Cân nhắc tỷ lệ xét tuyển bằng học bạ

Với việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) thay cho kỳ thi THPT Quốc gia, các đại học (ĐH), trường ĐH cũng đồng thời được tự chủ hơn trong việc quyết định các phương án tuyển sinh trong năm 2020.

Nhiều học sinh dự kiến đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Ảnh: TTXVN
Nhiều học sinh dự kiến đăng ký xét tuyển bằng học bạ. Ảnh: TTXVN

Nhiều trường chọn xét tuyển bằng học bạ

Năm 2020, Trường ĐH Giao thông vận tải dự kiến tuyển 4.200 chỉ tiêu cho cơ sở Hà Nội và 1.500 cho cơ sở TP Hồ Chí Minh. Với cơ sở ở Hà Nội, trường sử dụng bốn phương thức. Trong đó, có dựa vào điểm bình quân kết quả học tập năm kỳ THPT (không tính điểm kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển. Tỷ lệ chỉ tiêu 20 - 30%.

Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường Hà Nội dự kiến tuyển sinh 3.250 chỉ tiêu với bốn phương thức gồm tuyển thẳng, trong đó cũng xét theo học bạ. Cụ thể, thí sinh sử dụng kết quả học bạ THPT phải đạt điểm trung bình ba học kỳ (hai học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) theo tổ hợp xét tuyển từ 18 trở lên (bao gồm điểm ưu tiên và làm tròn đến hai chữ số thập phân). Trường ĐH Văn hóa cũng xét tuyển 1.550 chỉ tiêu, trong đó sẽ xét một nửa bằng học bạ THPT. Thí sinh phải đạt điểm trung bình năm học kỳ (trừ kỳ II lớp 12) của ba môn trong tổ hợp xét tuyển từ 18 trở lên.

Tương tự, trong năm phương thức xét tuyển, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh cũng dành 20 - 30% chỉ tiêu (tổng chỉ tiêu năm 2020 của trường là 5.800) xét tuyển quá trình học tập qua học bạ…Trường ĐH Cần Thơ, năm 2020, lần đầu tiên áp dụng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT. Theo kế hoạch, trường tuyển 8.900 chỉ tiêu, trong đó xét tuyển bằng điểm học bạ THPT với điểm trung bình ba môn là 19,5 điểm trở lên cho tất cả các ngành đào tạo (trừ các ngành đào tạo giáo viên) với 40% chỉ tiêu.

Thực tế cho thấy, rất nhiều trường sử dụng điểm học bạ THPT để xét tuyển. Bởi lẽ, trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức thi riêng rất khó để các trường có đủ nhân lực và điều kiện thực hiện. Hơn nữa, nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng thì phiền hà cho thí sinh. “Nhiều ý kiến cho rằng sử dụng điểm học bạ năm lớp 12 không chính xác thì dùng kết quả học của cả ba năm cấp THPT. Điều quan trọng là hiện nay Bộ GD&ĐT đang đẩy mạnh kiểm định chất lượng và công bố cho xã hội biết, nên chất lượng đào tạo mới là vấn đề sống còn của các trường ĐH”, lãnh đạo một trường ĐH phía bắc chia sẻ.

Chất lượng đào tạo giữ vai trò quan trọng

Việc tăng tỷ lệ xét tuyển học bạ thực tế có thể tăng khả năng trúng tuyển cho thí sinh và vẫn phù hợp quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, nếu lạm dụng phương thức xét tuyển này cũng để lại nhiều nỗi lo. Nỗi lo lớn nhất khi tỷ lệ xét học bạ cao là thí sinh ảo. Thông thường, thí sinh đăng ký xét tuyển học bạ cũng có đăng ký xét tuyển theo các phương thức khác và đăng ký khá nhiều nguyện vọng. “Các kỳ tuyển sinh qua cho thấy, nếu trúng tuyển theo phương thức dựa vào kết quả thi, phần đông thí sinh chọn phương thức này chứ không chọn phương thức xét học bạ. Điều đó dẫn đến tình trạng thí sinh ảo”, cán bộ làm công tác tuyển sinh Trường ĐH Giao thông vận tải Hà Nội cho biết.

Theo nhiều chuyên gia, một thực tế chung là mức độ tin tưởng về chất lượng thí sinh được sàng lọc sau kết quả thi cao hơn so xét tuyển học bạ. Thực tế khách quan trong đánh giá kết quả học tập của mỗi trường, mỗi địa phương khó giống nhau và vừa qua cũng còn xảy ra nhiều tiêu cực trong việc chạy điểm, thành tích trong khi vấn đề bảo đảm chất lượng giáo dục thời gian qua chưa thật sự tốt.

Điều dễ thấy là các trường ĐH ở top trên hiếm khi sử dụng phương thức xét tuyển học bạ. Dù có thể nâng ngưỡng điểm đầu vào lên đến 20 - 25 điểm, các đơn vị vẫn ít sử dụng phương thức này bởi chưa thật sự an tâm về chất lượng đầu vào. Trong khi đó, không chỉ với thí sinh mà ngay cả với cơ sở đào tạo, việc tuyển đầu vào thiếu chất lượng ảnh hưởng không hề nhỏ đến chất lượng đào tạo. Điều đó cũng đồng nghĩa các trường cần cân nhắc kỹ trong việc cơ cấu tỷ lệ xét tuyển theo phương thức học bạ.

Tại Hội nghị tuyển sinh vừa qua, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ từng cảnh báo, kết quả học bạ giữa các vùng miền rất khác nhau, có những vùng học bạ rất “long lanh” nhưng chưa chắc chất lượng đã cao. Do đó, những trường ĐH dành nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển bằng học bạ phải rất chú ý. Cùng với đó, dù được tự chủ xét tuyển nhưng các trường phải xem xét kỹ để đưa ra tổ hợp xét tuyển phù hợp, không thể đưa ra những tổ hợp lạ gây xôn xao cho xã hội rồi rút lại. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, chất lượng đào tạo nhân lực có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của đất nước, không chỉ ở khâu đầu vào (tuyển sinh) mà các trường ĐH cần nâng cao chất lượng đào tạo, tư vấn và cung cấp nguồn nhân lực. Do đó, ngay trong mùa tuyển sinh này, các trường ĐH cần tăng cường dự báo ngành nghề để học sinh nắm rõ.