Nhiều công trình thủy lợi kém hiệu quả

Năm nay ở Đắk Lắk tình hình hạn hán không gay gắt như một số năm trước nhưng đến thời điểm này, toàn tỉnh vẫn có hơn 11.500 ha cây trồng bị khô hạn nặng, trong đó nhiều diện tích bị mất trắng. Một trong những nguyên nhân khiến tình trạng này càng thêm gay gắt là do việc xây dựng các công trình hồ, đập, kênh mương thủy lợi trên địa bàn còn nhiều bất cập, hư hỏng, xuống cấp.

Hồ Ea Kia, xã Ea Sin, huyện Krông Búk khô cạn từ tháng 3 đến nay.
Hồ Ea Kia, xã Ea Sin, huyện Krông Búk khô cạn từ tháng 3 đến nay.

1. Xã Ea Sin, huyện Krông Búk có hai công trình hồ thủy lợi là hồ Ea Kia và Ea Kar, cung ứng nguồn nước tưới tiêu cho khoảng 400 ha cây trồng các loại của địa phương. Nhưng từ đầu tháng ba đến nay cả hai hồ này đã cạn trơ đáy, lòng hồ nứt nẻ. Hai hồ được xây dựng đã nhiều năm nay, lòng hồ ngày càng bị bồi lấp nên lượng nước dự trữ không được nhiều, cứ bước vào giữa mùa khô là hồ khô cạn trơ đáy.

Để cứu cây trồng, người dân phải chi phí hàng chục triệu đồng thuê người đào, khoan giếng ngay dưới lòng hồ tìm mạch nước. Nhiều người không có khả năng chi phí đào giếng thì chấp nhận nhìn vườn cây chết khô. Anh Trần Quang Khải ở xã Ea Sin buồn rầu: Gia đình tôi làm được 2,5 ha cà-phê và hằng năm vào mùa khô đều bơm nước từ hồ Ea Kia lên tưới. Từ giữa tháng ba đến nay, người dân rất vất vả tìm nguồn nước tưới, đặc biệt là cho cây cà-phê. Những gia đình có điều kiện thì khoan giếng, còn những gia đình khó khăn thì ngày đêm chầu chực ở lòng hồ để “mót” từng giọt nước rỉ ra…

Tương tự, trên địa bàn xã Cư Pui, huyện Krông Bông có ba hồ chứa là hồ E Pren, E H’mun và hồ buôn Khóa, dung lượng mỗi hồ phục vụ nguồn nước tưới cho vài chục ha cây trồng của nhân dân địa phương. Tuy nhiên, các hồ chứa này đã xây dựng từ lâu như hồ E Pren được xây dựng từ năm 2000, hồ E H’mun xây dựng năm 2002 và hồ buôn Khóa xây dựng từ năm 2011, đến nay đã xuống cấp, dung tích chứa nước ngày càng ít. Từ giữa tháng ba đến nay, cả ba hồ chứa này đã cạn khô đáy khiến hàng trăm ha cây trồng của nhân dân trên địa bàn bị khô hạn nặng, trong đó nhiều diện tích bị giảm năng suất và mất trắng. Chủ tịch UBND xã Cư Pui Nguyễn Văn Tâm nhận định: Trong mùa khô hạn năm nay do thiếu nước tưới nên nhiều diện tích lúa nước khô cháy, mất trắng; nhiều diện tích cà-phê bị hạn nặng, không đủ nước nuôi quả nên năng suất trong vụ tới sẽ giảm mạnh, đời sống nhân dân sẽ khó khăn hơn.

2. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, đến nay trên địa bàn tỉnh có 782 công trình thủy lợi gồm: 118 đập dâng, 57 trạm bơm và 607 hồ chứa nước với tổng dung tích khoảng 650 triệu m³. Trong đó, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi Đắk Lắk quản lý 340 công trình, các doanh nghiệp và một số đơn vị khác quản lý 161 công trình, trong đó 120 hồ chứa, 41 trạm bơm; các địa phương quản lý 281 công trình, trong đó 240 hồ chứa, 37 đập dâng, bốn trạm bơm. Nhiều công trình hồ, đập thủy lợi đã được đầu tư xây dựng nhiều năm nên đã xuống cấp, hư hỏng, lượng nước trữ không được nhiều. Vì vậy, mới đến đầu tháng năm, toàn tỉnh đã có 98 hồ, đập thủy lợi khô cạn trơ đáy. Các hồ chứa còn lại mực nước chủ yếu duy trì ở mức thấp; trong đó hồ chứa nhỏ phổ biến cạn kiệt, các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 30 - 50% dung tích thiết kế, một số hồ lớn còn dưới 30% dung tích. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương phân tích: Do việc xây dựng còn nhiều bất cập, nhiều công trình hồ, đập, kênh mương thủy lợi được xây dựng lâu năm đến nay đã xuống cấp, hư hỏng nhưng chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp nên không phát huy hiệu quả phục vụ chống hạn. Trong mùa hạn năm nay trên địa bàn tỉnh có hơn 11.570 ha cây trồng các loại bị hạn, trong đó có 4.045 ha lúa, 2.011 ha cây hoa màu, 5.514 ha cây lâu năm và 2.802 hộ dân ở các huyện Buôn Đôn, Cư Mgar, Ea Kar, Ea Súp, Krông Bông… bị thiếu nước sinh hoạt.

Theo ông Dương, hiện nay và nhiều năm nữa, Đắk Lắk vẫn là một trong những tỉnh tập trung diện tích cây trồng lớn nhất nước, nhất là các loại cây công nghiệp dài ngày có nhu cầu tưới nước cao như cà-phê hơn 200 nghìn ha, tiêu hơn 38 nghìn ha và hàng chục nghìn ha lúa nước, cây ăn trái… Trong khi đó, tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, thời tiết thay đổi thất thường không theo quy luật khiến tình hình hạn hán ngày càng khốc liệt hơn. Vì vậy, ngoài việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng công nghệ tiên tiến tưới tiết kiệm nước trong sản xuất… thì T.Ư và tỉnh cần đầu tư xây dựng mới các công trình hồ chứa, đập thủy lợi có dung tích chứa nước lớn, đồng thời đầu tư sửa chữa, nâng cấp, nạo vét các hồ, đập, kênh thủy lợi đã xuống cấp, hư hỏng…