Bài toán xây khu nghỉ dưỡng và bảo vệ bờ biển

Khi đi trên một cung đường mới mở ven biển, nằm giữa sân bay và khu nghỉ dưỡng (resort) kéo dài, chẳng hiểu sao, trong suy nghĩ của tôi xuất hiện một nỗi lo mơ hồ. Đó là những resort không hẹn ngày khánh thành, làm biến dạng bờ biển và đảo lộn cuộc sống người dân…

Biển chỉ dẫn đến khu resort.
Biển chỉ dẫn đến khu resort.

Những resort xí phần bờ biển

Cung đường mà tôi muốn kể, nó thuộc vào vùng ven biển giáp ranh Quảng Nam - Quảng Ngãi. Trên bản đồ trực tuyến, nó được định danh đường Thanh Niên. Nó được tính từ Thiên Đàng resort (thuộc xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đến quán hải sản Cô Thắm (thuộc xã Tam Nghĩa, huyện Núi Thành, Quảng Nam). Chặng đường này, hình dung nó giống như hai bức tường vô hình ngăn lối. Một bên, xây thô sơ, đã cũ, mảng tường vỡ toang, nhiều cây dại, nó là tường bảo vệ vòng ngoài của sân bay Chu Lai. Một bên, khu resort kéo dài, định dạng bằng bờ rào đá. Đá to, đá nhỏ ném dọc lề đường, khoảng vài trăm mét lại xuất hiện tấm biển với các tên gọi: “Đô thị resort, đô thị Chu Lai, Phi Trường resort, Thiên Đàng resort (nay đổi thành Phi Long), cổng Mạc Tư Khoa, cổng Đại Việt, bảo tàng Chu Lai...”.

Sự tính toán làm ăn nào cũng đều có lý của nó, bờ biển Khe Hai không nằm ngoài mục đích đó. Biển, nằm giữa hai khu công nghiệp Dung Quất, Chu Lai, cạnh sân bay. Sẽ là một tương lai xán lạn, khách tấp nập, tầm nhìn ra... Tiền trên mỗi mét bờ. Nhưng, 14 năm qua, tất cả resort ở đây không hẹn ngày khánh thành. Những công trình xây dựng dang dở đã biến nơi đây thành nỗi hoảng sợ. Anh Nguyễn Văn Cường, cắt tóc ở dốc Sỏi (Bình Thạnh, Bình Sơn, Quảng Ngãi), cho hay: “Năm trước, em gái tôi đi qua đó chập choạng tối, mất điện, con bò lầm lũi từ trong vọng gác resort ra. Em giật mình, té xe, gia đình đã phải vội vàng tới đó, đón em về nhà an toàn”. Bình luận về nơi chốn du lịch hoang vu kéo dài theo tuyến đường, Cường nói: “Đi ban ngày còn được an toàn. Đi ban đêm, tôi nghĩ cũng phải “cứng vía” mới dám băng đường”. Khách hàng của tiệm tóc, chị Trần Thị Hạnh, góp chuyện: “Thiệt tình, đi đêm qua quãng đường resort, không biết mình phải mang theo vũ khí gì. Một lần, ngồi sau xe ông xã, đi đám cưới bên thôn An Tây (Tam Nghĩa, Núi Thành), rồi về trong đêm, mà hết hồn”.

Thực tế, những khu du lịch nghỉ dưỡng này không có bất cứ một hoạt động gì. Nó hiện diện, cồng kềnh bên biển. Người dân địa phương mong muốn nó hoàn thiện, bật lên vẻ đẹp, tạo cảm giác ấm áp. Anh Nguyễn Văn Chung, thôn Thanh Long, xã Tam Nghĩa (Núi Thành, Quảng Nam), phân bua: “Xưa, mỗi lần qua Quảng Ngãi thăm bà con, bờ biển dài, hoang vu, đôi chỗ có xóm nhỏ, đi quen, không sao hết. Nhưng từ khi nó được xây dựng resort thì thảm vô cùng. Đường dài, ba đến bốn cây số, có một vài bảo vệ, làm sao họ bao quát hết được khi bên trong không một bóng người”.

Bài toán xây khu nghỉ dưỡng và bảo vệ bờ biển ảnh 1

14 năm qua, có khu vực resort vẫn hoang vu.

