Nỗi lo cây đổ mùa mưa, bão

Những năm gần đây, tình trạng cây xanh gãy cành, bật gốc tại Hà Nội gây nguy hại tới tính mạng, tài sản của người đi đường xảy ra khá phổ biến. Thực trạng này đang đòi hỏi cần nhanh chóng triển khai các biện pháp ngăn chặn, xử lý nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những hiểm họa đối với người dân, nhất là khi mùa mưa bão năm nay đang có những dấu hiệu bất thường.

Mưa to, gió lớn khiến nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ trên đường phố.
Mưa to, gió lớn khiến nhiều cây xanh bật gốc, gãy đổ trên đường phố.

Nguy hiểm rình rập

Tối 3-7, do ảnh hưởng bão số 2, tại phố Trích Sài (phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội), một cây xanh bất ngờ đổ xuống đường khiến hai người phụ nữ đi xe máy bị thương. Ngày 9-7, tại số 135 Trung Liệt (phường Trung Liệt, quận Đống Đa), một cây cổ thụ bị mục đã đổ ngang đường, tuy không làm ai bị thương nhưng điều đó cũng cho thấy cần phải xử lý cây xanh có nguy cơ gãy đổ, nhất là trong thời điểm mưa bão.

Những ngày qua, do ảnh hưởng cơn bão số 3, mưa liên tiếp trong mấy ngày liền đã gây ngập lụt cục bộ ở nhiều nơi. Cùng với đó là tình trạng cây xanh gãy đổ ở một số tuyến phố như đường Láng, Tô Hiến Thành, Nguyễn Chí Thanh, Tam Trinh… gây ảnh hưởng giao thông nghiêm trọng.

Mỗi năm tại Hà Nội đều có không ít cây xanh bị bật gốc, gãy cành khiến nhiều người lo lắng. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, đường Láng, quận Đống Đa cho biết: “Vào những ngày mưa bão, mọi người trong gia đình tôi rất sợ ra đường bởi nhiều rủi ro thường trực. Nhất là tình trạng cây xanh trên đường gãy đổ bất ngờ, không biết đâu mà lường trước được. Nếu không có việc gì bất đắc dĩ phải ra ngoài, mọi người tốt nhất cứ ở trong nhà cho yên tâm”.

Hiện nay, phần lớn hệ thống cây xanh ở Thủ đô đã phát triển qua nhiều thời kỳ, với hệ thống cây bóng mát, cây cổ thụ có khi hàng trăm tuổi. Dù các đơn vị chức năng thường xuyên thực hiện các biện pháp tỉa nhánh, cắt ngọn nhưng tình trạng cây gãy đổ, gây tai họa bất ngờ cho người đi đường vẫn tiềm ẩn khá nhiều. Ngoài ra, còn phải kể tới những tuyến đường có các loại cây tuy nhỏ nhưng cũng tiềm ẩn nguy hiểm gãy đổ do đặc điểm thân cây giòn, rễ nông, không được rào chắn cẩn thận…

Anh Nguyễn Văn Lâm, Láng Hạ, quận Đống Đa cho biết: “Do đặc thù công việc nên tôi thường xuyên có mặt ngoài đường, nhiều lúc chỉ cần gió mạnh một chút là các cành cây đã gãy và rơi xuống đường. Vậy nên những khi mưa to, gió lớn, tôi đều tìm nơi trú tránh an toàn chứ không mạo hiểm đứng dưới gốc cây”.

Cần thêm những giải pháp

Hằng năm, Sở Xây dựng Hà Nội đều có chỉ đạo về việc xử lý hiểm họa cây xanh có nguy cơ bật gốc, gãy đổ. Đây là việc làm kịp thời nhằm bảo đảm an toàn cho người dân Thủ đô trong mùa mưa bão. Dẫu vậy, thực tế vẫn còn những hiện tượng cây đổ, cành gãy, có trường hợp làm thiệt hại đến người và tài sản. Vì vậy, để ngăn chặn tiến tới đẩy lùi nguy cơ mất an toàn do cây xanh gãy đổ trong mùa mưa bão, thành phố cần tiếp tục có những giải pháp đồng bộ, phát triển trồng mới các loại cây đô thị, bảo đảm an toàn, bên cạnh những biện pháp tình thế như: cắt ngọn, tỉa cành, thay thế cây rỗng, mục… nhằm hạn chế cây đổ bất ngờ.

Theo ý kiến các chuyên gia về đô thị, về lâu dài cần có kế hoạch thay thế dần các loại cây cổ thụ quá già tuổi, phân loại nhóm tuổi tồn tại, sinh trưởng cho phép của từng loại cổ thụ để có những biện pháp thích hợp bảo vệ, thay thế… Đó cũng là cơ sở để các cơ quan quản lý nghiên cứu và đưa ra những can thiệp kịp thời đối với hệ thống cây xanh, kể cả những công trình xây dựng hạ tầng làm ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của cây xanh, bảo đảm an toàn cho con người và cảnh quan đô thị.

Bên cạnh sự biến đổi bất thường của thời tiết, nguyên nhân cây xanh gãy đổ liên tục còn do việc thi công hạ tầng đô thị khá bất cập. Việc thi công xây dựng vỉa hè thường hạ cốt hoặc nâng nền lên cao khiến rễ cây lâu năm bị nông, dẫn đến cây dễ gãy đổ. Mưa lớn, đất nền yếu, lại thêm việc chặt rễ cây khi thi công công trình ngầm đã làm giảm độ vững chắc của cây, nên khi có gió giật mạnh cây rất dễ đổ.

Hiện nay, những tai nạn liên quan cây đổ bất ngờ vẫn được coi là “họa vô đơn chí” và khó có thể nhận bồi thường. Vì thế, một lời khuyên vẫn được nhiều người cảnh báo, đó là không nên di chuyển trên đường trong điều kiện thời tiết xấu, mưa bão. Nếu như buộc phải di chuyển thì hãy cẩn trọng, quan sát kỹ hơn, kiểm soát tốc độ và giữ khoảng cách an toàn. Trong đợt cơn bão số 3 vừa qua, may mắn là mật độ phương tiện tại các tuyến đường ở Thủ đô không quá cao nên số điểm ùn tắc không nhiều, nhưng người dân vẫn cần thận trọng mỗi khi ra đường trong mùa mưa, bão.