Tạo việc làm cho người khuyết tật

Ngày hội việc làm cho người khuyết tật diễn ra tại Đông Anh, Hà Nội vừa thu hút hơn 1.000 người khuyết tật, gần 50 đơn vị, doanh nghiệp tham gia, với hàng trăm chỉ tiêu tuyển dụng lao động, tuyển sinh đào tạo dạy nghề cho người khuyết tật ở nhiều trình độ, đa dạng các lĩnh vực, ngành nghề. Từ đây tiếp tục đặt ra vấn đề tích cực tự khẳng định của người khuyết tật.

Cần nhiều diễn đàn, hoạt động kết nối, hỗ trợ để người khuyết tật được hướng dẫn, tư vấn, thể hiện nguyện vọng và năng lực nhằm tìm việc làm phù hợp. Ảnh: N.ANH
Cần nhiều diễn đàn, hoạt động kết nối, hỗ trợ để người khuyết tật được hướng dẫn, tư vấn, thể hiện nguyện vọng và năng lực nhằm tìm việc làm phù hợp. Ảnh: N.ANH

Đề cao sự tự lập

Hiện nay, tình trạng người khuyết tật (NKT) không có công ăn việc làm khá phổ biến. Số người được “tổ chức” bán hàng rong, ăn xin hiện chưa có một số liệu thống kê chính xác. Nhưng, tại nội thành Hà Nội, ở nhiều ngã tư, quán xá, dễ dàng bắt gặp hình ảnh một số NKT đang nằm vạ vật, nài kéo nhằm lấy được tiền “tình thương” từ những người qua đường.

Theo số liệu gần đây của Tổng cục thống kê, Việt Nam có khoảng 6,2 triệu NKT năm 2016 - 2017, dự kiến số lượng NKT có thể tăng lên. Nếu không chú trọng đến công ăn, việc làm của họ thì sẽ rất lãng phí nguồn nhân lực. Và tình trạng “chăn dắt” để xin tiền sẽ ngày càng tăng thêm, gây nên hình ảnh không đẹp về NKT.

Bên cạnh đó, cũng không ít những NKT đang cố gắng vượt lên mặc cảm, tự ti, nỗ lực tự lập cho mình một cuộc sống ổn định, trở thành người có ích cho xã hội.

Anh Lê Minh Thắng ở Đông Anh là NKT vận động, từng làm nhiều công việc khác nhau nhưng không phù hợp. Hiện nay anh kinh doanh nước sạch, đá sạch theo mô hình hộ gia đình, bảo đảm tự nuôi sống gia đình, bản thân. Anh được dự án Thriive Hà Nội hỗ trợ, đến nay đã có nhiều thành quả. Hiện tại vẫn còn những khó khăn, nhưng anh luôn mong muốn sẽ mở rộng được mô hình, tạo thêm công ăn việc làm cho những người đồng cảnh.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã thủ công, mỹ nghệ, nghề may là những mô hình khá phổ biến của NKT tự lập nên, công nhân là chính NKT. Anh Nguyễn Kim Khôi, chủ cơ sở may cờ 3/12 ở Đông Ngạc, Bắc Từ Liêm, Hà Nội thấu hiểu được khó khăn mà NKT đang gặp phải trong quá trình hòa nhập cộng đồng. Hơn 10 năm qua, anh đã hỗ trợ dạy nghề miễn phí, tạo cơ hội cho hơn 50 lao động, 100% đều là NKT nặng. Anh nói: Cần phải tạo cho họ nhiều cơ hội việc làm hơn nữa. Bằng công sức bỏ ra, họ tạo nên giá trị riêng mình, không phải phụ thuộc vào ai. Điều mà NKT nào cũng nên học, đó là sự tự lập.

Bản thân anh rất kiên trì khi đào tạo nghề. Bởi lao động là NKT nặng di chuyển rất khó khăn, có thể nay học nghề nhưng mai lại quên nên làm việc với họ phải hết sức bằng cái tâm của mình. Hiện nay, sản phẩm cờ các loại của anh được cung ứng trên thị trường rất nhiều, việc sản xuất có đôi chút khó khăn về mặt nhân lực nhưng đã tạo được công ăn việc làm, uy tín của doanh nghiệp cờ 3/12. Anh mong muốn mở rộng mặt bằng sản xuất, từ đó sẽ tạo nên việc làm cho NKT.

Anh Nguyễn Xuân Khánh thuộc Hội khuyết tật Thanh Xuân, Hà Nội tâm sự: NKT cần công việc phù hợp, bản thân họ có thể tạo ra giá trị cho riêng mình chứ không phải ngồi chờ trợ cấp. Những cơ sở, doanh nghiệp khác như Thương Thương sản xuất handmade, ngôi nhà đan móc tại Thanh Trì, Hợp tác xã thủ công mỹ nghệ Trái tim hồng… đều mong muốn có thêm lao động NKT.

Mở nhiều kênh kết nối

Bà Dương Thị Vân, Chủ tịch Hội Khuyết tật thành phố Hà Nội cho rằng: Tìm việc làm cho NKT không khó, hiện giờ NKT nắm trong tay chút kỹ năng nghề cũng có thể có công việc ổn định.

Ngoài việc kết nối, tuyển dụng lao động, dạy nghề cho NKT, cần thúc đẩy nhiều hơn các hoạt động tập huấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp, trợ giúp pháp lý cho lao động NKT, tuyên truyền chính sách của nhà nước đối với NKT, giới thiệu sản phẩm, giao lưu cùng doanh nghiệp.

Nhằm phát triển mô hình NKT khởi nghiệp theo mô hình 4.0, ban thanh niên hội NKT thành phố Hà Nội đã ra mắt trang web thanhnienkhuyettathanoi.com với ba kênh: youtube NKT, tivi; fanpage NKT kinh doanh; fanpage NKT kết nối giao lưu nhằm phát triển kinh doanh, kết nối NKT trong nước và quốc tế. Những hình thức kinh doanh như chăn nuôi bò, nước sạch, bán đồ handmade, sản xuất cờ… sẽ được kết nối với nhau nhằm hỗ trợ cộng đồng NKT tìm kiếm việc, chia sẻ công việc dễ dàng hơn.