Báo động tình trạng kháng kháng sinh trong điều trị

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, khi đã có sự xuất hiện của loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc.

Thói quen mua kháng sinh không cần đơn của một bộ phận người dân làm cho tình trạng kháng thuốc trở nên trầm trọng. Ảnh: HẢI NGUYỄN
Thói quen mua kháng sinh không cần đơn của một bộ phận người dân làm cho tình trạng kháng thuốc trở nên trầm trọng. Ảnh: HẢI NGUYỄN

Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới T.Ư hiện tại đang điều trị cho ba bệnh nhân với các tình trạng bệnh cảnh khác nhau, nhưng đều nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc. Các bác sĩ cho biết, ba bệnh nhân này đều phải điều trị lâu dài với chi phí rất tốn kém.

Bác sĩ Trần Văn Giang, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư cho biết: “Khâu điều trị đang khá vất vả bởi tình hình bệnh nhân đa kháng. Chúng tôi phải lựa chọn những thuốc kháng sinh có phổ rất rộng và theo đúng hướng dẫn của kháng sinh đồ. Thậm chí, chúng tôi còn phải kết hợp thêm kháng sinh thì tình trạng viêm, nhiễm trùng của bệnh nhân mới có thể được cải thiện”.

Tình trạng bệnh nhân kháng thuốc cũng diễn ra tại nhiều BV trên cả nước, thậm chí các ca bệnh đa kháng và siêu đa kháng thuốc đã ở mức đáng báo động.

PGS, TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi T.Ư cho biết: “Trong một nghiên cứu gần đây về nghiên cứu sàng lọc các bệnh nhân nhập viện, chúng tôi đã phát hiện có đến 30% số ca bệnh có vi khuẩn kháng thuốc khi đến nhập viện. Đây cũng là tình trạng cảnh báo về yếu tố môi trường, do ăn uống dư lượng kháng sinh, và tình trạng các bố mẹ tự ý mua thuốc điều trị cho con”. Theo các bác sĩ, ngoài yếu tố môi trường, thực phẩm tồn dư kháng sinh và việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh thì còn có nguyên nhân là tình trạng nhiễm khuẩn chéo tại BV, khiến tình trạng bệnh cảnh của bệnh nhân nặng thêm.

Tại lễ phát động và hưởng ứng Tuần lễ truyền thông toàn cầu phòng, chống kháng thuốc kháng sinh do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tổ chức từ ngày 13 đến 19-11, Bộ Y tế công bố, WHO đã xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng thuốc kháng sinh cao nhất thế giới, khi đã có sự xuất hiện của loại siêu vi khuẩn kháng tất cả các loại thuốc.

Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, phần lớn các loại kháng sinh thuộc thế hệ 1 và thế hệ 2 hiện nay đều không có tác dụng đặc hiệu. Các BV hầu hết đều phải sử dụng kháng sinh thế hệ mới trong điều trị. Vấn đề kháng kháng sinh ở Việt Nam đang ngày càng trầm trọng còn bởi việc sử dụng kháng sinh rộng rãi, kéo dài, lạm dụng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản và trồng trọt, đặc biệt là thói quen mua kháng sinh không cần đơn của một bộ phận người dân.

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park cảnh báo, nếu lạm dụng kháng sinh kéo dài mà không có kiểm soát, số lượng bệnh nhân tử vong do kháng thuốc sẽ tăng từ 700.000 người mỗi năm hiện nay lên hàng chục triệu người vào năm 2050. Con người có thể tử vong chỉ vì một vết cắt chảy máu do nhiễm trùng vết thương khi các loại kháng sinh đều không đáp ứng. “Dùng thuốc kháng sinh thiếu cân nhắc, lạm dụng kháng sinh không những gây ra tình trạng kháng thuốc mà còn gây ra nhiều tác hại khác như gia tăng các biến cố có hại của thuốc: dị ứng, sốc phản vệ, chảy máu đường tiêu hóa... Điều đó cũng làm tăng tỷ lệ nhập viện cũng như tỷ lệ tử vong, làm gia tăng gánh nặng kinh tế cho gia đình người bệnh và cho toàn xã hội”, ông Kidong Park nhấn mạnh.

Theo Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, hiện Bộ Y tế đang tiến hành nhiều biện pháp nhằm kiểm soát kê đơn thuốc kháng sinh trong điều trị. Thời gian tới, ngành y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP). Về phía người dân, Thứ trưởng khuyến cáo, người dân chỉ sử dụng kháng sinh khi được bác sĩ kê đơn, không sử dụng lại đơn thuốc kháng sinh của người khác, tìm mọi cách để bảo vệ cơ thể không bị nhiễm khuẩn nhằm giảm thấp nhất việc sử dụng kháng sinh.

Được biết, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017- 2020, nhằm tăng cường thực hiện quy định của pháp luật về kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, góp phần giảm tình trạng kháng kháng sinh, lạm dụng thuốc, sử dụng thuốc không hợp lý. Mục tiêu của Đề án là rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật liên quan đến kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn. Đồng thời, tăng tỷ lệ tuân thủ việc thực hiện đúng quy định của pháp luật về kê đơn thuốc trong điều trị ngoại trú, đặc biệt là siết chặt việc mua thuốc kháng sinh phải có đơn của bác sĩ. Cụ thể, giai đoạn 2017-2018, Bộ Y tế phối hợp Sở Y tế triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố Nam Định, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng và Cần Thơ. Giai đoạn hai từ năm 2018 đến 2020 sẽ mở rộng ra toàn quốc. Đến năm 2020, yêu cầu 100% số quầy thuốc, nhà thuốc bán thuốc kháng sinh phải có đơn thuốc.