Nguy cơ trẻ thụ động vì thiếu sân chơi lành mạnh

Vì thiếu sân chơi có không gian xanh và an toàn nên nhiều trẻ trong dịp nghỉ hè có nguy cơ… thụ động

Cần sớm có kế hoạch xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ.
Cần sớm có kế hoạch xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ.

1. Thiếu vườn hoa, sân chơi là vấn đề diễn ra nhiều năm nay ở Hà Nội. Những khu đất vốn dĩ được dùng để xây dựng khu vui chơi cho trẻ đã bị sử dụng sai mục đích, trở thành nơi kinh doanh, buôn bán. Những tòa nhà cao “chọc trời” ngày càng được xây dựng nhiều, các khu giải trí chất lượng cao mọc lên như nấm nhưng sân chơi cho thiếu nhi vẫn thiếu hụt trầm trọng. Các bậc phụ huynh tìm mỏi mắt cũng chỉ thấy những địa điểm quen thuộc như: Công viên (CV) Yên Sở, CV Nghĩa Đô, CV Thống Nhất, Cung Thiếu nhi Hà Nội,…

Hiện nay, ở Hà Nội cũng không ít những khu vui chơi chất lượng cao dành cho trẻ em, tuy nhiên vé vào cửa một lần cũng không hề rẻ. Thí dụ như: CV nước Hồ Tây (giá vé vào cổng là 115.000 đồng/vé trẻ em) hay khu vui chơi Aeon Mall Long Biên có rất nhiều trò chơi, giá khoảng 120.000 đồng/em… Không phải gia đình nào cũng có khả năng về kinh tế để thường xuyên cho con em mình đến đây vui chơi.

Giống như nhiều gia đình có con nhỏ, chị Trần Mai Ly (Quan Hoa, Cầu Giấy) cho biết: “Nhà mình cũng gần công viên, ở đây rất thiếu trò chơi nhất là những trò bổ ích rèn luyện thể chất nên bé nhà mình không thích ra đây chơi lắm, nhưng chiều nào chồng mình cũng phải dắt con ra đi bộ một vòng cho con thư giãn, chứ không ngày nào cũng trong nhà xem tivi…

Điểm vui chơi công cộng thiếu, không gian sinh hoạt cộng đồng không có, môi trường ngột ngạt đông đúc dẫn đến thực trạng trẻ em có xu hướng thụ động hơn khi ngồi lì ở nhà xem tivi, chơi trò chơi trên smart phone. Thậm chí có nhiều em còn nghiện các trò chơi online. Những điều này dần tạo thói quen xấu cho trẻ.

2. Thiếu chỗ chơi dẫn đến tình trạng bất kỳ chỗ trống nào ở ngõ ngách, vỉa hè, đường phố đều có thể trở thành nơi vui chơi của các em. Vào buổi chiều tại khu cầu vượt Ngã Tư Sở (hướng đi Tây Sơn, Nguyễn Trãi) thường diễn ra tình trạng một nhóm học sinh tụ tập đá bóng trong khoảng trống dưới chân cầu. Mặc dù có hàng rào che chắn nhưng khe hở quá lớn khiến bóng nhiều lần bay ra ngoài, tiềm ẩn nguy hiểm cao cho các cháu và những người tham gia giao thông.

Những quán net, game online cũng trở thành một trong những điểm “dừng chân” của các em trong kỳ nghỉ hè vì… không có chỗ chơi. “Một ngày em chơi khoảng ba tiếng và về nhà trước lúc bố mẹ đi làm về. Ở nhà em cũng có máy tính nhưng em thích ra quán chơi như vậy hơn, ở đây có mọi người còn nói chuyện này chuyện kia chứ ở nhà em có một mình chán lắm ạ”, Hoàng (học sinh lớp 9) tâm sự.

3. Nguy hiểm hơn nữa là có một số em vì không có sân chơi và đang trong độ tuổi mới lớn thường xuyên tụ tập với nhau, có nguy cơ bị dụ dỗ, xúi bẩy sa vào những thói hư, tật xấu như hút thuốc, đánh nhau... “Cứ tầm chiều tối là có một nhóm khoảng chục cô cậu tầm 15 tuổi tụ tập hút thuốc, chửi bậy ngay sau chung cư. Nhiều lần tôi đi bộ qua có nhắc nhở nhưng chỉ được vài hôm là lại đâu vào đấy. Rất muốn trao đổi với phụ huynh nhưng lại không biết, để thế này hỏng mất cả một tương lai”, bác Diễm (chung cư Nguyễn Thái Học, Hà Đông) lo lắng chia sẻ.

Những người quan tâm đến giáo dục vẫn trăn trở, để giúp các em thanh, thiếu niên có thể phát triển toàn diện thì ngoài việc học, vui chơi giải trí cũng vô cùng quan trọng. Vì vậy, việc tạo ra các sân chơi là rất cần thiết. Để giải quyết bài toán sân chơi cho trẻ trong dịp hè, các cấp chính quyền và các ngành chức năng cần sớm có kế hoạch duy tu, tôn tạo, xây dựng mới các điểm vui chơi an toàn, bổ ích cho trẻ. Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng nên quản lý con em trong dịp hè, tránh trẻ sa vào các trò chơi vô bổ, thiếu lành mạnh; đồng thời làm giảm nguy cơ thương tích từ những tai nạn đáng tiếc xảy ra…