“Viên ngọc xanh” bị ô nhiễm nặng

Nhân dân địa phương và chính quyền xã Ký Phú (huyện Đại Từ, Thái Nguyên) bức xúc trước tình trạng đơn vị quản lý hồ Vai Miếu cho doanh nghiệp thuê mặt nước nuôi cá lồng gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sản xuất, du lịch. Đáng ngạc nhiên là tình trạng ô nhiễm diễn ra ngày càng trầm trọng, nhưng đơn vị quản lý hồ Vai Miếu chưa có biện pháp kiên quyết để khắc phục.

Cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Vai Miếu của ông Lưu Văn Hạnh.
Cơ sở nuôi cá lồng trên hồ Vai Miếu của ông Lưu Văn Hạnh.

1.Hồ Vai Miếu (hay còn gọi là hồ Gò Miếu) nằm ở dưới sườn đông dãy núi Tam Đảo thuộc địa bàn xã Ký Phú, là công trình thủy lợi lớn của tỉnh Thái Nguyên, phục vụ nước tưới cho khoảng 500 ha thuộc nhiều xã. Là một trong những hồ lớn nhất tỉnh Thái Nguyên, trước đây hồ Vai Miếu nước trong vắt, sạch, được coi là “viên ngọc xanh”, có tiềm năng phát triển du lịch. Tuy nhiên, thời gian gần đây nước hồ bị ô nhiễm ngày càng trầm trọng, trên đường vào hồ Vai Miếu đã cảm nhận được mùi tanh nồng, đến gần hồ thì mùi hôi thối rất khó chịu.

Anh Trần Văn Hòa ở xóm Chuối, xã Ký Phú cho biết: “Trước đây, nước hồ trong xanh, mát và sạch, người dân đi làm đồng về tranh thủ xuống hồ tắm, giặt. Nhưng từ đầu năm đến nay, nước hồ đổi sang mầu vàng, nhờ nhờ, mặt nước đóng váng thành những mảng lớn nổi lềnh bềnh, phát tán mùi tanh, hôi thối. Nguồn nước bị ô nhiễm từ hồ theo kênh chảy xuống khu dân cư, đồng lúa bốc mùi hôi tanh khó chịu, làm người dân bức xúc. Trước khi hồ bị ô nhiễm, vào dịp cuối tuần, dịp lễ vẫn có những đoàn khách đến thuê xuồng, thuyền của người dân địa phương tham quan hồ, nhưng gần đây hồ Vai Miếu không có khách du lịch nữa”.

2.Theo quan sát, mặt hồ nước rộng lớn, xuất hiện váng dày liên kết với nhau, rộng khoảng 50 m, dài hàng trăm mét, váng bị sóng “đánh” dạt vào bờ, đọng trên mặt đất dày hàng chục cm, bốc mùi hôi thối. Đưa tay vớt lớp váng ấy lên như vớt bùn nhão, nhớp nháp, ở lâu không chịu được vì hôi, tanh. Đến cơ sở nuôi cá lồng của ông Lưu Văn Hạnh trên mặt hồ, chúng tôi thấy hàng chục lồng dưới nước nuôi cá lăng, cá trê. Ông Hạnh trần tình: Năm 2016, gia đình được thực hiện mô hình nuôi lồng cá ở hồ Vai Miếu do huyện Đại Từ hỗ trợ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp phép nuôi. Hiện nay đang nuôi hơn 10 lồng với khoảng năm, sáu tấn cá thì nước đổi mầu, hình thành những váng lớn nổi lên mặt nước. Tôi đề cơ quan chức năng sớm xác định nguyên nhân.

Tuy nhiên, người dân địa phương cho rằng, cơ sở nuôi cá lồng của ông Hạnh dùng cá tạp, cám công nghiệp với lượng lớn để nuôi cá, làm cho nước hồ bị ô nhiễm. Sau thời gian dài không có mưa, nước hồ cạn, trời nắng nóng hình thành những mảng váng lớn nổi trên mặt nước. Đại diện chính quyền xã cũng tỏ ra bức xúc trước tình trạng hồ Vai Miếu bị ô nhiễm nặng, nhưng không có chức năng quản lý nên chỉ biết báo cáo và kiến nghị lên cấp trên xem xét.

Đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành hồ Vai Miếu là Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Thái Nguyên. Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Nguyễn Công Thịnh thừa nhận: “Đúng là nước hồ đổi mầu, kết váng, bị ô nhiễm nghiêm trọng. Công ty đã cùng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Từ kiểm tra, lấy một số mẫu nước phân tích. Trước mắt, chúng tôi yêu cầu gia đình nuôi cá lồng và Công ty CP Nông nghiệp Việt Nhật (doanh nghiệp có hợp đồng thuê mặt nước để nuôi cá lồng) phải tiến hành vớt toàn bộ lượng váng nổi trên mặt hồ để xử lý chôn lấp. Tạm dừng sử dụng cá tép tươi làm thức ăn cho cá lăng, thay thế bằng thức ăn khác để theo dõi diễn biến của nước hồ”.

Một số cán bộ có chuyên môn về thủy sản, thủy sinh cho biết, bên cạnh việc dùng cá tạp với số lượng lớn, trong thời gian dài để nuôi cá lồng, thì còn có nguyên nhân khác làm cho nguồn nước bị ô nhiễm, kết váng. Cụ thể là, nước hồ Vai Miếu bị cạn quá lâu, nhiều vị trí lòng hồ cạn khô, bùn phơi nắng, gặp mưa, đạm nitơ trong nước mưa kích thích tảo thủy sinh phát triển. Khi trời nắng to, nhiệt cao khiến tảo chết hàng loạt và đóng váng, khi gió thổi váng kết lại thành bè, mảng dày.

“Sau thời gian theo dõi mà không thấy nước hồ Vai Miếu trở lại trạng thái trong, sạch, chúng tôi sẽ đề nghị ngành chức năng liên quan vào cuộc tiếp tục lấy mẫu nước hồ để quan trắc mức độ ô nhiễm. Nước hồ tiếp tục ô nhiễm do nuôi cá thì chúng tôi sẽ chấm dứt hợp đồng, yêu cầu ông Hạnh và Công ty CP Nông nghiệp Việt Nhật tháo dỡ lồng bè trả lại không gian mặt hồ như trước đây”, ông Thịnh cho biết thêm.