Nhu cầu tín dụng đang chững lại

Dịch Covid-19 bùng phát khiến nhiều kênh đầu tư chao đảo, giá vàng lên xuống thất thường, thị trường chứng khoán ngập trong sắc đỏ, bất động sản “bất động”, sản xuất, kinh doanh đang chậm lại, thiếu hụt nguồn cung linh kiện, nguyên liệu… Tăng trưởng tín dụng (TTTD) gần như đứng im trong hai tháng đầu năm, nhiều nhà đầu tư (NĐT) và người dân đã chọn kênh gửi tiết kiệm để tích lũy an toàn.

Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so cùng kỳ năm trước. Ảnh: NG.HẢI
Tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so cùng kỳ năm trước. Ảnh: NG.HẢI

Thông thường, vào dịp này, các DN sẽ tăng cường nguồn vốn để mở rộng hoạt động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tuy nhiên, do đầu năm nay khó khăn nên nhiều DN đã tạm ngừng hoạt động. Mặc dù các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tung ra nhiều gói hỗ trợ doanh nghiệp (DN), nhưng nhu cầu vay vốn vẫn giảm bởi DN chưa có nhu cầu. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho thấy, TTTD toàn hệ thống trong hai tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 0,06%, giảm mạnh so cùng kỳ năm trước (khoảng 1%).

Mức TTTD thấp phản ánh sự khó khăn của các DN khi hàng loạt ngành hàng đang chịu ảnh hưởng lớn như: nông - lâm - thủy sản, DN có hoạt động xuất, nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giày, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục... Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, hai tháng đầu năm 2020 có gần 16.200 DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 19,5% so cùng kỳ năm trước.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, phần lớn dư nợ vào các ngành đều giảm, trong đó chủ yếu giảm tại các lĩnh vực dịch vụ, thương mại, du lịch, vận tải. Một số lĩnh vực sản xuất ghi nhận tăng nhờ còn nguyên liệu sản xuất dự trữ, nhưng khi hết thì cũng khó tránh sự sụt giảm. Hiện nay, dư nợ cho vay với khối DN chiếm hơn 53% trong tổng dư nợ tín dụng. Hầu hết các DN thuộc mọi lĩnh vực ngành nghề, đều vay vốn lưu động từ các TCTD. Vì vậy, khi sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn thì các TCTD cũng chịu ảnh hưởng gián tiếp.

Một số NH thương mại cổ phần thừa nhận, tháng 2-2020 TTTD gần như… đứng im. Dù các NH đã giảm lãi vay từ 1 - 1,5 điểm %/năm, đưa ra nhiều gói hỗ trợ, nhưng DN không vay bởi sản xuất, kinh doanh ngưng trệ. Trong khi đó, chỉ trong vòng năm tuần vừa qua, NHNN thông qua nghiệp vụ mở đã phải hút ròng về 120.000 tỷ đồng, đây là điều hiếm có từ trước đến nay, nó thể hiện thanh khoản của các NH rất dồi dào.

Không chỉ hoạt động tín dụng của NH gặp khó, tín dụng tiêu dùng (TDTD) của công ty tài chính (CTTC) cũng không mấy tích cực bởi mùa cao điểm tiêu dùng dịp Tết đã qua, nay còn thêm tác động từ dịch bệnh. Hiện tại, nhiều CTTC như FE Credit, Home Credit, HD Saison, VietCredit... đều đang nỗ lực đẩy mạnh cho vay tín chấp với kỳ vọng hoạt động TDTD sẽ khả quan hơn.

Ðược biết, VietCredit đặt kế hoạch TTTD thẻ vay năm 2020 là 110%, sau đó giảm mạnh trong ba năm tới, cụ thể là giảm về mức 45% năm 2021, 30% năm 2022 và 25% năm 2023. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2020 là không dễ. Thêm vào đó, quy định mới về cho vay tiêu dùng cũng là yếu tố tác động không nhỏ lên hoạt động này.

Phó tổng giám đốc một CTTC chia sẻ, dư nợ cho vay của công ty trong ba tháng đầu năm sẽ khó tránh sự sụt giảm, thậm chí có thể ảm đạm hơn trong tháng 4 nếu dịch bệnh chưa được khống chế. Mặt khác, theo Thông tư 18/2019/NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng của CTTC có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, các CTTC chỉ được giải ngân trực tiếp cho khách hàng không có nợ xấu theo báo cáo quan hệ tín dụng tra cứu tại Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC) tại thời điểm gần nhất so thời điểm ký kết hợp đồng cho vay. Tỷ lệ giải ngân trực tiếp bằng tiền mặt tại các CTTC cũng sẽ giảm mạnh theo lộ trình, từ 70% hiện nay xuống 30% vào năm 2024. Quy định mới còn điều chỉnh hoạt động thu hồi nợ khi quy định rõ thời gian, số lần, đối tượng nhắc nợ. Trong bối cảnh hiện tại, cầu vốn tiêu dùng giảm là khó tránh, nhưng để bảo đảm hoạt động cho vay tiêu dùng lành mạnh, hiệu quả thì việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động này là cần thiết.

Các dự báo cho thấy, khó khăn không thể qua nhanh. Phải mất khoảng hai, ba tháng nữa, các DN đang tạm ngừng mới có thể quay trở lại hoạt động. Với những DN đang hoạt động, cũng mất khoảng đó thời gian để bình thường trở lại. Nếu dịch Covid 19 vẫn chưa được kiểm soát thì hoạt động sản xuất, dịch vụ tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhiều quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như: Liên hiệp châu Âu (EU), Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản,... dịch vẫn bùng phát. Việc xuất khẩu sang các thị trường này gặp khó khăn. Như vậy, nhu cầu về vốn của DN sẽ còn ở mức thấp trong nhiều tháng nữa. Các gói hỗ trợ lớn đã được tung ra và các TCTD cũng cam kết đồng hành cùng DN để chia sẻ khó khăn. Tuy nhiên, theo nhận định của giới chuyên môn, khả năng năm nay ngành NH sẽ không đạt TTTD từ 13 - 14% theo kế hoạch.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, thị trường tài sản như chứng khoán, vàng, bất động sản vào thời điểm hiện tại khá nhạy cảm với dịch Covid-19 nên có những biến động khó dự báo. Tiết kiệm là kênh đầu tư thông dụng nhất tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, kênh này càng được ưu tiên, đặc biệt là đối với những NĐT có tâm lý lo ngại, muốn bảo toàn vốn. Mặt khác, việc gửi tiền vào NH cũng mang tính linh động vì NĐT có thể nhanh chóng rút ra để chuyển sang các kênh khác khi có cơ hội.