Phát triển rừng theo hướng cộng đồng

Sau hơn 15 năm thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, rừng cộng đồng ngày càng có vị trí quan trọng trong hệ thống rừng của cả nước. Tuy nhiên, các mô hình rừng cộng đồng vẫn còn một số bất cập thể hiện ở nhiều khía cạnh khác nhau.

Rừng do cộng đồng quản lý đạt hiệu quả cao hơn so hộ gia đình.
Rừng do cộng đồng quản lý đạt hiệu quả cao hơn so hộ gia đình.

Từ những mô hình hiệu quả…

Vân Hồ là huyện thuộc tỉnh Sơn La có độ che phủ rừng cao so cả nước (56,3%). Tổng diện tích rừng được hưởng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng của huyện lên tới 50 nghìn ha, chiếm 66,7% tổng diện tích rừng toàn huyện. Kể từ năm 2002, huyện Mộc Châu (tỉnh Sơn La) đã tiến hành giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng cho cộng đồng các thôn, bản tại khu vực Vân Hồ (nay là huyện Vân Hồ).

Theo đánh giá của Hạt Kiểm lâm huyện Vân Hồ, rừng do cộng đồng quản lý đạt hiệu quả cao hơn so hộ gia đình. Điều này phần lớn là do cộng đồng có khả năng ứng phó các vi phạm như phá rừng, đốt, phát nương làm rẫy hoặc khai thác gỗ trái phép trong khi các hộ gia đình phải nhờ đến sự phân giải của trưởng thôn, hội đồng quản lý thôn, bản. Hơn nữa, các cộng đồng có đủ năng lực và điều kiện để tuần tra bảo vệ rừng, trong khi nhiều trường hợp các hộ gia đình chỉ nhận tiền khoán bảo vệ rừng hoặc từ chi trả dịch vụ môi trường rừng mà không thực hiện các biện pháp bảo vệ. Xét ở quy mô rộng hơn, các hộ gia đình thường được khoán các diện tích nhỏ nên số tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng không đáng kể, không đủ động lực để hộ gia đình bảo vệ rừng. Để thuận lợi cho việc bảo vệ rừng, nhiều nhóm hộ gia đình đã liên kết với nhau và cũng được UBND huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo nhóm hộ.

Thực tế bảo vệ rừng tại nhiều địa phương khác cũng cho thấy, cộng đồng có khả năng bảo vệ rừng tốt hơn so các chủ thể khác, đặc biệt là khi gắn với các giá trị văn hóa, tín ngưỡng. Nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số có những luật tục bảo vệ rừng thiêng tùy theo đặc trưng dân tộc và vùng, miền. Ngoài các nghi lễ cúng rừng, cộng đồng người Tày tại thôn Khe Váp, xã Bắc Lãng (Lạng Sơn) quan niệm rừng Khe Váp là rừng thiêng đồng thời là rừng cộng đồng, người dân không được phép chặt cây, phát nương làm rẫy trong khu rừng này. Người Dao ở xã Dền Sáng (huyện Bát Xát, Lào Cai) thề giữ rừng Ngải Chồ bằng các quy ước của luật tục, thành viên nào vi phạm sẽ bị phạt theo quy định. Rừng thiêng của người Thái tại Quế Phong (tỉnh Nghệ An) là nơi an nghỉ của người đã khuất, là nơi không thể xâm phạm. Khu rừng pơ mu nguyên sinh trên đỉnh Zi’liêng, huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) vẫn được người dân tộc Cơ Tu bảo vệ nguyên vẹn từ nhiều đời nay. Thậm chí, để bảo vệ rừng khỏi bị đốn hạ, già làng đã đề nghị cộng đồng chủ động phối hợp chính quyền và bộ đội biên phòng để bảo vệ rừng.

… đến những vấn đề cần lưu tâm

Báo cáo tại Hội thảo Tương lai rừng cộng đồng ở Việt Nam, PGS, TS Nguyễn Bá Ngãi (Hội Chủ rừng Việt Nam) cho biết, năm 2018, diện tích rừng do cộng đồng dân cư được giao quản lý, sử dụng là 1.156.714 ha, chiếm 8% tổng diện tích rừng của cả nước, trong đó rừng tự nhiên là 1.051.224 ha, rừng trồng là 105.490 ha (số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2019). Trong diện tích rừng nêu trên, năm 2014 đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng 524.477 ha rừng, chiếm 3,67% tổng diện tích rừng của cả nước cho trên 10.000 cộng đồng (số liệu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2014). Đây là rừng và đất lâm nghiệp sử dụng vào mục đích lâm nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cho cộng đồng quản lý, sử dụng ổn định lâu dài, có quyết định hoặc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và rừng.

Thực tiễn thí điểm và vận hành các mô hình rừng cộng đồng trong gần hai thập kỷ qua đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết. Đó là hiện có hàng triệu ha rừng đang do cộng đồng quản lý, liệu có thể tồn tại được không khi Nhà nước không thừa nhận về mặt pháp lý cộng đồng là chủ rừng? Ai sẽ là người thay thế cộng đồng quản lý diện tích rừng nói trên? Trong bối cảnh mới, phạm trù “rừng cộng đồng” cần được định hình như thế nào? Làm sao để có thể tổ chức quản lý rừng cộng đồng một cách hệ thống và hiệu quả, vừa phù hợp bối cảnh địa phương nhưng đồng thời tôn trọng, gìn giữ được các thiết chế, văn hóa truyền thống tốt của cộng đồng?...