An toàn ở môi trường làm việc

Theo Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đến ngày 26-2 (tức ngày 15 tháng Giêng âm lịch), gần 100% số người lao động (NLĐ) đã quay trở lại làm việc bình thường, trừ các địa phương, vùng, khu vực đang thực hiện cách ly vì dịch Covid-19. Vấn đề vừa bảo đảm an toàn dịch bệnh vừa ổn định sản xuất đang được quan tâm hàng đầu.

Bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người lao động tại các doanh nghiệp.
Bảo đảm an toàn dịch bệnh cho người lao động tại các doanh nghiệp.

Xu hướng chuyển việc sang dịch vụ công nghệ

Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa có báo cáo nhanh về tình hình lao động trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu. Theo đó, tính đến hết ngày 22-2, cả nước xảy ra 35 vụ ngừng việc tập thể, đình công, giảm 12 cuộc so dịp trước Tết năm 2020 (trước Tết xảy ra 34 cuộc, sau Tết xảy ra một cuộc). Tính chất, quy mô các cuộc ngừng việc tập thể, đình công không phức tạp so các năm trước. Nguyên nhân ngừng việc chủ yếu tập trung vào các nội dung về trả lương, trả thưởng, thưởng Tết, phụ cấp, kế hoạch nghỉ Tết, lịch sản xuất…

Trong Tết, có một số ít doanh nghiệp (DN) tổ chức sản xuất để kịp trả giao hàng và hoàn thành đơn hàng, còn lại hầu hết NLĐ về quê đón Tết hoặc ở lại không về quê do tình hình dịch Covid-19. Đối với NLĐ không về quê đón Tết, các DN đã tổ chức phương án chăm lo, hỗ trợ, giúp NLĐ và gia đình đón Tết đầm ấm, vui vẻ.

Các địa phương có đông công nhân lao động, DN như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Bình Dương, Bắc Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, các ngành dệt may, da giày, túi xách, điện tử, chế biến, nông nghiệp, công nghiệp... có tỷ lệ NLĐ quay trở lại làm việc cao, tổ chức sản xuất bình thường.

Tuy nhiên, do dịch Covid-19 tác động nên một số ngành có tỷ lệ NLĐ quay trở lại làm việc thấp hơn, số lượng lao động giảm, giãn thời gian làm việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc tạm thời và nghỉ việc nhiều như ngành du lịch, vận tải (đường bộ, đường sắt, đường không), dịch vụ ăn uống, lưu trú...

Đặc biệt, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, hiện nay có xu hướng NLĐ thất nghiệp chuyển sang làm việc tạm thời cho các DN dịch vụ công nghệ như Grab, Now, Gojek, Be, Vietgo... Nguyên nhân do điều kiện ra nhập và rút lui dễ dàng, không ràng buộc bằng hợp đồng lao động, chi phí tham gia thấp, thời gian làm việc linh hoạt. Theo như số liệu công bố của các hãng xe, số lượng lái xe tham gia lên tới hàng trăm nghìn người. Chẳng hạn, như Grab thống kê có khoảng 175.000 lái xe, Gojek có khoảng 150.000 lái xe, ứng dụng Be cũng có hơn 100.000 lái xe trên toàn quốc…

Bảo đảm an toàn cho người lao động

Ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp - khu chế xuất Hà Nội cho biết, qua báo cáo của các cán bộ công đoàn cơ sở (hơn 200 người) trên mạng Zalo thì các DN đã nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 như lắp máy đo thân nhiệt tại cửa nhà máy, cửa nhà ăn, thực hiện giãn cách tại nhà ăn, lắp kính chắn giọt bắn, trang bị khẩu trang cho NLĐ.

Tại tâm dịch Hải Dương, với hơn 14.000 DN và 370.000 lao động hoạt động trên địa bàn, công tác phòng, chống dịch và bảo đảm an toàn cho NLĐ là một trong những yêu cầu cấp bách. 

Ông Vũ Hồng Khiêm, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh Hải Dương cho biết, hiện nay NLĐ về nghỉ Tết ở ngoài tỉnh đều chưa được phép quay trở lại Hải Dương làm việc vì tỉnh đang thực hiện giãn cách xã hội 15 ngày. Còn những lao động ở lại Hải Dương ăn Tết và lao động thường trú, tạm trú tại tỉnh Hải Dương và công nhân sinh sống ngoài huyện Cẩm Giàng không được phép đến các DN ở huyện Cẩm Giàng làm việc. Ngược lại, người đang cư trú trên địa bàn huyện Cẩm Giàng cũng không được phép ra khỏi huyện để đến các DN ngoài huyện làm việc. Tất cả DN trên địa bàn tỉnh đều phải tự khai báo và bảo đảm các tiêu chí, tiêu chuẩn về an toàn phòng, chống dịch, tự chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trong đơn vị mới được phép quay trở lại hoạt động. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ kiểm tra, giám sát nội dung này.

Các DN trong các KCN đều phải thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm cho 100% số NLĐ. Các DN ngoài KCN nhưng nằm trên địa bàn huyện Cẩm Giàng cũng phải thực hiện lấy mẫu xét nghiệm và đang triển khai để lấy mẫu. Còn với các DN ngoài KCN, nếu không nằm trong vùng dịch thì trên tinh thần khuyến khích và đề nghị DN bỏ tiền để xét nghiệm cho toàn bộ công nhân và chỉ có thể quay trở lại hoạt động với điều kiện tự chấm điểm đủ các tiêu chuẩn, tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch.

Riêng các DN trên địa bàn huyện Cẩm Giàng cần thêm hai điều kiện nữa là trong vòng năm ngày kể từ ngày 20-2, các DN phải bố trí cho NLĐ ăn ở trong khu tập trung của DN và bảo đảm nghiêm túc các biện pháp phòng, chống dịch mới được hoạt động.

Ngành LĐ-TB&XH Hải Dương đang chỉ đạo và phối hợp các huyện, DN đôn đốc thực hiện các nội dung trên. Đồng thời, hướng dẫn DN để tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện các quy định và biện pháp về phòng, chống dịch với tinh thần “nhiệm vụ số 1 là phòng, chống dịch, không dừng sản xuất nhưng các DN hoạt động phải bảo đảm an toàn cho NLĐ”. Sau khi qua 15 ngày giãn cách xã hội và diễn biến tình hình dịch, các cơ quan mới ra quyết định tiếp. Còn hiện tại, các DN vẫn hoạt động trong các điều kiện trên và chuẩn bị sẵn cho phương án khi dịch ổn định, Hải Dương dừng phong tỏa, DN trở lại sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới.