Trang trại chăn nuôi gây nguy hại sức khỏe người dân

Gần 10 năm qua, hàng trăm hộ dân sinh sống tại hai xã Tiêu Động và La Sơn, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như cuộc sống hằng ngày. Nguyên nhân xuất phát từ tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi lợn của các trang trại trên địa bàn.

Nơi chăn nuôi lợn gây ra tình trạng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.
Nơi chăn nuôi lợn gây ra tình trạng ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống người dân.

1. Công ty TNHH Nông nghiệp và xây dựng Đông Xuân, xã Tiêu Động đi vào sản xuất từ năm 2009 với hai trang trại chăn nuôi có tổng diện tích hơn 12 ha, số lượng lợn nái, lợn thịt lên đến hàng vạn con. Mùi hôi thối bốc ra từ việc chăn nuôi và các chất thải khiến cho người dân sống lân cận không khỏi bức xúc. Bà Nguyễn Thị Xuân, người dân xã cho biết: “Rác thải của trang trại đó thỉnh thoảng được đem đốt trực tiếp trên bờ sông mà không đem đến vị trí tập kết rác thải. Nếu gió thổi hướng về đây phải đóng cửa, không thể ra khỏi nhà vì mùi rác, mùi nhựa rất khét”.

Không chỉ gây nguy hại đến sức khỏe, hành vi xả thải trực tiếp chất thải chăn nuôi của công ty ra kênh thủy lợi cũng gây thiệt hại trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, khi người dân bắt buộc phải lấy nước ở kênh ô nhiễm vào ruộng lúa. Kênh thủy lợi này luôn trong tình trạng dày đặc phân lợn, nước đen kịt, nhiều bọt nổi lên, cây cối thì không thể phát triển được. Nước ngấm đến đâu thì lúa, cây cối chết đến đấy khiến cho cuộc sống của người dân ngày càng khó khăn. Nhất là vào vụ lúa những năm gần đây, so những năm trước đã giảm một phần ba sản lượng. Nhiều người dân đành chấp nhận bỏ những mẩu ruộng gần trang trại của công ty. Theo ghi nhận thực tế, phân lợn và nước thải để rửa chuồng sau khi chảy trực tiếp ra một khu vực máng của trại lợn thì được dẫn theo đường ống để bơm thẳng ra khu vực dòng kênh đối diện Công ty Đông Xuân.

Ngoài Công ty Đông Xuân, theo phản ánh của người dân trang trại chăn nuôi của Công ty Thắng Linh, cơ sở nuôi lợn gia công cho Công ty cổ phần C.P đóng trên địa bàn xã An Ninh cũng có hành vi xả nước thải chăn nuôi, phân lợn không qua xử lý ra môi trường, thậm chí đổ trực tiếp xuống sông Châu Giang. Trang trại này có một mặt nằm ngay liền kề khu dân cư, khoảng cách chưa đầy 100 m. Chung quanh là hồ chứa phân lợn, một hồ nằm sát bờ sông. Chính vì phân lợn tràn ngập nên những ngày nắng nóng, trời nồm, người dân những thôn quanh đây luôn phải sống trong cảnh ngột ngạt đến kinh hãi.

Đáng nói thêm, sông Châu Giang trước đây không chỉ là nơi mưu sinh của nhiều hộ dân từ việc đánh bắt tôm cá, mà cách đó không xa khoảng 700 m là nơi đặt Nhà máy nước sạch Mỹ Đà, bơm trực tiếp nước sông lên làm nguồn cung cấp nước sạch cho người dân ba xã: An Ninh, An Nội, Vũ Bản với ước tính khoảng 19 nghìn người dân sử dụng.

2. Huyện Bình Lục có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào chăn nuôi. Trước đây cũng đã có nhiều thông tin phản ánh về hoạt động chăn nuôi trên địa bàn huyện chưa được kiểm tra chặt chẽ về tác động môi trường, không chỉ đối với các trang trại quy mô lớn mà ngay cả các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trao đổi về vấn đề này, lãnh đạo UBND huyện cho biết, huyện đang tăng cường phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, các ban, ngành đoàn thể để vừa kiểm tra, vừa giám sát, vừa giúp các hộ cải thiện quy trình chăn nuôi. Đồng thời, có kế hoạch dài hạn để kiểm soát hoạt động chăn nuôi đi vào quy củ.

Theo ông Đặng Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, giải pháp của huyện là quy hoạch một khu chăn nuôi tập trung, có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định để làm sao chăn nuôi phát triển kinh tế nhưng bảo đảm không ô nhiễm môi trường. Đây là việc rất khó nhưng cố gắng từng bước một để thực hiện, cố gắng hoàn thành kế hoạch trong năm 2020.

Như vậy, dự án về khu chăn nuôi tập trung vẫn đang nằm trong kế hoạch. Trong thời gian chờ đợi ấy, các doanh nghiệp nêu trên vẫn tiếp tục hoạt động, thì ai, cơ quan nào sẽ bảo đảm tình trạng ô nhiễm không tiếp tục tái diễn?