Bố mẹ xa nhà, con “xa” trường

Nhiều cặp vợ chồng đã lựa chọn giải pháp gửi con cái ở quê nhà để đi làm xa hoặc đi xuất khẩu lao động. Ước mong gia đình khấm khá, con cái có điều kiện vật chất cho tương lai.

Nhiều thanh, thiếu niên thường tụ tập chơi game trên điện thoại ở quán cà-phê.
Nhiều thanh, thiếu niên thường tụ tập chơi game trên điện thoại ở quán cà-phê.

Không hoàn thành việc học

“Vất vả lao động, chờ trái ngọt là con cái chăm ngoan, học hành. Nhưng ngọt chưa thấy, chỉ thấy đắng bộn bề”, đó là lời than của ông Ngô Văn Phương ngụ Điện Dương Đông, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông Phương vào TP Hồ Chí Minh làm phụ hồ, vợ vào giúp việc nấu nướng cho tổ thợ xây, gửi tiền về quê cho hai con ăn học. Đứa lớn 17 tuổi, đứa nhỏ 12 tuổi, có ông bà nội ngoại ở gần. Nhưng kết quả, cậu con trai đang học dở lớp 12 bỏ nhà hơn một tháng nay chưa về…

Nhiều quán cà-phê đã trở thành địa điểm tụ tập chơi game trên điện thoại di động của nhiều học sinh (HS), hoặc nhiều em đã thôi học ra quán “cày” game trên điện thoại. Nguyễn Văn Hoàng, trú tại phường Cẩm An, Hội An, HS lớp 11, cho biết: “Chơi game trên máy tính mỗi giờ phải trả nhiều tiền hơn. Thay vì chơi ở đó, em vào quán cà-phê chỉ mua lon nước ngọt khoảng hơn 10 nghìn đồng - là tiền ăn sáng được phát mỗi ngày, chơi cả buổi mà không lo sợ lạm phát”.

Nói về chuyện HS vắng lớp, cô Võ Thị Tính, giáo viên THCS huyện Tiên Phước, Quảng Nam cho biết: “Tôi báo cáo nhà trường, nhắn với gia đình. Nhưng không có hồi âm, tôi tìm đến nhà chỉ gặp ông bà của cháu, ba mẹ cháu đều đi làm ăn xa trong miền nam. Tôi gọi điện thoại, nói chuyện trực tiếp với bố mẹ HS. Cha mẹ cháu trả lời rằng, con họ không chịu học thì nó sẽ làm công việc nặng nhọc. Nó khỏe mạnh là được, chúng tôi tha hương cầu thực, không ước mơ chi nhiều”. 

Lời khuyên từ giáo viên đối với phụ huynh HS là con cái cần được ở bên bố mẹ, để được dạy dỗ và giám sát nhiều hơn. Các em mẫu giáo, tiểu học cần tình thương, sự vỗ về. Lứa tuổi THCS và THPT cần được lắng nghe, trao đổi kỹ năng và sửa những lời ăn tiếng nói. Ra thành phố lớn lao động hay đi xuất khẩu nước ngoài cũng cần cân nhắc gia đình, con cái của mình. Cô Lê Thị Yến, giáo viên THCS huyện Nông Cống, Thanh Hóa, tâm sự: “Em gái tôi làm một cái nhà to lắm. Làm xong rồi nợ, rồi đi lao động xuất khẩu bên Nhật Bản hai năm nay với lý do kiếm tiền trả nợ. Từ năm ngoái đến giờ, sau những đợt nghỉ học vì giãn cách và học trực tuyến, cháu con nhà em tôi không muốn đến trường, đến lớp nữa. Tôi rất lo lắng”.

Bố mẹ nhận trái đắng tương lai

Những quán cà-phê xa trường học luôn là điểm đến “ăn sáng” của một số HS. Ở nhà, các em mặc đồng phục, có bảng hiệu tên trường, nhưng đến quán, các em vào toilet cởi bỏ đồng phục, cất đi. “HS cuối cấp 2, đầu cấp 3, đang thời kỳ lớn lên nhanh, thay đổi tâm lý rất mạnh, các em học điều tốt thì lâu, điều xấu thì nhanh. Chúng tôi mong phụ huynh ở bên con, nói lời yêu thương với con mình, uốn nắn nhẹ nhàng và chỉ ra những trách nhiệm học hành, vâng lời. Đấy mới là một tương lai tốt”, cô Võ Thị Tính quan ngại về tình trạng cha mẹ xa nhà vì mục đích kinh tế, lo cho con cái.

Không phải bố mẹ nào đi làm ăn xa, con cái đều bỏ học lêu lổng. Việc đem theo con đến các thành phố lớn để học hành và được gần cha mẹ là chuyện khó. Với những người làm thợ xây, thợ hồ, theo công trường, ở lán trại lại càng khó khăn hơn.  Người đi lao động nước ngoài lại càng không thể mang con đi cùng. Bố mẹ xa nhà, thương con nên mua cho con điện thoại thông minh, vô tình đẩy con mình vào thú vui game online. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo, có tới 70 - 80% trẻ em từ 10 - 15 tuổi thích game online. Tháng 6-2019, WHO đã chính thức bổ sung chứng nghiện game là một bệnh lý tâm thần trong danh sách cập nhật phân loại bệnh quốc tế (ICD).

Mỗi giai đoạn trưởng thành của con cái luôn cần cha mẹ bên cạnh với lời động viên, khuyên nhủ, uốn nắn hành vi kịp thời. Phân tích tâm lý lứa tuổi này, vì sao cần có cha mẹ bên cạnh? Ths Tâm lý học Vũ Thu Hà - Viện Nghiên cứu đào tạo và Can thiệp tâm lý Việt Nam (VPIT) phân tích: “Lứa tuổi vị thành niên (cấp 2 và 3), nhu cầu chia sẻ tâm sự rất lớn, nếu bố mẹ ở xa, nguy cơ trẻ không cảm thấy tích cực. Ngược lại, trẻ dễ có ý nghĩ cảm thấy cô độc, ảnh hưởng đến sự trưởng thành sau này. Cho nên cần bố mẹ bên cạnh, cần có những trao đổi, giám sát và tránh cho trẻ không bị rủ rê... vào những tệ nạn”.

Còn cô giáo Lê Thị Yến cho lời khuyên: “Bố mẹ cần dành thời gian quan sát các sinh hoạt, cách chơi của con mình, kịp thời phát hiện những vấn đề bất thường, quản lý thời gian, lập thời gian biểu hằng ngày để con cái thực hiện theo”. Nhiều thầy cô giáo cũng như phụ huynh có cùng quan điểm rằng, lứa tuổi thanh, thiếu niên rất cần bố mẹ bên cạnh, bố mẹ cũng nên dành nhiều thời gian trò chuyện, tâm sự, làm bạn với các cháu, khuyến khích các cháu tham gia những hình thức giải trí cộng đồng, các hoạt động thể chất tích cực.