Tháo gỡ vướng mắc cho thu phí tự động không dừng

Trong khi Công ty TNHH thu phí tự động VETC, nhà đầu tư dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn một đề xuất trả dự án thì nhà đầu tư giai đoạn hai còn chưa thành lập được doanh nghiệp. Thu phí tự động không dừng đang đứng trước nguy cơ vỡ tiến độ, thậm chí là phá sản.

Hiện mới có khoảng 800 nghìn thẻ trên 3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC.
Hiện mới có khoảng 800 nghìn thẻ trên 3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC.

Doanh thu đạt 10%

VETC đã thực hiện dự án được 5 năm và đầu tư tới 2.030 tỷ đồng, song đến nay, mới có 11 trạm ký phụ lục hợp đồng thu phí tự động không dừng, còn lại 33 trạm chủ đầu tư dự án BOT chưa chịu ký.

Theo thống kê của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), số lượng phương tiện dán thẻ thu phí tự động (E-tag) và nộp tiền vào tài khoản giao thông để tham gia dịch vụ thu phí tự động không dừng (ETC) hiện có khoảng 800 nghìn thẻ/3,5 triệu phương tiện dán thẻ sử dụng dịch vụ ETC. Ông Hồ Trọng Vinh, Phó Tổng giám đốc VETC cho biết: Trong số những xe đã dán thẻ E-tag, tỷ lệ chủ xe đã nạp tiền vào tài khoản giao thông để sử dụng mới chỉ đạt khoảng 30%, một con số quá thấp so kỳ vọng. Theo tính toán của VETC, lỗ lũy kế tính đến ngày 30-9-2019 của doanh nghiệp là 300 tỷ đồng, do phí thu được thấp, chỉ đạt khoảng 10% so kế hoạch. Nếu hết năm 2020 chỉ triển khai được 36 trạm, doanh nghiệp (DN) lỗ lũy kế cho công tác vận hành khoảng 580 tỷ đồng. Vì thế, các cổ đông của DN này không đồng ý việc tiếp tục đầu tư vốn cho dự án thu phí tự động vì đã 5 năm họ không nhận được cổ tức, nếu đầu tư thêm vốn sẽ dẫn đến nguy cơ phá sản.

Đứng trước tình hình đó, ngày 23-10-2019, VETC đã gửi văn bản báo cáo Bộ GTVT về thực trạng dự án và kiến nghị lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án để tiếp tục triển khai thực hiện. VETC cũng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản DN theo quy định của pháp luật trong tháng 12-2019 nếu những khó khăn không được giải quyết. Hoặc nếu bắt buộc tiếp tục dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so phương án tài chính của hợp đồng dự án.

Vỡ tiến độ

Không đồng thuận với đề xuất của VETC, Bộ GTVT đã yêu cầu công ty này phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết với Bộ. Song song đó, Bộ GTVT sẽ phối hợp VETC và các cơ quan đơn vị có liên quan từng bước tháo gỡ các khó khăn vướng mắc với quyết tâm cao để hoàn thành dự án.

Chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, Bộ GTVT được Chính phủ giao thì phải có cơ chế đối với DN thu phí tự động, nhà đầu tư BOT và cả người dân. Nếu hai bên không thống nhất được mức phí thì cần ngồi lại với nhau tính toán làm sao cho hài hòa lợi ích các bên. Khi có cơ chế đủ mạnh thì mọi vấn đề sẽ được giải quyết. Tuy nhiên, tiến độ đến cuối năm 2019 chắc chắn là không kịp.

Hệ thống thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí BOT được chia làm hai giai đoạn bao gồm dự án giai đoạn một (áp dụng cho quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên) do Công ty VETC triển khai thực hiện. Dự án giai đoạn hai gồm 33 trạm do Liên danh Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và một số DN về công nghệ là nhà đầu tư thực hiện. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ GTVT, đến thời điểm này, nhà đầu tư giai đoạn hai vẫn chưa hoàn thiện thủ tục thành lập DN dự án theo quy định dẫn đến chưa đủ cơ sở pháp lý để thực hiện các bước tiếp theo như thiết kế bản vẽ thi công, ký hợp đồng tín dụng, thi công lắp đặt thiết bị… Với tiến độ này, dự án có nguy cơ không hoàn thành theo Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Đưa ra giải pháp tập trung thực hiện để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh tiến độ đàm phán hợp đồng dịch vụ, lắp đặt thiết bị, bàn giao công tác quản lý thu phí và trích chi phí quản lý thu phí tự động theo phương án tài chính của dự án; rà soát lại phương án tài chính của dự án để xác định tỷ lệ trích chi phí quản lý thu phí tự động không dừng.