Vì sao vỉa hè mới không bền?

Bạn đọc viết:

Nguyễn Tiến Cường (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội):

Một vài năm trở lại đây, nhiều đoạn vỉa hè trên các tuyến phố của TP Hà Nội lần lượt được thi công thay thế gạch lát truyền thống bằng đá tự nhiên. Qua các phương tiện thông tin đại chúng, tôi được biết đây là loại đá có kết cấu bền vững, với tuổi thọ lên đến khoảng 70 năm. Nhiều người dân cho rằng, việc thay đổi này sẽ góp phần mang lại bộ mặt mới cho Thủ đô nghìn năm văn hiến vào cuối năm nay 2020. Thế nhưng, kỳ lạ thay, chỉ được một thời gian ngắn, khi toàn bộ công trình nêu trên còn chưa hoàn thiện, thì vỉa hè ở nhiều nơi đã lần lượt nứt vỡ, hư hỏng, thậm chí có trường hợp xuống cấp nghiêm trọng như tại các tuyến đường Nguyễn Trãi, Trần Duy Hưng, Chu Văn An, Nguyễn Đình Chiểu... 

“Của bền tại người”, câu ngạn ngữ này của ông cha ta chưa bao giờ sai. Vỉa hè vừa mới lát xong, còn chưa bàn giao thì đã lập tức bị đua nhau lấn chiếm. Người tham gia giao thông thì đua nhau lao xe lên vỉa hè để đi cho nhanh, kẻ thì ngang nhiên mở dịch vụ trông giữ xe tuần, tháng và qua đêm. Đó là chưa kể ở nhiều nơi, người dân còn ngang nhiên mang bếp than ra nướng ngô, nướng thịt bán ở vỉa hè, kê bàn ghế mở quán nhậu vào ban đêm. Mỗi ngày, một đoạn vỉa hè phải chịu tới hàng nghìn lượt xe máy, ô-tô lên xuống liên tục, chịu nhiệt độ cao, hứng rác thải vứt bừa bãi thì liệu có thể bền được trong bao lâu? 

Nhiều người bày tỏ băn khoăn về chất lượng đá lát, cho rằng trách nhiệm thuộc về các cơ quan chức năng và chính quyền sở tại khi tuổi thọ của vỉa hè mới quá ngắn, thậm chí băn khoăn về quy trình, cách thức thi công... Thế nhưng, việc sử dụng sai mục đích, thiếu ý thức giữ gìn của chung mới là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều đoạn vỉa hè xuống cấp nhanh chóng. Bởi đá lát đường là để phục vụ người đi bộ, người khuyết tật, chứ không phải thảm nhựa dành cho xe cơ giới hoặc khu đất trống để tha hồ “xà xẻo” phục vụ lợi ích cá nhân.