Trách nhiệm thuộc về ai?

Bạn đọc viết:

Châu Ngân Hà (quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh):

Cứ vào mùa mưa bão, người dân các nơi lại nơm nớp tự chuẩn bị cả về tinh thần và vật chất trước những hiện tượng bất thường do thiên nhiên gây ra. Nhiều người nghĩ rằng, những tai nạn gây nguy hiểm đến mạng sống con người chỉ xảy ra ở các tỉnh miền núi, cao nguyên, nơi hoang sơ, hiểm trở. Tuy nhiên, sự thật lại không phải vậy.

Những năm qua, khi các hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện ngày càng nhiều, người dân ở nhiều thành phố lớn mỗi khi ra đường đều phải lo nỗi lo chung: Cây cối gãy đổ, vật liệu xây dựng bay tứ tung… do giông gió gây tai nạn, chết người. Do tính chất công việc phải di chuyển nhiều trên đường phố, bản thân tôi cũng chỉ biết “cầu trời khấn Phật” mỗi lúc đi làm. Mưa to gió lớn, đường ngập thì cố gắng rồi cũng lội qua được, cây cối gãy đổ giữa phố thì cũng cố vòng qua lối khác, đường khác được. Thế nhưng, cây mà gãy đổ vào người đang di chuyển thì chắc chỉ có bị nguy hiểm đến tính mạng mà thôi. Vậy, trách nhiệm mỗi khi xảy ra những sự việc đau lòng như vậy sẽ thuộc về ai?

Đây là một câu hỏi không khó, nhưng đến giờ vẫn rất khó trả lời. Theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP, Bộ Xây dựng là cơ quan tổ chức, xây dựng tiêu chuẩn quốc gia và ban hành quy chuẩn kỹ thuật về quy hoạch, thiết kế cây xanh đô thị. Cũng theo nghị định này, thì UBND được phân cấp có trách nhiệm bảo vệ, kiểm tra, chăm sóc cây xanh đô thị trên địa bàn. Như vậy, phải chăng mỗi khi có tai nạn xảy ra, Bộ Xây dựng và UBND các cấp đều phải có trách nhiệm cụ thể?

Với những hiện tượng thời tiết vô cùng khác lạ diễn ra từ đầu năm đến nay, thì dự báo về một mùa mưa bão đặc biệt khắc nghiệt là điều khó tránh khỏi. Tôi đề nghị các bộ, ngành và các cấp chính quyền tăng cường phối hợp kiểm tra, chăm sóc có hiệu quả hệ thống cây xanh đô thị. Đồng thời, cần có đơn vị, cá nhân đứng ra nhận trách nhiệm và khắc phục hậu quả mỗi khi có sự cố xảy ra.