Ứng phó biến thể mới của virus SARS-CoV-2 như thế nào?

Chiều 11-5, kết quả giải trình tự gene các mẫu do các địa phương gửi về ở những bệnh nhân mắc Covid-19, do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư công bố là biến thể B1.617.2. Đây thuộc loại biến thể được phát hiện ở Ấn Độ và cũng vừa được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo ở mức lo ngại cấp toàn cầu. 

Cách ly trọng điểm, đúng ổ dịch sẽ hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Cách ly trọng điểm, đúng ổ dịch sẽ hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân.

1/Theo WHO, biến thể B1.617 có khả năng lây lan nhanh hơn và kháng những phương pháp bảo vệ từ các loại vaccine. Đây là biến thể thứ tư phân loại ở mức đáng lo ngại cấp độ toàn cầu, được yêu cầu phân tích và theo dõi cao hơn. Trước đó những biến thể khác cùng cấp độ đã được phát hiện ở Anh, Brazin và Nam Phi. Hiện, biến thể B1.617 đã lan ra 44 quốc gia.

Theo dõi chùm ca bệnh ở Hà Nam nhiễm chủng mới này, các chuyên gia cho biết, nó có tốc độ lây nhiễm rất nhanh. Có những người mới tiếp xúc với ca bệnh một, hai ngày đã có triệu chứng. Nồng độ virus được lấy trong dịch họng hầu đã nhân lên đủ để cho kết quả dương tính. Tỷ lệ biến chứng liên quan đến phổi cũng khá cao. Với biến thể mới này, dư luận đang đặc biệt quan tâm tới chiến lược chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

Đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 cho rằng, tùy từng giai đoạn, từng thời điểm sẽ có điều chỉnh phù hợp thực tế trên quan điểm xuyên suốt là “Khoanh vùng nhanh nhất và  gọn nhất có thể”. PGS, TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - Bộ Y tế cho biết: “Khi không đánh giá được nguy cơ, khi dịch bùng phát quá lớn, không truy vết được nữa thì chúng ta mới giãn cách”. Thực tế cho thấy, xét nghiệm sàng lọc càng nhiều càng tốt. Đơn cử, Hà Nội tăng cường công tác xét nghiệm tại sân bay, bệnh viện và tiếp tục xét nghiệm nhiều nơi khác trong thời gian tới. “Việc xét nghiệm sàng lọc nhiều rẻ hơn phải giãn cách xã hội một cách vô lý.  Chúng ta có thể dựa vào các xét nghiệm sàng lọc để từ đó đánh giá nguy cơ và đưa ra quyết định cách phong tỏa”, ông Phu nói.

Ông Phu thí dụ, đối với chung cư The Legacy (quận Thanh Xuân, Hà Nội) khi phát hiện ca bệnh thì tạm thời cách ly cả tòa nhà để rà soát, phân loại mức độ liên quan của từng nhân khẩu. Trên cơ sở đó tổ chức khoanh vùng ngay trong tòa nhà và chỉ tổ chức cách ly một tầng chung cư. Việc cách ly đúng chỗ sẽ không gây tốn kém, không gây ảnh hưởng an sinh của người dân.

2/Tại Hà Nội, quan điểm của lãnh đạo thành phố trong phòng, chống dịch Covid-19 đợt này là Hà Nội không giãn cách, không phong tỏa cực đoan, không ngăn sông cấm chợ, không làm đảo lộn đến cuộc sống của người dân. Nhưng quan trọng là cũng không bỏ lọt các ca F1, F2, F3 và cả các ca nghi ngờ.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đánh giá cao sáng tạo trong phòng, chống dịch đợt này của huyện Đông Anh và đề nghị nhân rộng mô hình này. Theo đó, cách phong tỏa “ba lớp” là nhằm “khóa chặt” nguồn lây theo từng mức độ và giảm thiểu ảnh hưởng tới sinh hoạt và lao động, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Ngay khi phát hiện ca bệnh đầu tiên do tiếp xúc với bệnh nhân tỉnh Hà Nam, huyện đã phong tỏa, cách ly một làng có 499 hộ với hơn 2.300 nhân khẩu, bố trí ba chốt kiểm soát chặt chẽ, nhưng bên trong làng, hoạt động sản xuất vẫn diễn ra bình thường. Mọi nhu yếu phẩm của người dân vẫn được bảo đảm, nếu có khó khăn gì thì từ bên ngoài sẽ tiếp tế ngay. Vòng 1 là vòng lõi, thực hiện theo Chỉ thị 16 của Chính phủ: Sử dụng các biện pháp mạnh, khoanh vùng, dập dịch triệt để. Vòng 2: Thực hiện theo Chỉ thị 15, tạm thời đình chỉ các cơ sở dịch vụ kinh doanh trên địa bàn, dừng các hoạt động hội họp tập trung đông người không cần thiết... Vòng 3: Thực hiện theo Chỉ thị 19: Kiểm tra thường xuyên và đột xuất, xử lý nghiêm các trường hợp lơ là, thiếu trách nhiệm trong phòng, chống dịch.

Đến thời điểm hiện tại, đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhận định: Mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương trên cả nước nhưng về cơ bản, chúng ta đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch. Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh.

PGS, TS Trần Đắc Phu: “Trong bối cảnh hiện nay không loại trừ có những ổ dịch lẩn khuất trong cộng đồng, chưa diệt được hẳn. Vì thế việc thực hiện nghiêm thông điệp “5K” vô cùng quan trọng. Thực hiện tốt “5K” có thể cắt đứt chuỗi lây nhiễm, chuỗi dịch tễ trong cộng đồng. Cùng với đó, chiến lược phát hiện sớm, truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả  của Việt Nam vẫn chính xác, ổn định, cần tiếp tục duy trì”.