Thu hút đầu tư cho giáo dục chưa như mong đợi

Thời gian qua, Nhà nước chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục với nhiều chính sách thu hút đầu tư ngày càng thông thoáng hơn vào lĩnh vực này. Hành lang pháp lý về xã hội hóa giáo dục cũng từng bước được hoàn thiện, nhằm tạo thuận lợi, ưu đãi khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục. Tuy nhiên, trên thực tế, hiệu quả thực thi chính sách trên chưa như mong muốn.

Việc đầu tư từ nguồn xã hội hóa cho giáo dục và đào tạo vẫn còn rất hạn chế.
Việc đầu tư từ nguồn xã hội hóa cho giáo dục và đào tạo vẫn còn rất hạn chế.

Nghị quyết số 90/1997/NĐ-CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa ban hành ngày 21-8-1997 được coi là cơ sở đầu tiên mở ra chặng đường xã hội hóa (XHH) trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Tiếp đó, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản góp phần tạo hành lang pháp lý khuyến khích đầu tư phát triển giáo dục trong khoảng hai chục năm gần đây.

Cùng với việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước cho giáo dục, chính sách thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực này cũng được chú trọng. Hoạt động hỗ trợ đầu tư được thực hiện theo nhiều hình thức, như: công nhận văn bằng, thành lập cơ sở giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) theo hình thức liên doanh… Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã và đang sửa đổi, bổ sung một số chính sách cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ vướng mắc, giúp DN yên tâm hơn khi đầu tư.

Chưa kể, nhìn lại quá trình thực hiện XHH giáo dục, có thể thấy, chính sách thu hút đầu tư cho giáo dục chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Hệ thống các trường ngoài công lập không ngừng phát triển, nhưng chất lượng đào tạo chưa đáp ứng được nhu cầu. Nhiều trường đứng trước nguy cơ phá sản vì không tuyển sinh được, sinh viên tốt nghiệp không tìm được việc làm, gây ra nhiều bất cập trong xã hội.

Trong khi đó, thu hút FDI vào lĩnh vực này dù có cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Trong hơn một năm, từ thời điểm Nghị định số 86/2018/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục được ban hành và có hiệu lực, nguồn vốn FDI vào giáo dục đã đạt 97 triệu USD. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực kém hấp dẫn nhất với nhà đầu tư ngoại hiện nay.

Một trong những vấn đề được các nhà đầu tư quan tâm, khi đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đó là quỹ đất để đầu tư xây dựng cơ sở trường lớp. Tuy nhiên, trên thực tế, lợi thế thu hút này tại nhiều địa phương, đặc biệt là tại các đô thị lớn không đáp ứng bảo đảm nhu cầu của nhà đầu tư. Nhiều địa phương hiện còn thiếu quy hoạch sử dụng đất cho mục đích XHH cũng như việc công khai thông tin quỹ đất kêu gọi đầu tư chưa đầy đủ, rõ ràng, gây khó khăn cho các nhà đầu tư trong quá trình tìm hiểu.

Việc đầu tư vào lĩnh vực giáo dục còn gặp trở ngại bởi tâm lý e dè của nhà đầu tư. Chẳng hạn, để thu hồi vốn nhanh cần phải tăng quy mô đầu tư dự án để có thể tăng số học sinh. Thế nhưng, phần lớn đều bị khống chế bởi các quy định trong điều lệ và tiêu chuẩn thiết kế trường học hiện hành cũng như các chỉ tiêu về quy hoạch xây dựng. Mặt khác, mức đầu tư bỏ ra ban đầu cho việc xây dựng một trường học khá lớn, do đó, để thu hồi vốn nhanh, nhà đầu tư phải đưa ra mức thu cao.

Ngoài nguyên nhân đầu tư vào giáo dục cần vốn lớn trong thời gian dài nhưng chậm sinh lời, theo PGS, TS Trần Xuân Nhĩ, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, thu hút đầu tư vào giáo dục sẽ khó cải thiện tình hình khi cách nghĩ, cách làm của cơ quan quản lý nhà nước, xã hội còn mang nặng tư duy bao cấp. Bên cạnh đó, tình trạng một số doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục quá đặt nặng vấn đề lợi ích, coi đầu tư vào giáo dục để sinh lời hoặc thiếu tầm nhìn dẫn đến chất lượng GD&ĐT thấp, gây ảnh hưởng không tốt trong xã hội.

Ngoài ra, nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm đến chính sách thu hút đầu tư cho giáo dục. GS,TSKH Nguyễn Xuân Hãn, giảng viên cao cấp Trường đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội nêu dẫn chứng: Nhiều nhà đầu tư rất hào hứng nhưng khi về địa phương, nhiều chính sách ưu đãi, thu hút lại triển khai rất chậm, thiếu đồng bộ, như chính sách về giao đất hoặc cho thuê đất, cơ sở vật chất với giá ưu đãi; ưu đãi tín dụng…

Hiện, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và nhiều địa phương trên cả nước đang đẩy mạnh công tác XHH giáo dục, từ đó nhằm thu hút thêm nguồn lực đáng kể của xã hội đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa góp phần nâng cao chất lượng, phát triển GD&ĐT. Do vậy, việc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm thu hút các nhà đầu tư quan tâm thực hiện các dự án đầu tư cho lĩnh vực giáo dục là điều cần được quan tâm, xúc tiến để đáp ứng nhu cầu, chất lượng dạy và học hiện nay.