Bài toán quy hoạch điểm đỗ xe tại Hà Nội

Để giải quyết những bất cập trong hoạt động trông giữ xe ở TP Hà Nội, ngoài vấn đề chấn chỉnh công tác quản lý, cần phải có chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư hạ tầng giao thông (HTGT) tĩnh. Tuy nhiên, với nhiều nhà đầu tư (NĐT), lĩnh vực này còn quá nhiều bất cập, từ quy hoạch, quản lý cho đến thủ tục… Trong khi thực tế các dự án (DA) đều là “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ”.

Lô đất C3 (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) từng được quy hoạch làm bãi đỗ xe thông minh nay bị biến thành chung cư thương mại.
Lô đất C3 (khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính) từng được quy hoạch làm bãi đỗ xe thông minh nay bị biến thành chung cư thương mại.

Kỳ 2: Nhà đầu tư thiếu mặn mà với dự án bãi đỗ xe

Bất cập trong thực hiện quy hoạch

Mật độ dân cư đông đúc nhưng phần lớn các tòa nhà tại khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (quận Thanh Xuân, Hà Nội) đều không có tầng hầm để xe. Theo quy hoạch, 2.400 m² đất tại khu C3 của địa điểm này sẽ được xây dựng thành bãi đỗ xe thông minh. Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh, khu đất này nay đã bị biến thành DA nhà ở thương mại Golden Palace, khiến việc giải quyết nhu cầu gửi xe cho người dân vốn đã khó, nay càng thêm khó khăn, bức xúc. 

Hằng ngày, cư dân khu đô thị trên vẫn phải chen chân kiếm từng vị trí trên đường Nguyễn Thị Thập và các đường nhánh có mặt cắt để đỗ xe. Nhiều người đánh liều đỗ xe dưới lòng đường, kể cả nơi có biển cấm.

Anh Đào Trung Đồng, cư dân tòa nhà N4B, khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính (ngay bên cạnh chung cư Golden Palace) bức xúc: “Lô đất C3 vốn được quy hoạch làm bãi xe thì bị biến thành chung cư, trong khi đó vỉa hè, đường nội bộ, vườn hoa, đường dành cho xe cứu hỏa của khu dân cư tại đây lại bị “xẻ thịt” làm bãi trông giữ ô-tô, xe máy nhiều năm qua gây cản trở sinh hoạt, vui chơi của người dân”.

Đây là câu chuyện mang tính điển hình nhưng không phải duy nhất, cho thấy sự chắp vá trong việc phát triển HTGT tĩnh tại Hà Nội. Năm 2003, UBND thành phố đã có Quyết định 165 phê duyệt quy hoạch mạng lưới các điểm đỗ xe và bãi đỗ xe công cộng đến năm 2020. Theo đó, Hà Nội dự kiến xây dựng đến năm 2020 có 796,82 ha đất đỗ xe (chiếm tỷ lệ 3,18% diện tích đất xây dựng đô thị). Tuy nhiên, cho đến nay, theo số liệu của Viện chiến lược và phát triển Giao thông vận tải (GTVT), diện tích đất dành cho giao thông tĩnh tại Thủ đô mới chỉ đạt 0,11% đất xây dựng đô thị, đáp ứng được 8 - 10% nhu cầu người dân. 

Theo quyết định 165, ngoài hàng chục DA vẫn còn nằm trên giấy thì nhiều DA đã bị chuyển đổi mục đích sử dụng, biến thành trung tâm thương mại, dịch vụ, cao ốc, văn phòng cho thuê, thậm chí là trụ sở của cơ quan Nhà nước… Có thể kể tên hàng loạt vị trí như: Lô đất 1.400 m² tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài được “phù phép” thành DA tòa nhà văn phòng cao cấp cho thuê; Khu đất 2.000 m² trên phố Tràng Thi giờ được xây siêu thị; Lô đất 3.000 m² tại số 16 Phan Chu Trinh quy hoạch điểm đỗ xe được xây thành tòa nhà ngân hàng; Tòa nhà 16 Cát Linh được quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe phục vụ dân cư và sân vận động Hàng Đẫy nay trở thành văn phòng của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội…

Thừa nhận câu chuyện trước đây từng có những vị trí được quy hoạch làm bãi đỗ xe nhưng bị chuyển đổi mục đích sử dụng, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Hà Nội lý giải, quy hoạch các DA bến xe, bãi đỗ xe trước đây mới chỉ mang tính định hướng và chưa có quy hoạch chi tiết. Khi NĐT vào triển khai, phải thực hiện việc lập quy hoạch và thỏa thuận quy hoạch tổng mặt bằng hoặc quy hoạch chi tiết, việc này mất rất nhiều thời gian khiến một số NĐT nản. Trong khi đó, năng lực tài chính của một số NĐT còn hạn chế, không ít đề xuất nghiên cứu DA chỉ mang tính chất định hướng giữ đất chứ không thật sự đầu tư. 

Suất đầu tư thiếu hấp dẫn

Đơn cử tại quận Hoàng Mai, theo các đồ án Quy hoạch phân khu đô thị được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt, trên địa bàn quận được quy hoạch 83 ô đất có chức năng bãi đỗ xe và kết hợp một phần làm bãi đỗ xe, nhưng đến nay 63 ô đất vẫn chưa có NĐT. Số còn lại mới chỉ đưa vào hoạt động ba DA, đang triển khai thực hiện hai DA, chuẩn bị đầu tư bảy DA và đã dừng thực hiện hai DA.

Ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng quản lý đô thị UBND quận Hoàng Mai cho biết, việc thu hút NĐT xây dựng bãi đỗ xe thông minh tương đối khó khăn do cần nguồn vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, không hiệu quả. Bên cạnh đó, bãi đỗ xe phải phát triển đồng bộ khu đô thị, nếu không có hạ tầng và dân cư chung quanh thì cũng không khả thi.

Từ góc độ của NĐT, một lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thẳng thắn chia sẻ, nhìn vào lượng phương tiện, tiềm năng thị trường, nhiều NĐT nước ngoài cũng đã tìm đến. Nhưng sau khi thấy còn quá nhiều vướng mắc, họ đành rút lui.

Lấy thí dụ về quá trình thực hiện DA giàn thép đỗ xe cao tầng tại phố Nguyễn Công Hoan, vị lãnh đạo này cho hay: DA xây dựng trên một mương công cộng nên ngay từ khâu xin cấp giấy chứng nhận đầu tư (bắt buộc phải có hợp đồng thuê hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) cho đến việc tiếp cận vốn vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển thành phố gặp khá nhiều khó khăn… Tuy nhiên, chúng tôi may mắn nhận được sự hậu thuẫn, tháo gỡ của UBND thành phố nên sau hơn hai năm, DA đã hoàn thành để đưa vào vận hành. Có điều, với tổng mức đầu tư 60 tỷ đồng, phải mất tầm 20 năm DA mới có thể thu hồi được vốn.

Một NĐT khác phân tích, sau khi tính kịch khung mức giá trông giữ phương tiện, trung bình giàn thép đỗ xe trên cao cần khoảng 20 năm mới thu hồi được vốn, còn bãi đỗ xe ngầm thì phải tầm… 70 - 100 năm. Chưa kể nếu các bãi đỗ xe lậu, đỗ xe trái phép vẫn tràn lan thì rủi ro thu hồi vốn với NĐT là rất lớn. Thực tế, NĐT phải “bỏ tiền chẵn, thu tiền lẻ” và chịu mạo hiểm, rủi ro trong quá nhiều năm nên so những DA khác như trung tâm thương mại, chung cư, văn phòng cho thuê…, đầu tư vào bãi đỗ xe không hấp dẫn bằng. 

Chờ đợi rà soát, điều chỉnh

Từ năm 2010, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các bãi đỗ xe ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh của thành phố. Tuy nhiên, bảy dự án bãi đỗ xe ngầm tại Công viên Thống Nhất, Khu thể thao Quần Ngựa, Công viên Thủ Lệ, Cung văn hóa hữu nghị Việt - Xô, Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội, Quảng trường Ngân hàng Nhà nước, Công viên Tuổi trẻ... đến nay đều chưa được khởi công. Thậm chí, từ năm 2016 - 2018, thành phố đã có Nghị quyết về khuyến khích các NĐT nghiên cứu các không gian ngầm để xây dựng bãi đỗ xe, với danh mục gần 40 DA; đồng thời bố trí quỹ đất mới phục vụ thương mại để giúp NĐT thu hồi vốn, nhưng đến nay mới có vài NĐT đăng ký. 

Sau bao nhiêu năm, hàng loạt DA bãi đỗ xe ngầm vẫn… nằm trên giấy. Ngoài lý do tổng mức đầu tư quá lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, ông Phạm Văn Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cho biết, các DA bãi đỗ xe ngầm đều đang vướng ở khâu quan trọng nhất là quy hoạch. Thực tế, cho đến nay Hà Nội vẫn chưa duyệt được quy hoạch không gian ngầm chung cho toàn thành phố. Mặt khác, còn rất nhiều vấn đề liên quan tới không gian ngầm chưa được làm rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. Mà để tháo gỡ vấn đề này thì riêng Hà Nội không làm được.

Tháng 12-2018, HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, trong phạm vi đô thị trung tâm, quy hoạch 1.480 vị trí bãi đỗ xe công cộng tập trung (gồm 74 vị trí xây dựng bãi đỗ xe ngầm, 450 bãi đỗ xe cao tầng, còn lại là các bãi đỗ xe mặt đất) với tổng quy mô diện tích 1.197,8 ha. Mạng lưới bãi đỗ xe công cộng quy hoạch như trên hoàn thành sẽ đáp ứng khoảng 66% tổng nhu cầu đỗ xe của thành phố. 

Trong giai đoạn 2019 - 2025, Hà Nội dự kiến đầu tư 204 DA tập trung tại khu vực nội đô, diện tích 183,56 ha, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 29.872 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa. 

Mới đây, tại Hội nghị “Hà Nội 2020 - Hợp tác Đầu tư và Phát triển”, thành phố cũng công bố thêm 34 DA bãi đỗ xe để kêu gọi thu hút đầu tư. Tuy nhiên, cho đến nay, bản đồ án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội” vẫn chưa được cơ quan chức năng thông qua. 

Ông Vũ Hà cho biết, Sở GTVT đang hoàn thiện để đẩy nhanh tiến độ phê duyệt đồ án “Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội”, dự kiến sẽ thông qua vào cuối năm nay. Với các DA còn đang vướng quy hoạch thì bắt buộc phải đợi rà soát điều chỉnh cho phù hợp. Riêng các DA không vướng quy hoạch thì phải tăng cường giám sát, đôn đốc các NĐT đẩy nhanh tiến độ. Thành phố cũng đã có chỉ đạo, vướng mắc thuộc thẩm quyền sở, ngành nào thì sở, ngành đó phải giải quyết ngay. Riêng những DA chậm triển khai mà nguyên nhân thuộc trách nhiệm của NĐT sẽ kiên quyết thu hồi DA theo quy định. 

(Còn nữa)