Trẻ nông thôn thiếu sân chơi

Không chỉ ở các thành phố lớn, tình trạng thiếu sân chơi cho trẻ nhỏ ở các vùng quê cũng là phổ biến. Không có sân chơi, không ít trẻ chỉ biết vùi đầu vào học và chơi điện tử.

Sân chơi do Plan hỗ trợ tại xã Kim Chung.
Sân chơi do Plan hỗ trợ tại xã Kim Chung.

Sân chơi hè “èo uột”

Năm nay, kỳ nghỉ hè của em Trần Nhật Minh (học lớp 6, Trường tiểu học Hoằng Đồng, Hoằng Hóa, Thanh Hóa) chỉ xoay quanh ngôi làng của em. Trước đây, mỗi lần nghỉ hè, em thường theo bạn bè trong thôn đi đá bóng hoặc tắm ao. Thế nhưng từ ngày nghe tin có bạn bị chết đuối thì mẹ em không cho em đi tắm ao, hồ nữa.

“Kinh tế nhà em khó khăn, lại có em nhỏ nên hằng ngày mẹ nhờ em bế em, ngược lại mẹ cho em mượn điện thoại để chơi điện tử. Ở quê không có công viên, cũng không có khu vui chơi nên các bạn em cũng không biết chơi gì ngoài mấy trò đá bóng, đạp xe, thả diều. Lâu lâu có bạn em được bố mẹ đưa đi chơi trên thành phố”, Nhật Minh tâm sự.

Thường ở vùng quê, những em nhỏ như Nhật Minh chỉ biết chơi những trò chơi tự tạo. Khu vực nhà văn hóa có sân chơi thì sân chơi đó cũng chủ yếu dành cho người lớn đánh bóng chuyền, hoặc chơi cầu lông. “Mong ước của chúng em là có một sân chơi, với những trò chơi như cầu trượt, đu quay, câu cá, xúc cát... thế nhưng cả năm may ra em mới được bố mẹ cho đi trung tâm thương mại trên thành phố chơi một lần”, Nhật Minh nói.

Nhiều tổ chức cần vào cuộc

Vượt qua những rào cản về kinh phí, nguồn nhân lực, nhiều huyện thị, tỉnh thành khác trong cả nước cũng đã có sáng kiến về tổ chức sân chơi cho trẻ em mùa hè. Chẳng hạn như ở tỉnh Quảng Trị, Tỉnh đoàn đã vận động nguồn lực tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống cho trẻ em ở các xã, phường, thị trấn, khu dân cư… nhằm tạo sân chơi lành mạnh, an toàn cho thanh, thiếu nhi, học sinh trong kỳ nghỉ hè, đặc biệt là trẻ em ở vùng nông thôn. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2019, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã tổ chức được 70 lớp truyền thông phòng tránh tai nạn bom mìn, tai nạn thương tích, đuối nước; tổ chức 43 lớp dạy bơi thu hút hơn 1.700 thiếu nhi tham gia học tập. Hiện nay, toàn tỉnh Quảng Trị đã xây dựng được 51 sân chơi cho thiếu nhi tại các thôn, bản, xã, phường, thị trấn. Các công trình sân chơi thiếu nhi được đầu tư xây dựng từ nguồn xã hội hóa, mỗi công trình có giá trị từ 20 - 30 triệu đồng cùng hơn 1.500 ngày công của đông đảo đoàn viên, thanh niên.

Bà Lê Quỳnh Lan , Quản lý Văn phòng vùng Hà Nội - Tổ chức Plan tại Việt Nam cho rằng, để thiết kế một sân chơi an toàn cho trẻ không phải quá khó và tốn kém chi phí. Chỉ vài chục triệu đồng là các em đã có một sân chơi lành mạnh. “Chính quyền nhiều địa phương có thể đầu tư vào công trình lớn nhưng với sân chơi trẻ em chỉ vài chục triệu thì lại chưa quan tâm để chú ý đầu tư. Tôi nghĩ nếu kết hợp được nguồn ngân sách địa phương cùng với nguồn kinh phí từ việc vận động xã hội hóa thì việc tạo sân chơi cho trẻ em là điều không hề khó khăn”, bà Lan nói.

Hiện nay Tổ chức Plan cũng đã phối hợp một số tổ chức và người dân địa phương xây dựng các sân chơi cho trẻ em ở nông thôn, miền núi. Bằng việc tận dụng những vật liệu của địa phương như tre nứa, lốp xe cũ… đơn vị này đã tạo ra các sân chơi bổ ích, an toàn, bình đẳng cho nhiều trẻ em. “Tôi cho rằng vấn đề kinh phí xây dựng sân chơi không lớn và không gian dành cho sân chơi cũng không tốn nhiều diện tích. Vấn đề là các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cũng như của cả cộng đồng, phải quyết tâm, phối hợp để cùng làm thì mới mong tạo ra được sân chơi bổ ích cho trẻ em”, bà Quỳnh Lan nói.