Rõ ràng hơn trong thông tin dịch bệnh

Bạn đọc viết:

Cao Văn Đạt (quận Thanh Xuân, Hà Nội)

Vừa qua, tại Hà Nội bùng phát ổ dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai. Để ngăn chặn, phòng, chống các nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng, các cơ quan chức năng đã khoanh vùng, triển khai rất nhiều biện pháp hiệu quả. Tuy nhiên, đến một số địa bàn cơ sở thì dường như những quyết sách kịp thời ấy đã bị “rơi rụng” khá nhiều.

Điển hình như ở tòa chung cư nơi chị tôi sinh sống. Khoảng một tuần sau khi công bố cách ly Bệnh viện Bạch Mai, chung cư xuất hiện một tờ giấy A4 duy nhất dán ở khu vực thang máy. Trong đó, đề cập một cách rất chung chung về hai cá nhân từ Bệnh viện Bạch Mai “đã hết hạn cách ly tại nhà”. Thông tin “nửa vời” này không những không mang lại sự yên tâm, mà còn gây ra nhiều lo lắng cho cư dân tòa nhà. Người thì thắc mắc tại sao mới có một tuần đã “hết hạn cách ly”, kẻ lại sốt sắng yêu cầu ban quản lý tòa nhà có thêm các biện pháp cách ly bổ sung, thậm chí có trường hợp còn tự mua thuốc về phun rửa, lau chùi khắp thang máy và hành lang... Thế nhưng, đáng ngại nhất vẫn là sự kỳ thị chung của toàn bộ cư dân tại đây dành cho hai người có tên trong danh sách kể trên. Không ít người đã to tiếng, cãi vã với hai trường hợp này vì họ “dám ra khỏi nhà đi lại lung tung”.

Tôi thấy rằng, việc cung cấp thông tin không rõ ràng là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều hệ lụy trong cộng đồng. Người chưa chắc nhiễm bệnh thì bị kỳ thị, xa lánh, còn khu dân cư thì không ít người lo lắng mất ăn, mất ngủ. Trong trường hợp trên, một số gia đình thậm chí đã đưa người già, trẻ nhỏ đi “lánh nạn” ở nhà người thân để “phòng hờ”. Vì vậy, tôi đề nghị các cấp chính quyền, nhất là cấp phường, xã ở những địa bàn có tình trạng thiếu chặt chẽ như trên cần nghiêm túc và trách nhiệm hơn trong việc thông tin đến người dân về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tránh tình trạng thông tin “nửa vời”, gây ra những ảnh hưởng thiếu tích cực trong đời sống, xã hội.