Biến nọc gây chết người thành thuốc chữa bệnh

Với công trình “Xây dựng quy trình chiết xuất nọc ong và đánh giá tác dụng dược lý theo hướng sử dụng hỗ trợ điều trị viêm khớp”, một nhà khoa học nữ thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, đã nghiên cứu chế tạo thiết bị chiết xuất nọc ong để trang bị cho các trang trại ong, làm nguyên liệu hóa dược trong nước và tăng thu nhập cho người nuôi. Đề tài đã đạt giải nhì trong số 44 Giải thưởng Sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2019.

PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Mai (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự.
PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Mai (ngoài cùng bên trái) cùng các cộng sự.

“Thuốc tốt” chữa nhiều bệnh

Hiện cả nước có khoảng 26.000 người nuôi ong và sản phẩm khai thác gồm có mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa và sáp ong. Trong khi đó, các trang trại nuôi ong trên thế giới thường kết hợp nuôi ong lấy mật và chiết xuất nọc ong để làm nguyên liệu sản xuất dược phẩm và mỹ phẩm. Có thể nói, ngành ong mật nước ta đang bỏ qua nguồn dược liệu giá trị này.

Theo phân tích của Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), lượng nọc gây chết người trung bình của nọc ong cho một người trưởng thành là 2,8 mg nọc trên 1 kg cân nặng (thí dụ một người nặng 60 kg có 50% cơ hội sống sót khi bị tiêm tổng cộng 168 mg nọc ong). Tuy nhiên, nếu dùng ở một lượng nhỏ, nọc ong có thể có lợi trong việc chữa một số lượng lớn các bệnh nhẹ.

PGS,TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Trưởng Khoa Hóa học, Trường đại học Khoa học Tự nhiên, chủ nhiệm công trình, cho biết: “Tùy loại bệnh và người bệnh (qua thăm khám, xét nghiệm chặt chẽ) mà dùng hỗn hợp liều lượng nhất định đơn vị ong (Apitoxin: Unité d’ apitoxine theo Ioirich, 1ml = 5 đơn vị) với novocain hoặc vitamin C phối hợp novocain để thủy châm trên các huyệt chỉ định thuộc kinh mạch (không phải đau đâu châm đó). Nghiên cứu của chúng tôi trên 156 người bệnh (được chữa trong bốn năm) cho thấy: người bệnh thấp khớp đỡ đau, đỡ sưng nhiều; bệnh hen ít lên cơn, hạ cơn, hoặc cơn nhẹ; thần kinh ngoại biên đã bị tê đau liệt có thể hồi phục công năng; huyết áp không dao động; người bệnh đỡ đau đầu, ngủ tốt...

Công trình khoa học của nhà khoa học nữ này còn thể hiện, các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Mỹ, Nga… đã nghiên cứu rất nhiều về các phương pháp chiết xuất nọc ong cũng như ứng dụng nọc ong trong y học và mỹ phẩm. Ngoài tác dụng giảm đau, chống viêm khớp, nọc ong cũng được dùng rộng rãi trong một số bệnh liên quan đến miễn dịch và điều trị khối u. Một số tế bào ung thư, trong đó có ung thư thận, phổi, gan, tuyến tiền liệt, bàng quang và ung thư vú, cũng như ung thư bạch cầu, có thể là mục tiêu cho các peptide của nọc ong như melittin và phospholipase A2. Độc tính lên tế bào thông qua việc hoạt hóa PLA2 bởi melittin được xem như cơ chế có tính quyết định đến hoạt tính kháng ung thư của nọc ong, đặc biệt là ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.

Nghiên cứu đầu tiên thực hiện tại Việt Nam

Trình bày trước hội đồng, PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Mai đã chứng minh, nọc ong được chiết xuất bằng phương pháp sốc điện sử dụng bộ dụng cụ BVC 0412, IGK electronics, Bulgaria. Sử dụng phương pháp chiết xuất này không làm chết ong, dễ dàng loại bỏ các tạp chất. Nọc ong thô được tinh chế đơn giản bằng cách hòa tan trong nước cất, lọc bỏ cặn bẩn không tan, sau đó đem đông cô ở -200C sẽ thu được nọc ong tinh sạch. Các thành phần chính của nọc ong như apamin, phospholipase A2 và melittin được xác định bằng phương pháp RP-HPLC/Q-TOF. Các kết quả cho thấy nọc ong chiết xuất ở Việt Nam có thành phần tương tự như nọc ong của hãng Sigma Aldrich hoặc các vùng khác như Latvia, Szolnok... Đây là nghiên cứu lần đầu tiên được thực hiện tại Việt Nam về quy trình chiết xuất, tinh chế, phân tích thành phần, xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cơ sở của nọc ong cũng như đánh giá độc tính cấp, độc tính bán trường diễn và tác dụng kháng viêm, giảm đau của nọc ong trên động vật thực nghiệm.

Trên cơ sở kết quả này, hiện nhóm đang nghiên cứu bào chế, đánh giá tác dụng chống viêm giảm đau của thuốc thủy châm (tiêm vào huyệt) và cao xoa ngoài chiết xuất từ nọc ong trên thực nghiệm và trên bệnh nhân đau lưng, viêm quanh khớp vai và thoái hóa khớp gối để phát triển thuốc điều trị bệnh viêm khớp từ nọc ong, vốn đã và đang được sử dụng trong dân gian nhưng chưa có cơ sở khoa học.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Thanh Mai, tỷ lệ bệnh viêm khớp nói chung và viêm khớp dạng thấp (Rheumanoid arthritis) hiện nay ở nước ta rất cao, chiếm 0,5 - 1% dân số, chi phí điều trị khoảng 10 tỷ đồng/năm. Việc chiết xuất nọc ong làm nguyên liệu hóa dược và hóa mỹ phẩm sẽ góp phần giảm chi phí nhập khẩu thuốc và tăng thu nhập của người nuôi ong vì giá thành nọc ong cao hơn mật ong rất nhiều lần. Ngoài việc phát triển thuốc điều trị viêm khớp, nọc ong còn có nhiều tác dụng sinh học khác cần nghiên cứu như: ung thư, cao huyết áp, hen suyễn, cai nghiện thuốc lá, ma túy, chống lão hóa.