Sớm quy hoạch vùng sạt lở núi

Trước diễn biến bất thường và khó lường của thiên nhiên, vấn đề sạt lở núi đang là nỗi lo lắng của người dân cũng như chính quyền địa phương ở các tỉnh miền trung - Tây Nguyên. Vấn đề người dân cần lúc này là quy hoạch tổng thể cho các khu vực chịu ảnh hưởng, nhất là tại các huyện miền núi thuộc các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và Quảng Nam…

Gỗ và đất, đá bị cuốn trôi xuống khu dân cư huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) trong đợt bão lũ vừa qua.
Gỗ và đất, đá bị cuốn trôi xuống khu dân cư huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị) trong đợt bão lũ vừa qua.

1. Tại đỉnh núi Ta Bang, thuộc thôn La Ry - Rào, xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), người dân phát hiện vết nứt rộng từ 30 - 50 cm, dài hơn 150 m. Dưới chân núi này là nơi ở của 45 hộ gia đình, với hơn 170 người dân của thôn La Ry - Rào từ lâu đời. Phát hiện những tiếng nổ và vết nứt trên núi người dân ở đây ăn, ngủ không yên.

Ông Hồ Văn Sửa, thôn La Ry - Rào cho biết: “Khi phát hiện ra núi Ta Bang xuất hiện nhiều vết nứt, chúng tôi rất lo sợ. Sợ nhất là khi đêm xuống, cứ nghe tiếng nổ lớn là cả nhà bật dậy chạy ra ngoài. Nhưng cũng không biết đi đâu. Mong chính quyền địa phương sớm có giải pháp cho người dân đến nơi ở khác an toàn hơn để ổn định cuộc sống lâu dài”.

Sau khi phát hiện nứt núi tại xã Hướng Sơn, UBND huyện Hướng Hóa đã di dời toàn bộ các hộ dân sống dưới chân núi đến nơi khác an toàn hơn. Tuy nhiên, việc di dời để tránh hiểm họa trong thời gian bão lũ xảy ra chỉ là giải pháp tạm thời, trước mắt. Theo Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Đặng Trọng Vân: “Để ổn định cuộc sống của người dân ở dưới chân núi, UBND huyện kiến nghị UBND  tỉnh Quảng Trị và các bộ, ngành Trung ương rà soát và đánh giá các nguy cơ về sạt lở núi để có một dự án tổng thể và có kế hoạch di dời người dân”.

Toàn tỉnh Quảng Trị có 19 nghìn hộ gia đình, với hơn 87 nghìn đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có 2/3 số người dân sống ven sông, suối và đồi núi thiên tai luôn rình rập đe dọa. Hiện nay, không chỉ riêng ở tỉnh Quảng Trị mà nhiều nơi ở khu vực miền trung - Tây Nguyên vẫn chưa thể thống kê hết được mức độ nguy hiểm của các khu vực ven sông, suối và đồi núi mà người dân đang sinh sống.

2. Phó Viện trưởng quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, Bộ Xây dựng Nguyễn Thành Hưng cho rằng, thất thường của thiên tai không thể lường trước được. Do đó, công tác quy hoạch một lần nữa phải chú trọng đến việc khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng và rà soát trên diện rộng, không chỉ rà soát ở từng điểm dân cư. Những nội dung liên quan đến bản đồ, dự báo, những khu vực sạt lở cần đưa vào hồ sơ quy hoạch…”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng cho biết: Trước tình hình bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, tỉnh Quảng Trị chỉ đạo, tại những vùng ngập lụt, vùng lũ quét, sạt lở đất, sạt lở núi, các công trình đầu tư như: trụ sở, trường học, trạm xá… nên xây cao tầng, có tường rào chắn kiên cố để sử dụng, đồng thời là nơi tránh trú cho người dân khi thiên tai xảy ra. UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu lập đề án tổng thể, đề nghị Chính phủ, cơ quan chuyên môn khi làm quy hoạch cần chú trọng hơn nữa những nghiên cứu về sạt lở đất, sạt lở núi để tỉnh có kế hoạch di dời người dân đến nơi ở mới an toàn…

Thiên nhiên ngày càng khắc nghiệt, thời tiết nhiều khi biến đổi một cách bất thường. Vì vậy, rất cần có một quy hoạch tổng thể từ các cơ quan chức năng cho các khu vực ven sông, suối và đồi núi để người dân có thể yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống và tránh được những diễn biến của thiên tai ngày càng phức tạp.