Bất ổn trong xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa ban hành Dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp, nhưng sau đó đã thừa nhận sai sót về nội dung của văn bản này. Sự việc xảy ra, không phải là lần đầu đối với Bộ GD&ĐT. Đặc biệt, thực trạng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện nay tại các bộ, ngành đều cho thấy sự bất ổn.

Văn bản hành chính được xây dựng có nội dung trái luật có thể làm phát sinh phiền hà, phức tạp cho người dân đi làm thủ tục hành chính. Ảnh: NG.HẢI
Văn bản hành chính được xây dựng có nội dung trái luật có thể làm phát sinh phiền hà, phức tạp cho người dân đi làm thủ tục hành chính. Ảnh: NG.HẢI

Thể hiện trách nhiệm đối với dân

Trong dự thảo có quy định, sinh viên sư phạm bán dâm đến lần thứ tư sẽ bị buộc thôi học. Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng hành vi mua dâm và bán dâm bị pháp luật nghiêm cấm, được quy định tại Điều 4 của Pháp lệnh phòng, chống mại dâm được Ủy ban Thường vụ QH ban hành tháng 10-2003. Nghị định 178/2004/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định xử lý vi phạm hành chính đối với người có hành vi bán dâm quy định tại Điều 23 của pháp lệnh. “Đã cấm thì làm gì có lần thứ nhất hay lần thứ tư. Người hoạt động mại dâm sẽ bị xử lý hành chính hoặc hình sự dù là lần thứ nhất hay thứ hai. Theo tôi, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định như thế này trong dự thảo là đang làm trái luật. Thông tư do Bộ GD&ĐT ban hành là văn bản dưới luật và không thể trái với pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ QH về phòng, chống mại dâm”, luật sư Nga nói.

Bên hành lang QH sáng 30-10, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, quan điểm của Bộ GD&ĐT là sai phải sửa và kiên quyết sửa. Ông Nhạ cũng khẳng định sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm cá nhân trong ban soạn thảo có liên quan việc này.

Trước đó, đầu tháng 10, Bộ GD&ĐT cũng đưa ra Dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục, nhằm ngăn chặn những tiêu cực xảy ra trong môi trường giáo dục. Trong đó, Điều 32 của dự thảo quy định: “Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi xâm phạm thân thể người học”. Nếu dự thảo được thông qua, theo các luật sư, Điều 32 của nghị định sẽ chồng chéo những quy định của luật hiện hành.

Ngày 24-9, sau khi dư luận bức xúc về sách giáo khoa độc quyền và lãng phí nhiều năm, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng ra chỉ thị về việc học sinh không viết, vẽ vào sách, gây lãng phí đã gây nhiều bất bình trong đội ngũ giáo viên và đông đảo phụ huynh, học sinh.

Luật sư Nguyễn Thị Hằng Nga nói: “Một văn bản bị người dân phản ứng bởi nó đầy lỗi, khó hiểu, khó áp dụng thì đó là một văn bản thất bại. Một phần nó cũng thể hiện năng lực, trách nhiệm của cơ quan ra văn bản đối với người dân”.

Phải có trách nhiệm bồi thường

Thời gian gần đây, qua kiểm tra văn bản do các bộ, ngành, địa phương ban hành, Bộ Tư pháp đã phát hiện hơn 5.600 văn bản trái pháp luật. Trong đó, có tới hơn 1.200 văn bản trái pháp luật về thẩm quyền ban hành và nội dung; hơn 3.800 văn bản sai sót về căn cứ pháp lý, thể thức kỹ thuật trình bày văn bản; gần 600 văn bản không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng có chứa quy phạm pháp luật.

“Số lượng văn bản trái pháp luật được phát hiện ở các lĩnh vực khác nhau khá lớn, gây ra những thiệt hại, tác động tiêu cực đến các quan hệ xã hội trong đời sống kinh tế - xã hội”, Bộ Tư pháp nhấn mạnh.

Bộ Tư pháp đánh giá văn bản trái pháp luật được phát hiện ở tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nội dung trái pháp luật đa dạng, “ảnh hưởng lợi ích của Nhà nước và quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân” với các mức độ khác nhau. Theo đó, văn bản trái luật thường có tác động “tiêu cực đa chiều”, vừa làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, vừa ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Chẳng hạn, một số văn bản quy định về thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền làm phát sinh chi phí về hồ sơ, giấy tờ, thời gian để thực hiện. Điều này có thể phát sinh phiền hà, phức tạp trong quá trình người dân đi làm thủ tục hành chính. Một số văn bản có nội dung trái luật đưa vào thực thi gây thiệt hại về kinh tế, thời gian, công sức của người dân, doanh nghiệp, phát sinh khiếu nại, khiếu kiện.

Bộ Tư pháp cũng nhắc đến các quy định kiểu không cho phép học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn nghệ thuật tại vũ trường, quán karaoke; quy định trong văn bản chưa sát thực tế, mang tính cấm đoán, có biểu hiện “ngăn sông cấm chợ” đối với cá nhân tham gia giết mổ, vận chuyển, chế biến, buôn bán gia súc, gia cầm.

Bộ Tư pháp lưu ý, nội dung văn bản trái luật kể trên nếu không được xử lý kịp thời sẽ tác động tới quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Nhất là, trong bối cảnh hiện nay, pháp luật chưa có quy định về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong trường hợp ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật gây thiệt hại.

Đặc biệt, Bộ Tư pháp lo ngại văn bản trái luật liên quan các cam kết quốc tế sẽ gây phản ứng của đối tác nước ngoài và có thể dẫn đến các vụ kiện cơ quan Nhà nước Việt Nam, làm ảnh hưởng hình ảnh và uy tín của Việt Nam.

Văn bản trái pháp luật còn làm phát sinh chi phí phục vụ quá trình xử lý “văn bản trái pháp luật”. Dù chưa có con số chính thức, nhưng dựa trên số lượng văn bản trái luật được phát hiện thì Bộ Tư pháp nhìn nhận “con số này là khá lớn”. Trong đó, có chi phí giải quyết hậu quả khi có khiếu nại, khiếu kiện kéo dài do văn bản trái luật gây ra. “Về lâu dài, văn bản trái luật không được xử lý kịp thời sẽ làm mất niềm tin vào sự công bằng, nghiêm minh của pháp luật, giảm ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường”, Bộ Tư pháp cảnh báo.

Trước tình trạng trên, Bộ Tư pháp đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo các cơ quan liên quan sớm trình Quốc hội dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó hoàn thiện cơ chế xử lý văn bản trái pháp luật nhanh chóng, triệt để. “Nghiên cứu, đề xuất cơ chế trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong việc ban hành và thi hành văn bản trái pháp luật”, Bộ này kiến nghị.