Ứng dụng công nghệ ngăn chặn tai nạn đường sắt

Sử dụng phần mềm giám sát, lắp đặt camera tại các vị trí liên quan trực tiếp đến chạy tàu, nghiêm cấm nhân viên sử dụng điện thoại thông minh trong ca trực…, đó là những giải pháp được Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) triển khai để bảo đảm an toàn, ngăn ngừa tai nạn do yếu tố chủ quan.

1. Trong năm 2019, số vụ tai nạn đường sắt tiếp tục tăng khi trong 11 tháng đã xảy ra 141 vụ tai nạn, làm chết 117 người, bị thương 43 người. So cùng kỳ năm trước tăng bảy vụ (5,22%), tăng tám người chết (7,34%). Để phòng ngừa tai nạn, cùng nhiều giải pháp cụ thể khác, ngành đường sắt đang tập trung ứng dụng công nghệ vào giám sát, quản lý nhân viên.

Với đặc thù tác nghiệp độc lập, nhân viên tuần đường phải chịu trách nhiệm kiểm tra dọc các tuyến đường sắt quốc gia, phát hiện chướng ngại vật, mất mát, hư hỏng vật tư, phụ kiện đe dọa mất an toàn chạy tàu. Nhiệm vụ này đòi hỏi nhân viên tuần đường phải đi bộ với tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những trường hợp nhân viên tuần đường thiếu ý thức, sử dụng phương tiện giao thông đường bộ để đến điểm đổi thẻ tuần đường.

Để giám sát quy trình này, VNR đang triển khai thí điểm phần mềm quản lý tuần đường. Theo đó, hệ thống này được cài đặt trên máy tính tại trụ sở công ty và cài đặt trên điện thoại smartphone của nhân viên tuần đường để lưu trữ vị trí, tính tốc độ di chuyển, đồng thời truyền tải dữ liệu về trung tâm máy chủ giám sát hành trình.

Đại diện của VNR cho biết, với hệ thống này, giám sát viên có thể cùng một lúc giám sát được biểu đồ của nhiều tổ tuần đường, tra cứu lịch sử tuần đường theo ngày, tổ tuần tra và theo ban… Giám sát viên hoàn toàn có thể biết nhân viên tuần đường có thực hiện nhiệm vụ trên đoạn đường sắt quy định không, đi bộ hay đi bằng phương tiện khác? Bên cạnh đó, phần mềm cũng nâng cao hiệu quả quản lý, đặc biệt nâng cao được ý thức trách nhiệm, tự giác thực hiện đúng quy trình quy tắc của nhân viên tuần đường, góp phần phòng ngừa nguy cơ mất an toàn do chủ quan.

2. Ngoài ra, tại 263 phòng trực ban chạy tàu, trong và ngoài ca-bin 266 đầu máy, 650 trạm chắn đường ngang (có gác), 440 đường ngang cảnh báo tự động đều đã được lắp camera giám sát. VNR cũng vừa ban hành quy định cụ thể việc quản lý, khai thác và sử dụng dữ liệu từ camera giám sát lắp đặt tại các vị trí công việc trực tiếp liên quan đến an toàn chạy tàu. Hình thức giám sát tập trung bắt buộc thực hiện 24/24 giờ tại các đơn vị: Chi nhánh khai thác đường sắt, xí nghiệp đầu máy, công ty CP đường sắt, công ty CP thông tin tín hiệu đường sắt. Thông qua hình ảnh, âm thanh, tín hiệu từ camera truyền về, nếu phát hiện những sự việc đe dọa an toàn giao thông đường sắt, an ninh trật tự, người giám sát có trách nhiệm thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để giải quyết kịp thời, giảm thiểu hậu quả xấu có thể xảy ra do nguyên nhân chủ quan.

3. Tuy nhiên, ông Phạm Nguyễn Chiến, Trưởng ban An ninh - An toàn đường sắt (VNR) cho biết, tai nạn do nguyên nhân chủ quan chỉ chiếm khoảng 1%, còn lại đa phần tai nạn xảy ra tại các lối đi dân sinh tự mở. Ngành đường sắt đã đề ra kế hoạch với mục tiêu đến năm 2025 sẽ xóa bỏ toàn bộ đường ngang này. Nhưng việc có đạt được mục tiêu hay không lại phụ thuộc rất lớn vào sự quyết liệt của các địa phương nơi có đường sắt đi qua.

Theo thống kê của VNR, cả nước có 5.580 giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, nhưng chỉ có hơn 1.500 đường ngang hợp pháp, có cảnh giới, rào chắn, còn lại hơn 4.000 lối đi dân sinh tự mở. Có đến 45% số vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra tại các đường ngang này. Để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ các đường ngang dân sinh tự mở, dự kiến cần nguồn kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng. Và quan trọng hơn, cần sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, bởi chỉ cần xóa bỏ được một vị trí lối đi tự mở cũng đã giảm một nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.