Phòng ngừa viêm não cho trẻ

Giai đoạn này đang vào cao điểm của bệnh viêm não. Bệnh viện Nhi T.Ư từ đầu năm đến nay đã có 100 trường hợp mắc viêm não nhập viện điều trị, trong đó có hai trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Nếu không chữa trị kịp thời, bệnh nhi có thể tử vong hoặc để lại di chứng nặng nề. Trong đó cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm phòng vaccine.

Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng ngừa hữu hiệu nhiều loại bệnh tật cho trẻ. Ảnh: TTXVN
Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng ngừa hữu hiệu nhiều loại bệnh tật cho trẻ. Ảnh: TTXVN

Tránh biến chứng nguy hiểm

Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em, Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư vừa điều trị cho bệnh nhi V.T.K 10 tuổi, ở Nam Sách, Hải Dương mắc bệnh viêm não Nhật Bản, nhập viện trong tình trạng rất nặng: phù não nặng, giảm vận động, liệt nửa người. Hơn một tuần trước bé ở nhà sốt cao liên tục ba ngày ở nhiệt độ 39 - 40 độ C. Ban đầu gia đình thấy bé họng đỏ, nghĩ là viêm họng nên tìm cách hạ sốt. Nhưng sau đó bé có các biểu hiện như: Đau đầu, co giật, nôn, liệt nửa người bên trái.

Bác sĩ Đào Hữu Nam, Trưởng khoa điều trị tích cực (Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em) cho biết, hai ngày sau khi nhập viện, bệnh nhi vẫn trong tình trạng nặng, các bác sĩ phải đặt ống nội khí quản, thở máy, điều trị tăng áp lực sọ não, đặt máy áp lực nội sọ liên tục. Các bác sĩ phải điều trị can thiệp tránh tổn thương não cho bé. Ba ngày sau bé đã tự thở được.

Sau quá trình điều trị tích cực chống phù não, bệnh nhi đã tạm ổn định. Qua 10 ngày điều trị, đến nay bé đã tự thở được, tỉnh táo nhưng vẫn còn yếu chân trái. Hiện, bệnh nhi được chuyển tới BV Châm cứu T.Ư để phục hồi chức năng.

TS Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới trẻ em cho biết, tỷ lệ ca viêm não khá cao, từ 300 - 500 ca/năm, trong đó có khoảng 1/5 là trường hợp mắc viêm não Nhật Bản. Hiện nay, tỷ lệ tiêm phòng đã đạt tối đa nên tỷ lệ mắc giảm rất nhiều, các ca viêm não nói chung khoảng 250 - 300 ca/năm.

Trong các nghiên cứu chỉ ra có khoảng 50 - 60% ca viêm não có thể xác định được căn nguyên, còn lại tới 40% không tìm ra nguyên nhân. Tỷ lệ bệnh nhân tử vong do viêm não là 5 - 7%, trong đó di chứng cao nhất hiện nay gặp là di chứng trong viêm não herpes và viêm não Nhật Bản.

Tiêm phòng đầy đủ

TS Lâm cũng chỉ ra những dấu hiệu để cha mẹ phân biệt được giữa sốt virus với sốt do viêm màng não. Cụ thể, sốt virus có triệu chứng sốt, nôn, đau đầu, nhưng sốt do viêm màng não thường sốt rất cao, cấp tập một đến hai ngày, đau đầu nhiều, thường nôn vọt không liên quan đến bữa ăn. Thêm nữa, trẻ viêm não cũng kèm theo rối loạn ý thức từ ngủ gà, lơ mơ, li bì, thậm chí hôn mê. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý trong việc chăm sóc cho trẻ để phát hiện sớm và đưa trẻ đến các cơ sở y tế kịp thời.

Bệnh viêm não Nhật Bản gặp ở trẻ nhỏ từ 2 - 8 tuổi, người lớn ít khi mắc do đã có miễn dịch tự nhiên. Bệnh viêm não Nhật Bản hiện chưa có thuốc đặc trị đặc hiệu nhưng đã có vaccine phòng bệnh, vì thế các bậc phụ huynh cần cho trẻ đi tiêm chủng đúng và đủ thời gian.

Theo TS Lâm, thường sau khi tiêm đủ ba mũi phòng viêm não Nhật Bản, trẻ phải tiêm nhắc lại 3 - 5 năm cho đến khi 15 tuổi. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đã lớn lại bỏ qua mũi tiêm nhắc lại này. Lấy thí dụ với bệnh nhi ở Hải Dương, TS Lâm cho biết, bệnh nhi này đã được tiêm ba mũi song mũi ba cách mũi hai hơi dài (cách nhau hai năm, trong khi theo lịch là một năm), sau đó không hề tiêm nhắc lại. Đó là trường hợp điển hình của tiêm không đầy đủ và không nhắc lại theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

Ngày 30-5, BV Nhi T.Ư cho biết, đã chính thức đưa hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa (Telemedicine) vào phục vụ công tác khám, chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh cho trẻ em theo hình thức trực tuyến. Với hệ thống này, từ trung tâm điều hành tại BV Nhi T.Ư, các bác sĩ dễ dàng kết nối các điểm cầu tại nhiều cơ sở y tế tuyến dưới để hội chẩn với các tình huống cụ thể. Thông qua hệ thống này, BV Nhi T.Ư và BV tuyến dưới có thể kết nối với nhau, hội chẩn phân loại, chẩn đoán, điều trị và không cần phải di chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, hạn chế tập trung đông người và giảm nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng.