Căng mình làm thêm

Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) lấy ý kiến, dự kiến mở rộng khung thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ) về thời gian làm thêm lên tối đa 400 giờ/năm thay vì 300 giờ/năm theo quy định hiện hành. Nhiều công nhân lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, đối tượng chịu nhiều tác động nhất khi tăng giờ làm thêm đã có nhiều chia sẻ.

Phần lớn người lao động không mong muốn làm thêm, nhưng vì thu nhập thấp nên phải chấp nhận. Ảnh: NG.NAM
Phần lớn người lao động không mong muốn làm thêm, nhưng vì thu nhập thấp nên phải chấp nhận. Ảnh: NG.NAM

Làm thêm là bất đắc dĩ

Theo kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nhân và Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiến hành trên 2.550 lao động (hơn 62% lao động nữ), phần lớn NLĐ không mong muốn làm thêm, nhưng vì thu nhập thấp nên phải chấp nhận. Đáng lưu ý là trung bình thu nhập từ tăng ca của NLĐ chỉ là hơn 1.336.000 đồng/người/tháng (chiếm 22,4% tổng thu nhập).

Nhiều công nhân cho biết, do thu nhập còn thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống nên họ buộc phải làm thêm để cải thiện thu nhập. Có thêm đồng tiền để trang trải, chi tiêu nhưng đổi lại, sức khỏe của NLĐ nhanh chóng bị hao mòn do không có điều kiện tái tạo.

Chị Nguyễn Thu Thảo, công nhân may đang làm việc tại một công ty có vốn đầu tư 100% của Nhật tại KCN Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, đợt này, công ty đang hoàn thành các đơn hàng mùa đông nên công việc rất bận bịu. Chị thường xuyên phải tăng ca theo yêu cầu dây chuyền. Hiện tại, mức lương cơ bản của Thảo được hơn 5 triệu đồng/tháng. Nhờ có tiền tăng ca, thu nhập của chị cũng nhỉnh lên. “Đối với những lao động có thu nhập còn thấp như tôi thì làm thêm cũng tốt, sẽ có thêm khoản thu nhập để trang trải cuộc sống. Tôi là mẹ đơn thân, nên làm thêm đồng nào, tốt đồng ấy. Có thêm tiền, tôi gửi về quê cho ông bà ngoại ở Bắc Cạn để nuôi con!”, chị Thảo nói. Tuy nhiên, chị Thảo cũng không giấu: “Làm tăng ca, sáng về gần như tôi không ngủ được. Chưa kể, cảnh sống độc thân trên thành phố nên ăn uống chỉ tạm bợ qua ngày. Thời gian tăng ca làm đảo lộn cuộc sống sinh hoạt, tôi không đi chợ mua đồ tươi được nên nhiều khi mải ngủ, chỉ gói mì tôm hay cái bánh mì ngọt mà gặm”.

Nhiều NLĐ chia sẻ, họ chấp nhận làm thêm giờ là do thu nhập còn thấp, không đủ để trang trải cho cuộc sống. Tuy nhiên, có thêm đồng tiền để trang trải, chi tiêu nhưng đổi lại, sức khỏe của NLĐ nhanh chóng bị hao mòn do không có điều kiện tái tạo.

Ngoài ra, vì làm thêm, vì áp lực kiếm tiền mà đời sống tinh thần của NLĐ ngày càng nghèo nàn hay việc chăm sóc con cái và mối quan hệ trong gia đình cũng bị ảnh hưởng.

Có những người đã dành cả tuổi thanh xuân trong các nhà máy, phân xưởng, quay cuồng với nỗi lo cơm, áo, gạo, tiền, để rồi, khi đã ngoài tuổi “băm” mà vẫn chưa lập gia đình. Trường hợp của chị Mai Thị Nghĩa (quê Thanh Hóa) là một thí dụ. Vì gia cảnh vất vả, bố mất sớm, mẹ lại một nách nuôi bốn đứa con nên chưa học hết cấp 3, Nghĩa theo bạn bè ra Hà Nội tìm việc với mong muốn sẽ kiếm được công việc ổn định, có thu nhập tốt để bảo đảm cho cuộc sống và có chút tiền gửi về phụ giúp mẹ nuôi các em ăn học.

Những năm đầu ly hương, chị Nghĩa làm nhân viên chạy bàn cho các nhà hàng, hằng ngày, chị đều bắt đầu công việc từ mờ sáng đến 10 giờ đêm nhưng lương thấp, công việc không ổn định, không được đóng bảo hiểm xã hội, nên khi biết được thông tin tuyển dụng tại một công ty ở KCN Sài Đồng, chị đã nộp đơn xin việc và được nhận vào làm việc ngay.

