Phóng sinh “quay vòng”

Bạn đọc viết:

Ngô Bá Hải (quận Tây Hồ, Hà Nội)

Ở nước ta, theo phong tục, tập quán truyền thống, thì mồng một, ngày rằm là thời điểm người dân hay đến đình, đền, chùa… để cầu an, cầu phúc lộc. Đặc biệt, vào những ngày như Tết ông Công ông Táo, Giao thừa, Rằm tháng Giêng… sẽ có nhiều người làm lễ phóng sinh tích đức.

Theo lẽ thường, phóng sinh nghĩa là trả tự do cho một loài vật nào đó. Thế nhưng, hiện nay thay vì được thả về thiên nhiên, các con vật phóng sinh đang phải oằn mình “quay vòng” liên tục để làm lợi bất chính cho một bộ phận tiểu thương ở các khu vực đền chùa, miếu mạo. Vừa được khách thập phương phóng sinh, những chú cá, rùa, chim tội nghiệp sẽ lập tức bị giăng bẫy, chích điện rồi trở về các “sạp hàng” tự phát trước cổng đình, cổng chùa. Hoạt động này diễn ra ngang nhiên tới mức, con vật phóng sinh chỉ kịp rời khỏi tay du khách vài giây là lập tức đã phải “vào rọ”. Không những gây phản cảm, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục, mà việc chích điện còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cho nhiều người.

Với giá bán khoảng 10, 20 và 50 nghìn đồng lần lượt tương ứng với cá, chim, rùa, việc “quay vòng” các con vật dùng để phóng sinh là một công việc “hái ra tiền” những ngày lễ. Trong khi đó, những con vật khốn khổ thường không giữ được mạng sống do phải “chạy sô” phóng sinh quá nhiều lần. Vậy là, thay vì được thả về với tự do, sống trong môi trường tự nhiên, thì chúng chẳng khác nào một trò tiêu khiển, công cụ kiếm tiền bất chính. Đó là còn chưa kể đến việc những người kinh doanh “mặt hàng” vô lương tâm này còn thường xuyên chèo kéo người đi lễ, to tiếng tranh giành khách hàng, gây mất an ninh, trật tự công cộng. Các đơn vị chức năng và ban trị sự của các di tích, danh thắng, đình đền, chùa miếu cần phối hợp chặt chẽ, ngăn chặn triệt để hơn những hành vi nêu trên, trả lại nét đẹp văn hóa, nhân đạo cho tục phóng sinh.