Ô nhiễm rác thải ngày càng trầm trọng

Hiện nay, khu bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) đã trở nên quá tải và không thể xử lý lượng lớn rác thải hằng ngày. Nếu không nhanh chóng có các biện pháp xử lý kịp thời, người dân Thủ đô sẽ lại nguy cơ khổ sở vì hàng nghìn tấn rác dồn ứ, bốc mùi giữa phố.

Ngập rác ở một khu dân cư của Hà Nội vì chưa được vận chuyển kịp thời.
Ngập rác ở một khu dân cư của Hà Nội vì chưa được vận chuyển kịp thời.

Hoạt động quá tải

Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có diện tích khoảng 83,5 ha với 10 ô chôn lấp. Đây là nơi tập kết và xử lý rác thải lớn nhất Hà Nội. Hơn 20 năm qua, mỗi ngày khu xử lý này phải tiếp nhận tới 5.000 tấn rác thải của các quận nội thành Hà Nội. Những năm trở lại đây, lượng rác thải phát sinh tăng cao khiến các hố chôn lấp rác tại đây luôn phải hoạt động quá công suất, đã dẫn đến tình trạng quá tải trầm trọng.

Ngày 23-10, người dân hai xã Hồng Kỳ và Nam Sơn của huyện Sóc Sơn đã tập trung đông người ngăn cản không cho xe vận chuyển rác vào khu xử lý, dẫn đến công tác tiếp nhận rác bị ách tắc. Điều đáng nói, đây là lần thứ hai trong năm 2020 và là lần thứ 15 trong những năm qua, người dân địa phương ngăn cản xe vào Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn do không thể chịu nổi sự ô nhiễm ở khu vực này. Và mỗi lần như vậy, mọi ngóc ngách trong khu vực nội thành lại ngập rác do không có chỗ thu giữ.

Còn nhớ cách đây vài tháng, người dân ở khu vực xử lý rác Nam Sơn cũng chặn đường không cho xe rác vào bãi. Sau đó, thành phố đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân trong vùng ảnh hưởng bãi rác Nam Sơn. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm vẫn chưa có nhiều chuyển biến nên đã dẫn đến việc người dân các xã Nam Sơn, Hồng Kỳ tiếp tục ngăn chặn không cho xe chở rác vào khu liên hợp. 

Trước thực trạng này, ngày 27-10, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo UBND các huyện Sóc Sơn, UBND các xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn tập trung giải quyết, tăng cường vận động, giáo dục, thuyết phục, giải thích đối với người dân; hướng dẫn người dân có thắc mắc, kiến nghị thì gửi đơn tới UBND huyện; yêu cầu bà con không ngăn cản công tác vận chuyển, xử lý rác thải tại Khu liên hợp… Ngoài ra, Chủ tịch Hà Nội cũng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, hạng mục, bảo đảm thông suốt quá trình vận hành Khu liên hợp.

Phải ưu tiên đầu tư cho các công nghệ xử lý rác thải hiện đại 

Có thể thấy rằng, nhiều năm qua công tác quản lý rác thải sinh hoạt tại các địa phương chưa được quan tâm đúng mức. Riêng việc thu gom, vận chuyển rác giữa thành thị và nông thôn cũng chưa có sự thống nhất, cách thức triển khai sao cho hiệu quả. Nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp đã đề xuất muốn xây dựng các nhà máy xử lý rác có công nghệ hiện đại song đến nay, chôn lấp lộ thiên và đốt không qua xử lý vẫn là giải pháp được sử dụng chủ yếu tại các khu xử lý rác. Điều này cho thấy, Việt Nam còn thiếu định hướng, lựa chọn được công nghệ xử lý phù hợp cũng như mô hình hoạt động hiệu quả.

Thống kê của Viện Môi trường đô thị và công nghiệp Việt Nam cho thấy, mỗi năm cả nước phát sinh thêm khoảng 25 nghìn tấn rác thải sinh hoạt. Hiện nay, tỷ lệ thu gom, xử lý rác đô thị khoảng 85%, rác nông thôn chỉ thu gom được khoảng 55%, phương án xử lý rác thải sinh hoạt chủ yếu vẫn là chôn lấp chiếm tới 70% khối lượng rác thải. Bàn về các giải pháp xử lý rác thải, các chuyên gia môi trường đô thị nhận định, điện rác là công nghệ tiên tiến cần được ưu tiên hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, bởi nhiều bãi rác chôn lấp đang bị quá tải, không phù hợp trong bối cảnh hiện tại do gây sức ép lớn đến chất lượng môi trường. Tuy vậy, việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức bởi chi phí đầu tư cho công nghệ này không phải rẻ. Trong khi hiệu quả mang lại vẫn là một ẩn số do rác không được phân loại tại nguồn, có độ ẩm cao và thành phần rác hữu cơ nhiều, đòi hỏi hai công nghệ phân loại nguồn và xử lý riêng.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, HĐND TP Hà Nội năm 2019, Hà Nội mỗi ngày phát sinh 6.500 tấn rác. Trong đó, bãi rác Nam Sơn tiếp nhận phần lớn với khoảng 5.000 tấn mỗi ngày, 1.500 tấn còn lại được chuyển về bãi Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) và một số nhà máy đốt rác nhỏ. Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội cho biết, trong thời gian người dân chặn đường vào khu xử lý rác, mỗi ngày bãi rác Nam Sơn ùn ứ khoảng 1.500 tấn rác. Thời điểm hiện tại, sau khi thông đường, công nhân môi trường đô thị đã vận chuyển, dọn dẹp lượng rác thải ùn ứ trước đó. Tuy nhiên, với lượng tiếp nhận rác như hiện nay, đến hết năm 2020, cả hai khu xử lý rác Nam Sơn và Xuân Sơn sẽ không còn khả năng hoạt động và có thể phải đóng bãi.