Chị Nghĩa chia sẻ, đến nay, mặc dù đã hơn 10 năm làm việc ở Thủ đô, nhưng tính ra khoảng thời gian chị dành cho bản thân rất ít. Chị thường đăng ký làm tăng ca kể cả ngày nghỉ với mong muốn tăng thêm thu nhập và có chút dư dả để lo cho tương lai. Cuộc sống của chị Nghĩa dường như chỉ biết đến công ty và nhà trọ nên đời sống tinh thần ngày càng nghèo nàn. Đáng nói, do không có thời gian tiếp xúc, giao lưu và tìm hiểu bạn bè nên dù đã ngoài tuổi “băm”, mà chị vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai…

Với nhiều người lao động, cũng chỉ vì làm thêm để tăng thu nhập mà việc chăm sóc con cái không bảo đảm và mối quan hệ trong gia đình cũng bị ảnh hưởng. Anh Vũ Đức Thuận, công nhân đang làm việc tại KCN Quang Minh chia sẻ, thời gian qua, vợ chồng tôi lao vào công việc, dành rất nhiều thời gian để tăng ca, làm thêm với mong muốn tích cóp được một khoản để xây nhà.

Nhưng suy cho cùng, kiếm thêm chẳng được bao nhiêu mà việc chăm sóc con cái chẳng đâu vào đâu. Gần như việc đưa đón con đi học và chăm con vợ chồng anh đều phải nhờ bà ngoại. Có khi trái gió trở trời, con không may ốm đau nhưng vì đang trong giờ làm tăng ca nên hai vợ chồng không thể về. Chưa kể, vì đi làm thêm nhiều về mệt mỏi nên có những lúc vợ chồng đùn đẩy việc nhà cho nhau dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã.

Chính vì thế, anh chị đã ngồi lại với nhau, phân công lại công việc gia đình. Vợ anh đã quyết định chỉ xin làm việc giờ hành chính để có thời gian chăm sóc cho gia đình. Anh Thuận tâm sự, nhiều khi nghĩ, đồng tiền quý thật nhưng giữ được lửa ấm trong gia đình mới là điều quý giá nhất. Từ khi không làm tăng ca, có thời gian chăm lo cho gia đình, cuộc sống hai vợ chồng trở nên vui vẻ, hòa thuận hơn và bà ngoại cũng không phải quá vất vả khi một mình trông nom hai cháu…

Phương án nào nhân văn nhất?

Đóng góp vào Dự thảo Bộ luật Lao động, hiện tại, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đồng ý xem xét mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ như trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đề xuất khi việc chi trả tiền lương làm thêm giờ cho NLĐ được tính theo lũy tiến. Cụ thể, hai phương án thực hiện lương lũy tiến Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất, gồm: Phương án một: a) Vào ngày thường, ít nhất bằng 150% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 200% cho giờ làm thêm thứ 3, 250% cho giờ làm thêm thứ 4; b) Vào ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 250% cho giờ làm thêm thứ 3, 300% cho giờ làm thêm thứ 4; c) Vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% cho 2 giờ làm thêm đầu tiên, 350% cho giờ làm thêm thứ 3, 400% cho giờ làm thêm thứ 4.

Bên cạnh đó, là phương án hai: a) 200 giờ làm thêm đầu tiên, tính như quy định hiện hành (ngày thường; ngày nghỉ; ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương); b) Từ giờ 201 đến giờ thứ 300: Ít nhất bằng 250%; c) Từ giờ 301 đến giờ thứ 400: Ít nhất bằng 300%.

Nhìn chung, tìm các giải pháp hài hòa nhất để NLĐ có được thu nhập khá, bảo đảm cuộc sống, lại vẫn bảo vệ được sức khỏe, sắp xếp được thời gian cho gia đình, bản thân, đó mới là mong mỏi thiết tha nhất của nhiều người. “Vì thu nhập thấp và cuộc sống còn nhiều khó khăn nên tôi mới phải căng mình làm thêm. Nhưng suy cho cùng, cứ quần quật làm tăng ca rồi thêm giờ đến mức sức khỏe suy kiệt nhưng tiền dư dả lại chẳng có là bao mà chuyện tình cảm cũng chẳng đâu vào đâu. Mong rằng, các cơ quan chức năng liên quan và người sử dụng lao động có giải pháp để giúp NLĐ chúng tôi nâng cao thu nhập, bảo đảm một cuộc sống ổn định để không phải căng mình làm thêm. Nhờ đó, chúng tôi có thời gian để tham gia các hoạt động ngoài xã hội, cải thiện đời sống tinh thần và tìm kiếm cơ hội với bạn khác giới để tiến tới hôn nhân”, chị Nghĩa bày tỏ.