Cần quy hoạch ven biển đồng bộ

Thật khó để có thể tiếp cận một nghiên cứu về tầm nhìn resort ven biển để đưa ra đáp án rằng, đã quá đủ hoặc sẽ tiếp tục cấp thêm giấy phép để resort lại mọc ven biển, TS Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho rằng: “Hoạt động đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng tại các khu vực biển đảo với những hệ thống resort... manh mún, dẫn đến quy hoạch du lịch biển bị phá vỡ của các điểm đến du lịch biển”.

14 năm qua, khu du lịch Thiên Đàng bỏ hoang bên biển. Sau khi lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi có ý kiến nếu tiếp tục chậm, sẽ bị thu hồi, chủ khu nghỉ dưỡng Thiên Đàng (Quảng Ngãi) đã chuyển sở hữu bên Quảng Nam (Công ty CP đầu tư phát triển Nam Quang Nam) và đổi tên thành Phi Long resort. Câu chuyện ở đây, đến bây giờ vẫn bị thắc mắc từ lãnh đạo xã Bình Thạnh (Quảng Ngãi), rằng chủ đầu tư chỉ phối hợp với xã đền bù giai đoạn một, hơn 34,41 ha. Diện tích còn lại, 74 ha mở rộng, công ty Thiên Đàng không phối hợp chính quyền mà thỏa thuận với từng hộ. Theo phản ánh của nhiều người dân, thỏa thuận xong, bàn giao đất, nhận tiền, cách làm này phù hợp với tâm tư nguyện vọng của họ. Tuy nhiên, có những hộ đã đạt được thỏa thuận, có những hộ chưa đạt được thỏa thuận, hiện còn 19 ha chưa đàm phán xong.

Chuyện không vui của người dân ở đây, nằm trong tính toán của riêng họ, theo cách họ chia sẻ về suy nghĩ, khi resort được đầu tư ngon lành, giá đất sẽ nâng lên, bán sẽ được giá tốt hơn, kinh doanh cũng dễ dàng hơn. Nhưng mọi điều không thuận theo tính toán, khi sự thất bại của resort hiện hữu, một số người dân lại “nại” ra nguyên nhân do ảnh hưởng của resort, trồng trọt cũng... “teo” luôn. Về giá cả dịch vụ ăn uống trong resort, nhiều lãnh đạo xã cho rằng, giá quá cao so bên ngoài, cho nên mất khách.

Một vấn đề nữa, khi resort về, đường xuống biển thêm xa, gây nên những sự bực bội, đó là việc người dân khó khăn xuống biển, mất bến đậu thuyền. Bài toán nào để giải cho những đầu tư nửa chừng này, TS Phạm Hồng Long, cho rằng: Các khu nghỉ dưỡng ven biển xây dựng và phát triển thiếu đồng bộ, là một trong những nguyên nhân làm cho không gian bờ biển bị thu hẹp và mỹ quan tự nhiên bờ biển bị choáng ngợp bởi hệ thống cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, và chắc chắn sẽ gây ra nhiều tác động không mong muốn đến môi trường văn hóa, xã hội.

Nhìn từ resort ven biển này, để thấy điều gì? Theo TS Long, quy hoạch bãi biển đẹp ở Việt Nam đã bị phá vỡ, phát triển manh mún và khó điều chỉnh. Một mặt, làm mất mỹ quan tự nhiên của những làng chài ven biển, làm hạn chế hoặc mất đi sinh kế của người dân địa phương, mặt khác tình trạng lạm phát khu nghỉ dưỡng ven biển kéo theo nhiều hệ lụy về sau, đặc biệt là gây áp lực lên giao thông vận tải như sự xuống cấp về hệ thống đường sá, quá trình đô thị hóa ồ ạt, hay sự khó khăn trong kiểm soát an ninh, an toàn của điểm đến, nguy cơ xói mòn và mất vệ sinh đường bờ biển,…

Khu nghỉ dưỡng ven biển đang hiện hữu trong câu chuyện của cộng đồng địa phương. Khu nghỉ dưỡng ven biển cũng gây ra những vấn đề mà khó có thể giải quyết trong một sớm, một chiều.

Chính vì thế, việc lập quy hoạch và triển khai các khu nghỉ dưỡng ven biển đòi hỏi tầm nhìn dài hạn, hài hòa giữa yêu cầu du lịch nghỉ dưỡng và phát triển bền vững.