Bó chổi thoát nghèo

Từ Trung tâm Văn hóa huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, vượt gần 30 km đường quê, chúng tôi tìm đến xã Phú Bình, nơi con sông Hậu hiền hòa. Nắng lên, nhà nhà đã bắt tay vào công việc.

Sản phẩm chổi Phú Bình.
Sản phẩm chổi Phú Bình.

Miền quê mới

Đi trên đường xã khang trang, nhiều người có cảm nhận, cỏ ở đây cũng khác, thân to và cao quá đầu người. Thì ra, cỏ cũng được trồng và chăm sóc để làm thức ăn cho gia súc. Người dân không chỉ trồng cỏ nơi sau vườn nhà mà còn tận dụng phần đất sát lề hai bên đường để vừa làm kinh tế, vừa tạo cảnh quan và làm dịu đi cát bụi đường sá. Hiện nay, xã có khoảng 220 con trâu, bò do hơn 60 hộ chăn nuôi. Người dân nơi đây vẫn biết tận dụng nguồn phân trâu, phân gà để bón lót thay cho phân hữu cơ mà giá cả trên thị trường ngày một tăng vọt. Những mảnh lúa xanh non mượt, cây trái ven đường tươi trong sắc nắng.

Tìm hiểu đời sống địa phương, chúng tôi còn được biết, thanh niên xã Phú Bình có những hoạt động tình nguyện thiết thực, như tháng thanh niên, mùa hè xanh, hay những hoạt động để chào mừng những ngày lễ lớn. Một trong những hoạt động nổi bật của Đoàn thanh niên xã là sửa chữa cầu đường và cắt tóc tình nguyện. Chúng tôi gặp ngay đội tình nguyện của xã đang cắt tóc miễn phí cho các đoàn viên là học sinh phổ thông trong xã, có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Anh Bùi Văn Nho, chủ nhiệm CLB hớt tóc tình nguyện chia sẻ: “Hầu hết các anh em trong CLB đều nằm trong tuổi đoàn và là thanh niên trong xã, chỉ riêng tôi là đã quá tuổi đoàn. Mỗi người đều có một tiệm cắt tóc riêng, khi nào địa phương có nhu cầu, hay vào “mùa” là chúng tôi lại tụ họp và đi “hành nghề”. Một em học sinh vừa được tân trang đầu mới rụt rè nói: “Em thấy cắt tóc không tốn tiền mà các anh chị hớt cũng đẹp lắm!”.

Gần 200, chỉ còn bảy hộ nghèo

Ấp Bình Thạnh (còn gọi là Cồn Nhỏ) nổi tiếng với làng nghề truyền thống “bó chổi bông sậy”. Làng nghề có 500 hộ, trước sân nhà nào cũng phơi đầy những ống tre, trúc đã được chuốt nhọn và gọt bóng nhẵn, bên những sợi dây bẹ, dây lác vắt vẻo.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa thông tin xã Phú Bình, trước đây, ấp Bình Thạnh rất nghèo, do ít ruộng đất canh tác, lại không có cơ sở kinh doanh nên đời sống người dân trong xã rất khó khăn. Từ một số hộ lẻ tẻ làm chổi, do truyền thống gia đình để lại. Thấy có hiệu quả, các hộ khác cũng bắt đầu học nghề và mở cơ sở làm cá thể.

Hiện nay, hầu hết các hộ gia đình trong ấp đều bó chổi, vài hộ làm lâu năm đã mở rộng cơ ngơi, thu nhận thêm lao động, tổ chức sản xuất chuyên môn theo từng khâu, đem lại năng suất lao động cao. Việc hình thành làng nghề thủ công truyền thống bó chổi bông sậy, đã giúp ấp Bình Thạnh từ gần 200 hộ nghèo, giờ đây ấp chỉ còn bảy. Ấp còn được công nhận là ấp văn hóa của xã. Nguồn lao động trong xã không phải “chảy” đi những nơi khác làm thuê, làm mướn.

Chị Cao Thị Giàu, công nhân trong một cơ sở bó chổi tâm sự: “Tôi biết bó chổi từ khi còn rất nhỏ, nhưng do không có vốn để ra nghề, nên lúc trước, sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi phải lên Bình Dương để đi làm công nhân, xa quê nên con cái chẳng được đi học, từ ngày trong ấp có xưởng làm, vợ chồng tôi kéo nhau về quê để làm cho tiện, gần mồ mả ông bà, rồi con cái lại tiện bề học hành. Ở quê, chi tiêu mọi thứ cũng đỡ tốn kém hơn, khi nào dành dụm đủ vốn, gia đình tôi sẽ tự mở xưởng làm”.

Không chỉ giải quyết công ăn việc làm cho lực lượng lao động trong ấp, xã, với nghề bó chổi bông sậy, nhiều hộ gia đình đã và đang vươn lên làm giàu. Ghé thăm cơ sở bó chổi của ông Nguyễn Ngọc Ẩn, một cơ sở sản xuất lớn trong ấp, ông cho biết: “Tôi mở xưởng này đã hơn 10 năm, cơ sở của tôi thu nhận 40 công nhân làm việc, giờ làm mỗi ngày từ 5 giờ sáng đến 3 giờ chiều, tiền công 200 nghìn đồng/ngày, với giá chổi từ 30 - 35 nghìn đồng, tùy theo loại. Trừ chi phí nguyên vật liệu và thuê mướn nhân công, với tiêu chí lấy công làm lời, hằng năm gia đình tôi thu nhập khoảng 200 triệu đồng”.

Nhìn nét mặt rạng rỡ, cùng những tiếng nói, tiếng cười rộn vang của các bác, các anh, các chị hòa lẫn trong những động tác thuần thục, đủ biết cuộc sống của họ đang êm ấm và khởi sắc như tia nắng mới chạm mùa.