Cần sự cạnh tranh công bằng

Việc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXB GDVN) tổ chức hội thảo để giới thiệu rộng rãi bốn bản mẫu sách giáo khoa (SGK) do nhà xuất bản này biên soạn, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) chưa công bố các bộ SGK được lựa chọn, đã khiến dư luận có nhiều ý kiến khác nhau chung quanh vấn đề được xã hội quan tâm thời gian qua.

Sách giáo khoa lớp 1 Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa được lựa chọn. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Sách giáo khoa lớp 1 Chương trình giáo dục phổ thông mới vẫn chưa được lựa chọn. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Dư luận có nhiều ý kiến

Bốn mẫu SGK do NXB này biên soạn vừa giới thiệu, gồm: Kết nối tri thức với cuộc sống; Chân trời sáng tạo; Cùng học để phát triển năng lực; Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục. Đây là bốn trong số năm bản mẫu đã qua hai vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, đang chờ Bộ GD&ĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố.

TS Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, do SGK là tài liệu mang tính pháp lý cao, liên quan nhiều luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác nên Bộ GD&ĐT vẫn đang tiến hành rà soát các điều kiện mang tính pháp lý đối với SGK. Vì vậy, cần thêm thời gian để rà soát lại trước khi trình Bộ trưởng GD&ĐT xem xét phê duyệt.

Như vậy, việc Bộ GD&ĐT chưa công bố nhưng NXB GDVN đã giới thiệu các bộ SGK mới khiến dư luận không đồng tình và cho rằng, dường như NXB GDVN vội vàng muốn chiếm lĩnh thị trường SGK.

Trước đó, ngay từ đầu tháng 9-2019, NXB GDVN còn gửi công văn đến nhiều UBND tỉnh, sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, công ty phát hành sách trên cả nước để quảng cáo sách của mình và “lưu ý” sách của hai NXB khác. Điều này theo ý kiến một số chuyên gia, là “không đẹp” trong cạnh tranh. Cụ thể, trong Công văn số 1180 ngày 9-9, NXB GDVN gửi Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, ngoài việc giới thiệu NXB GDVN thuộc Bộ GD&ĐT có nhiệm vụ tổ chức biên soạn, biên tập, in ấn, sản xuất và phát hành các loại SGK, sách tham khảo còn giới thiệu quá trình biên soạn bốn bộ SGK trên, đồng thời lưu ý địa phương về “đối thủ” của mình.

Theo đó, NXB GDVN lưu ý: ngoài NXB GDVN trực tiếp biên soạn và xuất bản SGK mới còn có Công ty CP Đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) tổ chức biên soạn SGK. Công ty này đăng ký xuất bản tại NXB Đại học Sư phạm Hà Nội và NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Đây là công ty có sự tham gia cổ phần của các cá nhân nguyên là cán bộ của NXB GDVN đã về hưu; để tránh nhầm lẫn trong quá trình phối hợp triển khai công việc, NXB GDVN thông báo VEPIC không phải là đơn vị thuộc hệ thống của NXB GDVN.

Bà Đinh Thị Lụa, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam, xác nhận có nhận được công văn của NXB GDVN từ tháng 9, “nhưng chúng tôi không triển khai” vì “làm theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT”. “Hiện nay, Bộ còn chưa công bố chính thức các bộ SGK được hội đồng thẩm định quốc gia lựa chọn, nhưng NXB GDVN đã “rào” trước như vậy”.

Cần khách quan và công bằng

PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, với vấn đề này, Bộ trưởng GD&ĐT phải có ý kiến để chấn chỉnh, vì NXB GDVN là đơn vị trực thuộc Bộ. Trong bối cảnh xã hội hóa SGK để phá bỏ thế độc quyền SGK, cần thực hiện các điều kiện cạnh tranh bình đẳng giữa các đơn vị làm SGK. Nếu đúng quy trình thì Bộ GD&ĐT sau khi công bố chính thức các bộ SGK, các NXB có SGK được lựa chọn mới tiến hành giới thiệu về bộ sách của mình, việc giới thiệu cũng phải khách quan. NXB GDVN khi giới thiệu bộ SGK của mình cũng không được ỷ thế là đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT để lôi kéo các địa phương lựa chọn.

Trước đó, tại kỳ họp thứ bảy, QH khóa XIV, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK không sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ trưởng Nhạ khẳng định, Bộ cũng ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh độc quyền.

Theo ông Nguyễn Kiểm, nguyên Cục trưởng Xuất bản (Bộ Thông tin và Truyền thông), nguyên Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, việc cấp giấy phép cho sáu NXB (ngoài NXB GDVN) có thêm chức năng xuất bản SGK là bước đi đầu tiên của quá trình tổ chức lại việc xuất bản SGK - một công việc mang tính xã hội nhưng lại chỉ do một đơn vị thực hiện trong nhiều thập kỷ là NXB GDVN. Nếu sáu NXB mới được cấp phép có khả năng huy động nhiều nguồn lực xã hội, tạo được sự tin cậy của đội ngũ tác giả, cộng tác viên có uy tín, sớm thích ứng với việc tổ chức biên soạn SGK sẽ tạo ra cuộc cạnh tranh tích cực với NXB GDVN và người dùng SGK sẽ được hưởng lợi.

Nhưng thực tế, nếu đúng như thông tin NXB GDVN giới thiệu rằng, bốn bản mẫu SGK mà họ giới thiệu nằm trong số năm bản mẫu SGK đã qua hai vòng thẩm định của Hội đồng thẩm định SGK quốc gia, thì có nghĩa SGK mới vẫn chủ yếu do NXB GDVN nắm giữ thị phần. Tức là tính độc quyền xuất bản SGK trong lần thay sách này vẫn cơ bản chưa được phá bỏ.

Đó cũng chính là lo ngại của nhiều người khi tiếp nhận chủ trương một chương trình nhiều SGK, bởi với tiềm lực hùng hậu, hằng năm sản xuất gần 70% sản lượng của ngành xuất bản, cộng với kinh nghiệm lâu năm và bộ máy phát hành trải rộng khắp cả nước, NXB GDVN vẫn có nhiều ưu thế hơn so với các đối thủ khác và câu chuyện độc quyền vẫn tái diễn.