc chồng lấn.

GS Từ Quang Hiển, nguyên Giám đốc Trường ĐH Thái Nguyên đưa ra ý kiến, cần giải thể mô hình ĐH vùng, bởi mô hình này đang cản trở hoạt động các trường ĐH thành viên. Hoặc nếu không được thì cần trao quyền tự chủ cao cho các trường ĐH thành viên và có cơ chế, chính sách cho ĐH vùng phát triển như ĐH quốc gia; đồng thời có cơ chế quản lý ĐH vùng, ĐH quốc gia nhằm bảo đảm phát huy năng lực, vai trò của các trường.

Theo đề xuất của đại diện một số trường sư phạm, mục tiêu chung của việc quy hoạch là hình thành mạng lưới các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên với cơ cấu hợp lý, có quy mô, chất lượng đáp ứng nhu cầu người học và thị trường lao động. Việc quy hoạch bảo đảm tính khả thi, phân bổ hợp lý; đẩy mạnh tự chủ đại học; quy hoạch tinh gọn, giảm đầu mối, đẩy mạnh xã hội hóa, tăng tính kết nối trong hệ thống, giảm trường công lập...

GS, Viện sĩ Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng GD&ĐT cho rằng: Ngành sư phạm là một ngành đào tạo nghề - nghề giáo. Đào tạo nghề phải phù hợp với nhu cầu xã hội. Vì vậy, cần cân nhắc cách làm ra sao để tránh đào tạo ra những cử nhân thất nghiệp, nhất là thất nghiệp không phải vì các em yếu kém mà do các môn này đang thừa giáo viên.

Thống kê cụ thể tình trạng thừa - thiếu giáo viên từng bộ môn ở từng trường, từng cấp học, từng địa phương là việc Bộ GD&ĐT đang làm và cần tiếp tục làm để đưa ra dự báo chính xác nhất. Từ đó, giúp các trường chủ động kế hoạch đào tạo sinh viên trong các năm tiếp theo. Không thể để sinh viên chất lượng cao với xuất phát điểm đầu vào cao, kết quả học tập và rèn luyện trong bốn năm ĐH khá, giỏi mà vẫn phải chật vật tìm việc nhiều năm liền, như vậy sẽ khó thu hút được thí sinh giỏi đầu quân vào ngành sư phạm.