Người trồng rừng chờ... tiền công

Là nơi được tỉnh Điện Biên ghi nhận, đánh giá là huyện làm tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng giai đoạn 2016 - 2020, song đến thời điểm này, khi rừng trồng huyện Mường Ảng đã lên xanh thì chính quyền lại nợ tiền công  người trồng.

Một trong những khu rừng trồng tại xã Ẳng Cang được người dân chăm sóc, bảo vệ tốt.
Một trong những khu rừng trồng tại xã Ẳng Cang được người dân chăm sóc, bảo vệ tốt.

Rừng trồng tốt

Triển khai từ cuối năm 2015, bắt đầu trồng mới gần 360 ha tại sáu xã: Mường Lạn, Mường Đăng, Ẳng Cang, Ẳng Tở, Xuân Lao, Búng Lao, từ năm 2016 đến hết năm 2019 toàn huyện đã có 1.426 ha rừng trồng mới, được chăm sóc, bảo vệ tốt. 

Mừng với kết quả đạt được, song rất nhiều ngày qua hầu hết cán bộ chuyên môn các phòng, lãnh đạo UBND huyện và cán bộ xã Mường Lạn nặng trĩu âu lo bởi lời hứa khi vận động nhân dân trồng rừng từ 5 năm trước. Đó là việc trả tiền công dân trồng và cả tiền công chăm sóc rừng hằng năm cho dân còn thiếu nhiều!

Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Mường Ảng, huyện còn nợ người dân tám xã: Mường Lạn, Mường Đăng, Ẳng Cang, Ẳng Tở, Xuân Lao, Búng Lao, Ngối Cáy, Nặm Lịch là 4,795 tỷ đồng. Trong đó, nợ công trồng rừng năm 2016 hơn 249 triệu đồng; công trồng, chăm sóc năm 2017 là 677,3 triệu đồng; năm 2018 là 1,721 tỷ đồng và năm 2019 là 756,3 triệu đồng… “Điều kiện huyện nghèo, nguồn thu thấp lại không được vận dụng chính sách nên rất khó. Phòng đã nghiên cứu, tham mưu huyện đề nghị tỉnh xem xét cơ chế nhưng hiện chưa được trả lời. Khó khăn lắm”, Trưởng phòng NN-PTNT Kiều Xuân Hoàng nói thêm như thể giãi bày.

Thừa nhận thực trạng nợ tiền trồng, chăm sóc rừng trồng của nhân dân, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng còn tự nhận: “Tôi giờ thành Chủ tịch “nợ” rồi. Đành rằng anh em cán bộ xã đều hiểu, thông cảm vì sự thay đổi chính sách, nhưng với bà con tôi cảm thấy áy náy vô cùng”.

Huyện Mường Ảng từng xác định nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2016 - 2020 và định hướng đến năm 2025 trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông - lâm nghiệp. Trong đó, ưu tiên trước nhất là phủ xanh đất trống đồi núi trọc, nâng cao diện tích, tỷ lệ che phủ rừng bằng cách đẩy mạnh khoanh nuôi tái sinh, phục hồi rừng và tập trung trồng rừng sản xuất, từng bước tạo vùng nguyên liệu tập trung, đồng thời nâng cao ý thức, đời sống để nhân dân yên tâm gắn bó với rừng. 

Ngay khi triển khai trồng rừng sản xuất vụ đầu tiên năm 2016, huyện đã căn cứ nguồn hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ để thông tin đến nhân dân; động viên nhân dân tích cực đăng ký trồng rừng. Đồng thời cam kết thanh toán dứt điểm chế độ hỗ trợ cho dân ngay khi nghiệm thu diện tích, cây trồng (với tổng mức hỗ trợ 10 triệu đồng/ha/năm). Quá trình triển khai thực tế, UBND huyện còn giao nhiệm vụ cụ thể đến từng thành viên, cán bộ chuyên môn các phòng, ban theo dõi, hỗ trợ từng xã… Nhân dân các xã tích cực đăng ký trồng, chăm sóc rừng. Công tác bảo vệ, chăm sóc, trồng mới rừng với huyện Mường Ảng đã thuận lợi hơn rất nhiều.

Cơ chế nào chi trả cho dân?

Từ năm 2019 khi Quyết định 387/QĐ-TTg ngày 10-4-2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc bãi bỏ Quyết định 2621/QĐ-TTg ngày 31-12-2013 về sửa đổi một số mức hỗ trợ phát triển sản xuất theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành, thì vướng mắc bắt đầu nảy sinh. Bởi theo quy định mới tại Quyết định 387 diện tích rừng trồng tại Mường Ảng từ năm 2019 sẽ không được hỗ trợ công trồng, chăm sóc; diện tích rừng trồng các năm 2016, 2017, 2018 không được hỗ trợ công chăm sóc chuyển tiếp theo các năm. Chính sách hỗ trợ này thay đổi khiến Mường Ảng lâm vào thế… khó vô cùng!

Ông Hiệp lý giải: “Chính sách hỗ trợ ban hành từ năm 2013, đến 2016 huyện áp dụng, triển khai và xác định chỉ tiêu trồng mới từng năm trong cả giai đoạn 2016 - 2020. Đùng một cái, chính sách thay đổi từ hỗ trợ thành không hỗ trợ thì hỏi huyện làm kiểu gì? Với nhân dân, nghe cán bộ chuyên môn động viên, tuyên truyền thì ủng hộ, tích cực đăng ký trồng rừng rồi, giờ không thể nói với bà con không có chính sách hỗ trợ được đâu!”. 

Từ cuối năm 2018 đến nay, Mường Ảng đã nhiều lần đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính, Sở NN&PTNT Điện Biên phân bổ kinh phí hỗ trợ trồng rừng và cho chủ trương sử dụng nguồn vốn chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp theo Quyết định số 45/2018 của UBND tỉnh Điện Biên, nhưng chưa được hồi đáp. Mỗi lần gửi tờ trình đi, ông Chủ tịch UBND huyện lại thấp thỏm chờ đợi, như nỗi niềm người trồng rừng hằng mong mỏi suốt mấy năm qua.