Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

Ngày càng nhiều gia đình phụ thuộc vào công nghệ và các giải pháp số để duy trì việc học tập của con cái, giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài. Nhưng không phải cha mẹ nào cũng kiểm soát hết được nội dung con mình theo dõi trên các thiết bị số. Và không phải đứa trẻ nào cũng có kiến thức, kỹ năng cần thiết để bảo vệ bản thân an toàn trên môi trường mạng.

Cần trang bị cho trẻ em những kỹ năng bảo vệ bản thân trong môi trường mạng. Ảnh tư liệu
Cần trang bị cho trẻ em những kỹ năng bảo vệ bản thân trong môi trường mạng. Ảnh tư liệu

Bật điện thoại mới chịu ăn!

Chị Nguyễn Thị Dung (Ba Đình, Hà Nội) vừa chuyển clip trên chiếc smartphone, vừa tranh thủ đút cho cô con gái 5 tuổi từng thìa phở. Đây là cảnh thường thấy mỗi buổi sáng cuối tuần ở nhiều hàng phở trên các con phố Thủ đô. Con gái cứ nhìn chằm chằm vào màn hình, còn mẹ tranh thủ cho con ăn. Được vài miếng, cháu đòi mẹ đổi sang chương trình khác, chị Dung răm rắp làm theo. Gần hết nửa bát phở, chị phải đổi đến khoảng chục clip trên điện thoại… Dù các chuyên gia khuyến cáo trẻ trong độ tuổi từ 2 - 5 tuổi thì thời gian tiếp xúc màn hình là 1 giờ/ngày và có cha mẹ cùng xem để giúp trẻ liên hệ với thực tế, nhưng vì sợ con không đủ dinh dưỡng nên chị nhắm mắt cho qua, “để sau này cháu lớn rồi điều chỉnh dần”.

Trong những tháng nghỉ dịch Covid-19, nhiều cha mẹ sử dụng điện thoại, ipad để “trông con”. Nhiều cha mẹ cho con cái mình sử dụng điện thoại, máy tính bảng để chơi games, lướt mạng xã hội vô tội vạ… và hậu quả là không thể tách con mình khỏi điện thoại được nữa. Đi làm cả ngày, nhưng hễ về nhà, vợ chồng anh Hà Văn Đồng (Thanh Xuân, Hà Nội) phải “nhường” con trai sáu tuổi và bé gái bốn tuổi những chiếc smartphone của mình để chúng chơi gì tùy ý muốn. Bởi có điện thoại là chúng ngoan, không quấy, không nghịch ngợm gì cả… Còn những ngày nghỉ, con cái gần như chiếm điện thoại bố mẹ cả ngày, “nhiều khi bực mình, muốn rèn dạy con, nhưng không có điện thoại là mặt nó lại xị xuống, làm mình làm mẩy không ăn uống… nên lại phải nhường”, anh Đồng cho biết. Nhiều khi cha mẹ muốn lấy lại điện thoại để gọi điện một lúc, thì cũng phải “nịnh” thì chúng mới chịu đưa.

Hàng triệu trẻ em được hưởng lợi từ các dịch vụ công nghệ thông tin, nhưng chính mạng internet cũng làm gia tăng tỷ lệ trẻ em bị lạm dụng tình dục, bị vướng vào các tệ nạn xã hội, là nạn nhân của bạo hành, lợi dụng... Dành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ em dễ bị dụ dỗ và lừa gạt. Kết quả thăm dò ý kiến trẻ em và thanh thiếu niên của UNICEF tại Việt Nam cho thấy, 1/5 số trẻ em được hỏi cho biết mình đã từng là nạn nhân của đe dọa trực tuyến trên mạng internet. Không có người lớn kiểm soát khi sử dụng mạng, trẻ em rất dễ truy cập vào các trang thông tin xấu, độc, nguy hại thường được gửi kèm hoặc hiển thị trong những phần mềm trò chơi, xem phim... Đáng nói là nhiều mã độc với hình ảnh, nội dung bạo lực được “cố ý” chèn vào những clip dành cho trẻ em. Trong khi đó, cũng theo khảo sát của UNICEF, hơn 75% số trẻ thanh thiếu niên ở Việt Nam không biết tìm kiếm sự giúp đỡ ở đâu, theo số điện thoại, địa chỉ nào khi cần trợ giúp về những vấn đề trên mạng.

Cần những giải pháp số

Đề cập đến các giải pháp bảo vệ an toàn cho trẻ em trên môi trường mạng, nhiều chuyên gia cho rằng cần trang bị cho trẻ em những kỹ năng bảo vệ bản thân. Bên cạnh đó, thúc đẩy xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ học tập, tương tác sáng tạo, lành mạnh cũng là công cụ hiệu quả giúp trẻ em tránh xa những nội dung độc hại trên môi trường mạng.

Tại hội thảo lấy ý kiến, góp ý xây dựng Đề án “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác sáng tạo, lành mạnh trên môi trường mạng” giai đoạn 2020 - 2025 do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 28-5 vừa qua, bà Lesley Miller, Phó Trưởng đại diện của UNICEF tại Việt Nam, khẳng định: “trẻ em phải là trung tâm của những giải pháp. Trẻ em Việt Nam kết nối online ngày càng nhiều. Các em cần phải biết cách tự bảo vệ mình cũng như biết rằng không được lạm dụng các bạn khác”. Cũng theo bà Miller, cần có những giải pháp mang tính chất liên ngành, đồng thời không được làm giảm cơ hội học tập, khám phá với nguồn thông tin số trong khi đưa ra các biện pháp bảo vệ trẻ em trên không gian mạng. Đại diện UNICEF cho biết, cơ quan này cũng đang phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa các kỹ năng tự bảo vệ vào lớp học.

Các chuyên gia tin học cho rằng, internet mang lại cơ hội học tập tuyệt vời cho trẻ em, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Trẻ em có khả năng tự chủ và nhận định nguy cơ rủi ro thấp hơn so người lớn, nên cha mẹ cần bình tĩnh hướng dẫn cho con, tự mỗi gia đình phải có những quy ước thỏa thuận về thời gian, nội dung, trang web mà con được xem. Với kinh nghiệm nhiều năm đào tạo nhận thức an toàn mạng, chuyên gia tin học Ngô Việt Khôi cho rằng, bố mẹ thường có xu hướng kiểm soát con, nhưng đa phần lại không biết đến những tính năng quản lý con qua internet mà chỉ thông qua quan sát, kiểm tra một cách trực tiếp. “Từ phụ huynh đến con cái, chúng ta đều là công dân số, vì vậy hãy hành xử, trau dồi kỹ năng, kiến thức giúp con bước vào thế giới số đi đúng hướng, trải nghiệm hữu ích”, ông Khôi chia sẻ.