Tai nạn tàu cá tăng

Chỉ trong thời gian ngắn gần đây, tại tỉnh Quảng Bình đã xảy ra nhiều vụ tai nạn tàu cá làm chết nhiều ngư dân, thiệt hại về tài sản khá lớn. Bên cạnh nguyên nhân khách quan, việc dẫn đến tai nạn tàu cá còn do sự chủ quan của ngư dân khi cho tàu ra khơi không đủ thiết bị bảo đảm an toàn và bất cẩn trong khi sinh hoạt trên tàu. 

Nhiều ngư dân không mặc áo phao khi đánh bắt cá trên biển.
Nhiều ngư dân không mặc áo phao khi đánh bắt cá trên biển.

1/ Chỉ trong tháng 3, tại Quảng Bình đã xảy ra bốn vụ tai nạn tàu cá làm chết hai ngư dân, hai tàu cá bị chìm và cháy. Ngư dân Trương Hải Hòa làm việc trên tàu cá số hiệu QB 913.91-TS kể lại: “Trong đêm tối giữa biển sương dày đặc, chúng tôi đang buông lưới thì đột ngột bị đâm rất mạnh, chiếc tàu cá chao đảo, nghiêng mạn rồi chìm, tất cả ngư dân bị hất văng xuống biển. Rất may có thuyền bạn ở gần cứu được, nếu không trôi lênh đênh giữa biển thì chắc không sống được”. 

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, hằng năm, đơn vị này trực tiếp xử lý từ 300 - 400 vụ cứu nạn trên biển. Trong đó, số lượng tàu cá bị tai nạn, ngư dân bị sự cố trên biển chiếm 80 - 85%. Các vụ tai nạn tàu cá xảy ra cách bờ 50 hải lý, chiếm khoảng 65%, còn cách bờ hơn 200 hải lý chỉ chiếm khoảng 28%. Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình Lê Ngọc Linh, thời gian gần đây, tình trạng tai nạn liên quan đến tàu cá tại địa phương tăng đáng kể, gây nhiều thiệt hại về tính mạng và tài sản của ngư dân. Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như tầm nhìn trên biển bị hạn chế do sương mù dày, thời tiết cực đoan xuất hiện thường xuyên trên biển thì phần lớn đều do sự chủ quan của chính ngư dân. Đó là nhiều chủ tàu thiếu trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, liên lạc và sử dụng tàu cá cũ, có tuổi đời cao. Khi có sự cố xảy ra, thuyền trưởng không thể tự cứu chữa được người và tàu của mình. Đánh bắt ở vùng lộng nên một số tàu cá sử dụng máy cũ, ít bảo dưỡng định kỳ nên thường xuyên hư hỏng. Mặt khác, vẫn còn những tàu cá chưa trang bị đầy đủ thiết bị bảo đảm an toàn nhưng ngư dân vẫn bất chấp ra khơi. Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu cá không mua bảo hiểm bắt buộc cho thuyền viên, nên khi xảy ra sự cố không có sự chia sẻ để góp phần khắc phục hậu quả cho gia đình người bị nạn. 

Hiện, ở Quảng Bình, gần 1.500 tàu cá đánh bắt ở vùng biển xa thì việc mua bảo hiểm bắt buộc đối với thuyền viên khá tốt. Riêng số tàu đánh bắt ở vùng lộng và tàu, thuyền nhỏ hoạt động trên vùng biển gần bờ hầu như không mua bảo hiểm cho thuyền viên. Hai ngư dân xấu số rơi xuống biển chết trong tháng 3 đều rơi vào những trường hợp như thế, nên gia đình vốn đã khó khăn nay lại càng vất vả thêm. Tuy nhiên, cũng đã có trường hợp chủ tàu mua bảo hiểm cho thuyền viên nhưng thuyền viên lại không làm cố định cho một tàu cá mà luôn “nhảy cóc” dẫn tới khó giải quyết chế độ khi người mua bảo hiểm gặp rủi ro. 

2/ Để giảm bớt tai nạn nghề cá, theo Chi cục trưởng Lê Ngọc Linh, bên cạnh siết chặt các quy định và tăng cường kiểm tra việc trang bị đầy đủ các thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, liên lạc trên tàu cá của cơ quan chức năng, thì chủ tàu thuyền và chính mỗi ngư dân phải nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn, thương tích trên tàu cá. Trước mỗi chuyến ra khơi, chủ tàu cần chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị cứu sinh, cứu hỏa, bao gồm: áo phao, phao tròn, túi thuốc y tế; kiểm tra, bảo dưỡng kỹ càng máy móc, thiết bị trên tàu; thuyền viên trên tàu phải có đầy đủ bằng cấp chứng chỉ chuyên môn.

Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp Bộ đội Biên phòng, chính quyền các địa phương tổ chức các đợt tuyên truyền pháp luật về biển, đảo, các quy định về đánh bắt trên biển, trong đó có nội dung bảo đảm an toàn khi đi biển cho ngư dân; tăng cường nội dung an toàn lao động nghề cá thông qua các lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng; siết chặt hơn nữa trong khâu kiểm tra thủ tục xuất bến, trang thiết bị cứu hộ, liên lạc của tàu cá trước khi ra cửa lạch. 

Mặt khác, việc củng cố và tổ chức sản xuất trên biển thông qua các tổ tàu đoàn kết là rất quan trọng không chỉ để nâng cao năng suất, hiệu quả đánh bắt mà còn làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi sự cố xảy ra. Không lực lượng nào có thể cứu nạn nhanh, kịp thời hơn các tàu trong tổ đoàn kết với nhau trên một khu vực ngư trường đánh bắt. Vụ tàu cá của ngư dân bị tàu hàng đâm chìm rạng sáng 29-3 là một thí dụ điển hình. 

Theo Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, để khắc phục tình trạng nhiều tàu cá chưa có máy đàm thoại theo tiêu chuẩn quốc gia, lực lượng cứu nạn thuộc trung tâm sử dụng máy MF/HF 12 băng tần tích hợp thông tin với ngư dân, bảo đảm khi tai nạn xảy ra thì phát hiện sớm để tổ chức cứu hộ, cứu nạn kịp thời, góp phần giảm thiệt hại cho ngư dân.