Cần phương thức lựa chọn phù hợp

Việc các trường được chọn sách giáo khoa (SGK) khiến không ít hiệu trưởng và giáo viên lo lắng. Đây vừa là lần đầu tiên đổi mới chương trình, SGK thực hiện phương thức mới, vừa là năm chuyển tiếp Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019…

Để có cơ sở lựa chọn, là giáo viên và học sinh phải được tiếp cận, dạy, học thử nghiệm từng SGK.
Để có cơ sở lựa chọn, là giáo viên và học sinh phải được tiếp cận, dạy, học thử nghiệm từng SGK.

Tránh “đẽo cày”

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư hướng dẫn việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông để lấy ý kiến dư luận. Theo đó, Hội đồng lựa chọn SGK của cơ sở giáo dục phổ thông (hội đồng) do người đứng đầu cơ sở thành lập. Hội đồng phải có đại diện cha mẹ học sinh (HS).

Dự thảo nêu rõ: Người đã tham gia biên soạn, thẩm định SGK của các NXB không được tham gia hội đồng. Người đứng đầu cơ sở giáo dục phổ thông công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông và niêm yết tại cơ sở giáo dục phổ thông trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất là năm tháng…

Lãnh đạo nhiều trường tỏ ra lo lắng. Theo quan điểm chung, giao cho các trường chọn SGK thì người lãnh đạo cần phát huy tối đa quyền lựa chọn của nhà trường dựa trên một hội đồng chuyên môn thật giỏi. Tuy nhiên, nhiều trường đến nay chưa nhận được dự thảo thông tư hướng dẫn cũng như chỉ đạo từ Sở GD&ĐT.

Hiệu trưởng Trường tiểu học Xuân La, quận Tây Hồ (Hà Nội) Nguyễn Thị Tuyết băn khoăn: “Có nhiều bộ sách khác nhau nhưng mỗi bộ sách đều có ưu, nhược điểm. Để chọn được bộ sách đúng là quyền quyết định ở mỗi nhà trường thì phải có hội đồng chuyên môn tốt để ngồi lựa chọn, đánh giá các bộ sách này”.

Theo quy định, việc lựa chọn sách và thành lập hội đồng sẽ có nhiều bên tham dự nên sẽ cần tổng hợp nhiều ý kiến. “Nhiều ý kiến đóng góp có ưu điểm là sẽ tập hợp được chuyên môn cao nhưng lại rất khó thống nhất và dễ lạc vào “mớ bòng bong”. Vì thế, phải có hội đồng chuyên môn tốt để đánh giá, chứ không thể chạy theo hết ý kiến các bên. Tôi đang băn khoăn về việc lựa chọn được bộ sách phù hợp cho trường”, Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Đồng, quận Ba Đình (Hà Nội) Nguyễn Thị Vân Anh chia sẻ.

Theo đại diện nhiều trường, việc đưa ý kiến đại diện cha mẹ HS vào là đúng nhưng khó vì mỗi người một ý, vô hình trung tạo áp lực cho người đứng đầu trường. “Quan trọng nhất là hội đồng gồm các giáo viên chuyên môn thì phải có chính kiến để bảo vệ bộ sách mà mình chọn. Phải đưa ra được lý do xác đáng để mọi người tâm phục khẩu phục, tránh việc đẽo cày giữa đường”, một hiệu trưởng trường tiểu học trên địa bàn quận Cầu Giấy (Hà Nội) nêu quan điểm.

Mong thử cùng sách mới

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng cho rằng, đây vừa là lần đầu tiên đổi mới chương trình, SGK thực hiện phương thức mới, vừa là năm chuyển tiếp giữa Nghị quyết 88 của Quốc hội và Luật Giáo dục 2019, nên ngành giáo dục phải có hướng dẫn để các địa phương, nhà trường có phương thức lựa chọn phù hợp.

Dự thảo thông tư quy định lựa chọn SGK giao Giám đốc Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể tiêu chí để lựa chọn phù hợp địa phương. Ông Nguyễn Xuân Thành, Phó Vụ trưởng Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các tiêu chí chủ yếu lựa chọn như phù hợp điều kiện dạy học, kinh tế, xã hội… của địa phương thì địa phương sẽ xác định phù hợp nhất, nên dự thảo thông tư để cho địa phương xây dựng các tiêu chí này. Về việc có bắt buộc phải dạy thử trước khi chọn hay không, ông Thành cho rằng, Bộ không quy định cứng nhưng chắc chắn việc soạn bài, dạy thử trước khi chọn SGK là vấn đề mà các địa phương và nhà trường sẽ quan tâm.

Thực tế, các nhà trường và giáo viên (GV) đều cho rằng lựa chọn SGK là khâu cuối cùng. Để có cơ sở lựa chọn thì quan trọng là GV và HS phải được tiếp cận, dạy, học thử nghiệm từng SGK. Đến hiện tại, nhiều nhóm tác giả SGK rất muốn tiếp cận với các trường để giới thiệu về sách và chính tác giả viết sách sẽ dạy thử nghiệm cho HS để GV quan sát. Tuy nhiên, nhiều trường cho rằng, ngoài việc tham gia các buổi hội thảo, trao đổi với tác giả, thì GV rất cần được trực tiếp tham khảo, xây dựng bài giảng mẫu để được góp ý, chia sẻ kinh nghiệm, phân tích những điểm cần lưu ý khi sử dụng sách.

Nhiều trường đã chủ động liên hệ các tác giả để trao đổi về một số bài giảng mẫu. Cô Hoàng Ánh Tuyết, giáo viên Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết: “Tiếp cận sớm SGK mới và tham dự các tiết dạy mẫu, dạy thử với sự góp ý, rút kinh nghiệm của chuyên gia, đồng nghiệp thì GV có thể yên tâm nghiên cứu thực hiện đổi mới về phương pháp giảng dạy trước khi chính thức tiếp nhận nhiệm vụ năm học 2020 - 2021”.

Ông Nguyễn Xuân Thành cho biết, theo tiến độ thì khi có thông tư chính thức, nhà trường và GV sẽ có hơn một tháng để làm tất cả những việc liên quan đến chọn SGK, do vậy việc dạy thử các sách mới không khó khăn gì về mặt thời gian. Dự kiến, đến tháng 3-2020, sẽ công bố những cuốn SGK được lựa chọn chính thức.