Thót tim kiểu lừa đảo mới

Bạn đọc viết:

Nguyễn Công Hoàng (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An):

Gần đây, ở quê tôi xuất hiện những thông tin khiến nhiều người lo sợ. Ban đầu, một người trong thôn nhận được tin nhắn qua điện thoại, thông báo về việc người nhà chị này đang làm việc ở nước ngoài vừa phạm pháp và bị bắt giữ. Người gửi tin nhắn tiếp tục thông tin về sự “dã man” trong “nhà giam” ở nước nọ, và không quên hé lộ khả năng “chạy” được cho nạn nhân thoát “án” với số tiền khoảng 300 triệu đồng. Tuy nhiên, do biết gia đình có hoàn cảnh khó khăn “thông qua nạn nhân” nên chỉ cần chuyển trước khoảng 40 - 50 triệu đồng.

Vì quá lo lắng, lại quả thật không thể liên lạc với người thân, nên gia đình này liền lập tức hoàn tất thủ tục chuyển tiền cho vị “ân nhân” không biết mặt kia. Thế nhưng, gần như ngay sau khi chuyển khoản, gia đình bị kẻ lạ mặt cắt đứt liên lạc hoàn toàn. Vài ngày sau, người những tưởng đang “phạm pháp” kia mới gọi về, và rất ngạc nhiên về toàn bộ câu chuyện ly kỳ mà gia đình kể lại. Hóa ra, người này vẫn làm việc bình thường và không gặp phải bất kỳ vấn đề gì ngoài việc bị mất điện thoại và do đó mọi tài khoản mạng xã hội thường dùng liên lạc với gia đình đều bị đánh cắp, không thể liên lạc về. Đến lúc này, gia đình mới “ngã ngửa” về câu chuyện mà kẻ lạ mặt kia bịa ra.

Câu chuyện lợi dụng thông tin cá nhân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không còn mới, có chăng là phương thức lừa đảo của những kẻ xấu ngày càng tinh vi hơn. Từ khi nghe câu chuyện của gia đình nêu trên, tôi đã khuyên họ nên trình báo cơ quan chức năng nhưng không ai nghe. Chính tâm lý sợ hãi, lo lắng quá mức này đã tạo cơ hội cho kẻ xấu lợi dụng.